Đã có những lần Hoàng Cầm nói về dự định viết một trường ca về vương triều Lý, hoặc mong một ai đó có thể ở bên, tình yêu trong trẻo sẽ giúp ông khơi lại nguồn cảm xúc. Có lẽ nhiều lúc, những ý thơ lộng lẫy đã vụt sáng trong hình dung của ông. Nhưng người đọc yêu Hoàng Cầm không bao giờ được biết về những câu thơ ấy, như người ta từng mê đắm Lá diêu bông, Quả vườn ổi, Cây tam cúc, Chị em xanh, Mưa Thuận Thành, Bên kia sông Đuống…
Nhà thơ Hoàng Cầm đọc sáng tác mới. Ảnh: Lưu Nguyễn |
Những bài thơ mở ra cả một vùng không gian diễm ảo và quyến luyến. Nhiều lúc ông nói muốn về quê hương một chuyến, nhưng sức kiệt không cho toại nguyện. Và ông nhớ lại những năm tháng xưa là cậu học trò, sớm nảy sinh những cảm tình trai trẻ. Ông nhớ chị Nghĩa, hơn mình hai tuổi, khi ông còn học ở thị xã Bắc Ninh: “Một buổi trưa, tôi thấy một cô gái mặc quần áo nông dân, gánh một gánh gạo vào nhà. Ban đầu tưởng bà chủ mua gạo, lúc sau mới biết đó là con gái bà. Nhưng lúc cô ấy vừa đặt gánh gạo xuống tôi đã thấy đẹp quá! Lại trông mộc mạc quê mùa, thêm những giọt mồ hôi trên khuôn mặt đỏ hồng hào, đôi mắt to đen lay láy. Sao lại có cô gái nông thôn đẹp thế!”.
Khi nhà văn Kim Lân, rồi nhà thơ Lê Đạt mất, tôi đến phỏng vấn ông, cũng như những lần khác, nghe ông kể chuyện về bạn bè xưa, những bóng hình người yêu cũ, chuyện ngày xưa đi nghe quan họ, chuyện viết kịch thơ Kiều Loan, lần nào cũng thấy ông đắm đuối với một miền suy tưởng. Ngày ngày, ông dạo chơi trở lại, trẻ trai trở lại với những nỗi niềm thuở thanh xuân. Ông nhớ về Kim Lân: “Hôm ấy đi xem Bóng giai nhân của Nguyễn Bính và Yến Lan ở Nhà hát Lớn. Tôi ngồi cạnh một người có vẻ nhà quê. Vừa xem, anh vừa trao đổi với người xung quanh. Tôi nghe thấy những nhận xét sắc sảo về sân khấu. Mà mình là dân làm kịch, nên thích. Chúng tôi quen và chơi thân với nhau… Hôm tôi ngã, Kim Lân lên chơi, đùa: Ui giời! Thôi ngã đi cũng phải! Ngã là cái hay! Nằm một chỗ chả phải đi nữa! Biết đâu còn ai đâu…”. Và về Lê Đạt hồi kháng chiến chống Pháp: “Tôi thấy một người rất mới, không làm câu nào có vẻ cũ kỹ cả… Vừa tài, vừa nghênh ngang. Những câu thơ không gọn gàng kiểu cổ điển đâu mà luôn có tư thế, coi sự đời, mọi thứ thường thôi”.
Một tối trước Tết tôi đến, ghé mắt qua cửa nhìn ông thiu thiu ngủ. Một người con nói rằng ông cụ mấy tháng nay bắt đầu lẫn, gặp con cháu, bạn bè nhiều lúc không nhớ được tên. Tôi nhớ đến những câu thơ có thể là trong số những bài thơ cuối cùng của ông: “Ta biết rồi đây mây trắng/ Thường bâng khuâng gọi chiều hoang/ Ni cô bỏ chùa Long Giáng/ Về xin đi lại đoạn đường…”.
Hôm nay, ông đã trở về và bắt đầu đi lại ấu thơ từ tiếng khóc ngằn ngặt của một đêm 12 tháng Giêng lạnh như dao cắt của gần 90 năm trước, một thuở nào xa xôi Kinh Bắc, để rồi sẽ lại thấm hết những bồi hồi, mê đắm và cay đắng. Tôi không quên được lời ông đã tâm sự: “Tất nhiên là mình vẫn yêu đời cho nên tiếc lắm! Mình cứ ước mong ông trời cho mình sống thêm mấy chục năm nữa. Thèm sống lắm! Thấy cuộc sống vẫn đẹp lắm…”.
Nhà thơ Hoàng Cầm từ trần lúc 9h sáng 6/5 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô. Ông tên thật là Bùi Tằng Việt, sinh năm 1922 tại Bắc Giang trong một gia đình nhà nho, nổi tiếng với vở kịch thơ Hận Nam Quan, Kiều Loan, các bài thơ Lá diêu bông, Bên kia sông Đuống, Quả vườn ổi… và nhiều giai thoại về những mối tình với người hơn tuổi. Năm 2007, ông được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. |
Theo Đất Việt