Lương ngồi bên thềm, mái tóc dài không búi xoã ra, phủ thẫm mảng lưng áo đẫm mồ hôi. Trên gương mặt đỏ bừng của cô, hai dòng nước mắt chảy dài.
Tiếng Nhân vẫn oang oang vọng xuống:
– Tao đã nói rồi mà. Ai bảo mày dấp dính với bà ta… Máu mủ, ruột rà gì?
– Anh Nhân! – Lương ngẩng mặt…
– Nhà này ai là chủ? Mày chọn đi – Hoặc là tao, hoặc là bà ấy. Lằng nhằng mãi, tao mà điên tiết lên thì đừng trách giời.
Đến nước này thì Lương đứng lên. Cô đẩy mạnh cánh cửa, bước vào nhà. Nhân nửa nằm nửa ngồi trên tấm phản quỳ, bật dậy, mắt đỏ vằn, nhìn như xói vào mặt Lương.
– Anh Nhân! Đến mẹ anh mà anh còn thế… Thôi được, anh đã bắt, tôi sẽ chọn. Mẹ con tôi xuống ở với bà!
* *
*
Bà Làn nghe thấy hết. Trong túp nhà rạ lụp xụp như tổ mối đùn, gương mặt bà rúm lại. Bà không còn nước mắt để khóc nữa. Đôi gò má nhăn nheo da quả táo tàu rút lại như mảnh vá vụng. Trời ơi! Giá chết được, bà sẽ chết ngay cho nhẹ nợ đời. Ác nỗi, bà vẫn phải sống. Túp lều rạ của bà bên cạnh căn nhà xây khang trang của Nhân như mảnh vá vô duyên giữa tấm áo đẹp. Giàn bìm bìm um tùm, lan cả xuống mảnh sân nham nhở cỏ ấu, nở dầy hoa, tím loang chiều.
Lương đẩy tấm liếp che cửa bước vào, mắt khoắng mãi mới tìm thấy bà Làn trong không gian tranh tối tranh sáng.
– U lạy con – Giọng bà Làn khàn đặc – Bà cố đứng lên nhưng đôi chân dường như không trụ vững được nữa, cứ xịu xuống như thân cỏ bị phạt ngang ngày bão. Bàn tay đầy vết đồi mồi của bà bíu chặt lấy vạt áo cô con dâu:
– Lương ơi. Thương mẹ, thương mấy đứa trẻ, con quay lên ở nhà trên đi con. Rồi sẽ có ngày thằng Nhân nghĩ lại…
– Không. Con xin u – Lương nghẹn giọng – Với u, anh ấy còn…
– Bà ấy không phải là mẹ tao – Tiếng Nhân lại gầm lên – Nếu không có bà ấy, tao đã chẳng phải làm một thằng người để khốn khổ thế này… Giời ơi. Sao lại bắt tao phải làm một thằng người? Giá ngày ấy cứ để tao chết có hơn không? Giời ơi!
Hai người đàn bà ôm chặt lấy nhau. Nước mắt Lương ướt vai áo người mẹ già tội nghiệp. Oán mẹ cho mình làm người – Thói đời xưa nay… Lần đầu tiên Lương thấy. Thực hư thế nào chưa biết, cô chỉ thấy không phải đạo. Ngọn ngành ư?… Có trời mới hiểu.
* *
*
Lương về làm dâu bà Làn đã gần hai mươi năm. Sống với nhau có hai mặt con, chẳng mấy khi cô thấy Nhân cười. Người Nhân cong như dấu hỏi, không thể đứng thẳng lên được, khi đi cứ như bò trên mặt đất. Anh bị sốt bại liệt rồi để lại di chứng từ nhỏ. Lương cũng chỉ biết vậy. Được cái gia đình bà Làn cơ ngũ, về làm dâu, cô cũng chẳng vất vả gì. Nhân ít nói, trầm tính nhưng hiền lành, thương Lương thật bụng. Nhưng gần đây, sau khi ông Làn mất, Nhân đổi tính. Anh đùng đùng đòi làm nhà, cản thế nào cũng không được. Ba gian nhà xây sân gạch, mát mẻ ông Làn để lại, Nhân nhất định đòi đập đi. Bà Làn chiều Nhân, muốn con bằng người, có bao vốn liếng dốc ra hết. Căn nhà mái bằng lừng lững mọc lên trên nền đất cũ. Ngày khánh thành nhà, chẳng biết căn nguyên, Nhân đùng đùng đuổi bà Làn xuống ở trong túp lều vẫn dùng chứa trấu phía hông nhà. Lương chỉ nghĩ Nhân say nói quàng, cô nhẹ nhàng tỉ tê nhưng nói thế nào, bà Làn cũng không lên nhà trên nữa… Chị bất lực. Có chút tiền thằng con lớn làm mỏ ngoài Quảng Ninh gửi về, chị đang định sửa sang lại căn nhà cho mẹ chồng. Không hiểu sao Nhân biết ý định ấy… Cả ngày qua rồi sáng nay… Lương không thể nào chịu nổi nữa…
Mâm cơm dọn ra rồi mà không thấy ai động đũa. Mấy mẹ con, bà cháu, nước mắt lưng tròng. Bà Làn kéo khăn chấm khoé mắt rồi lọng khọng leo lên giường. Con bé lặng lẽ xếp mâm lại. Trên nhà trên, tiếng Nhân vẫn gầm gừ như thú dữ bị thương. Nhân chửi trời, chửi người cho mình sống kiếp con người. Rồi Nhân khóc. Tiếng khóc lúc ồ ồ, lúc rống lên như bò bị chọc tiết. Đêm càng khuya, tiếng Nhân khóc càng não ruột. Lương không dám tắt đèn. Túp lều chìm trong cái rậm rịt của giàn bìm bìm càng âm âm, u u như huyệt mộ. Bìm bìm leo lên giàn trước cửa, leo lên mái nhà gianh xập xệ, quấn quýt, vẫn vít thành tấm phản dầy phủ trên mái rạ. Tiếng Nhân khóc ngắt quãng một lúc rồi lại vống lên. Lương nằm nghiêng bên mẹ chồng, ruột gan tơi bời như búi tơ hồng bện rặng cúc tần ngoài ngõ.
– Con lên với nó tí đi – Bà Làn lay vai Lương – Cả ngày chả cơm cháo gì, gào thét mãi thế còn gì là người…
– U…
– Cứ lên một tí đi con. Xem nó thế nào. U không sao đâu. Đừng gắt gỏng, cứ nhẹ nhàng con ạ. Khổ quá!
Lương nhẹ nhàng lách tấm liếp bước lên. Vừa tới cửa, tiếng Nhân đã rít lên lọng óc:
– Cút đi. Giời ơi! Cút đi. Tao không cần. Thằng này không cần.
* *
*
Bà Làn nhích tấm thân gầy gò vào sát vách. Tiếng muỗi vo ve, u i ngoài cỗ màn đã ngả nước cháo lòng. Vòng tay Lương ôm chặt tấm thân khẳng khiu của bà. Không nghe tiếng khóc, nhưng bà biết nước mắt con dâu đang lã chã rơi. Tiếng Lương thở nghẹn ngào đứt quãng dù cô đã cố co người giữ nhịp. Lương không dám động mạnh, cô sợ khía sâu thêm vào vết đau trong lòng bà mẹ chồng khốn khổ. Bà Làn gỡ vòng tay con dâu, thở hắt ra một tiếng rồi chậm rãi:
– U biết, con là đứa ăn ở có lòng. Đáng lẽ trước lúc nhắm mắt, u mới nói nhưng cơ sự này… Thôi thì u nói hết để con liệu bề. Nói trước chẳng khỏi sau sao?
* *
*
Bà Làn không phải người làng này. Mười sáu tuổi, bà được gả bán cho con trai độc của cụ Lý lúc ấy mới lên sáu. Tiếng là đi lấy chồng nhưng có hơn chăng những người làm công là tối tối bà Làn thêm việc rửa chân cho rồi cõng chồng đi ngủ. Con gái mười sáu… Làm vợ trẻ con được một năm, bà Làn bỏ trốn lên tận trên này làm thuê. Gặp ông Làn cùng cảnh cơ hàn, gá buộc vào nhau rồi nên duyên nên phận. Nhà ông Lý cũng không đi tìm, chỉ cho người sang nhà bà đòi lễ. Nhưng tiền thì bố mẹ bà tiêu hết rồi, thịt người thì tanh… Cũng vừa lúc ấy, cách mạng về… Ông bà thoát kiếp nợ đời. Nhưng… Giọng bà Làn thoảng qua… Chẳng biết có phải tại ông bà kiếp trước ăn ở bất nhân nên trời bắt tội. Ăn ở với nhau mãi cũng chẳng thấy sinh nở gì. Nhà chồng cũ đánh tiếng ỉ ôi. Tiếng bấc ném đi, tiếng chì ném lại. Cơ ngơi nhà cửa của ông bà ngày một khá lên nhưng niềm hy vọng có một đứa con vẫn như ngôi sao Vược lơ lửng giữa trời đêm. Đi hết đền này đến miếu khác, bà Làn vẫn trơ trơ như cái cây không quả. Ông Làn thương vợ, ai chì chiết gì cũng nhận hết tội về mình. Có người khuyên bà tìm xin một đứa con, nhưng ông Làn tốt vậy, bà không mặt mũi nào làm thế. Kẻ bảo dại, người bảo khôn, ông bà vẫn lầm lụi sống.
Bà Làn dừng lời. Trên bát hương từ ban thờ sát mái nhà, ánh sáng đom đóm lập loè nhảy múa. Thứ ánh sáng xanh lét từ cái đốm nhỏ nhoi cứ nhấp nháy, nhấp nháy như đôi môi ai đó đang lập bập khuyên giải điều gì. Bà Làn chắp hai tay, ngước mắt lên, giọng nhàu nhĩ, đau khổ:
– Ông ơi! Chuyện đời như dòng chảy, chẳng ai học hết chữ ngờ. Nhưng tôi không oán hận ông đâu. Ông đi trước, bao điều còn lại giờ tôi gánh cả. Ông ơi. Ông sống khôn thác thiêng phù hộ cho mẹ con tôi qua được cơ đận này ông nhé.
Lương đỡ mẹ chồng nằm xuống. Tiếng cọt kẹt của nan giường hoà vào tiếng mọt gỗ, tiếng gián sải cánh xoè xoè trong đêm.
… Cái ngày hôm ấy… Mưa rét lắm – Giọng bà Làn lại lẫn vào bóng đêm – Rét như cật nứa già cắt da róc thịt người ta. Thế mà như phép phù thuỷ, cánh đồng Vàn không biết tôm cá ở đâu về nhiều vô kể. Ông Làn tiếc của, bà gàn thế nào cũng nhất quyết ra đơm. Nhập nhoạng đặt đó, gà gáy đi đổ, kịp cho bà đi phiên chợ sáng. Tơm tởm sáng hôm ấy, ông Làn lập cập vào nhà, hai hàm răng va nhau, quai hàm cứng không cất được tiếng, chỉ kịp ấn vào tay bà bọc vải cũ. Run rẩy giở ra, bà Làn sững người: Một đứa trẻ con, da nó đã bắt đầu tím lại, kiến còn bu đầy hai mép. Bà vội vàng đốt lửa, bế đứa bé hong lại gần bếp, chao đi chao lại gọi vía nó về. Ông lão ngồi bên, bàn tay xoè ra chắn ngang ngọn lửa. Rồi ông ấy đứng dậy, bốc nắm gạo cho vào cái niêu nhỏ. Đứa bé được sưởi lửa, ấm dần. Nó động đậy, cựa quậy. Nghe tiếng nó ọ ẹ yếu ớt, ông Làn quay lại, nụ cười xệch đi trên gương mặt méo mó, khắc khổ. Bất chợt ông ấy đỡ lấy đứa trẻ, giơ tay phát mạnh vào mông nó một cái. Nó khóc ré lên. “Cho nó thông phổi”. Ông Làn cười, nước mắt nhoèn ra.
Từ hôm ông Làn ôm đứa bé trong mớ vải cũ về, ruột gan bà Làn như có mớ bùi nhùi âm ỉ cháy. Nhưng biết tính chồng, lại đang khát tiếng trẻ, bà nín thinh không hỏi. Trong xóm ngoài làng, ai cũng mừng cho ông bà. Đứa trẻ cứ thế lớn lên. Nó không hề biết, nó chỉ là đứa con rơi, ông Làn nhặt được ngoài bến nước.
Năm lên mười, đứa trẻ mắc cơn sốt hàn rồi người mềm oặt như sợi bún. Cơ nghiệp có gì, ông bà Làn bán hết. Bà đội gạo, ông cõng con, lê la hết viện này đến viện khác. Ông lặn lội lên cả mạn ngược lấy thuốc của người Thổ cũng chẳng ăn thua gì. Nhìn con oặt ẹo như tàu lá héo, ông Làn gửi tiếng thở dài vào chiếc điếu cày. Bà Làn chỉ biết khóc vụng, khóc thầm. Cảnh nhà sa sút từ ấy.
Bây giờ thì Lương lờ mờ hiểu, đứa trẻ ấy chính là Nhân. Qua bao đận cơ hàn, ông bà Làn đã cho Nhân thành người, không lẽ giờ đây Nhân lại căm hận chính công lao ấy. Lương thấy sắt se trong ruột. Bà Làn xoay người, ngửa mặt lên đình màn. Đôi chân bà lòng khòng dựng lên như hai cái gậy tre vẫn dựa tấm phiên liếp ngoài cánh cổng.
… Nó yếu ớt nhưng được cái sáng dạ. ông Làn thương con, ngày hai chiều cõng nó đi về cho học chữ… Lương lại chìm vào, lại miên mai trong tiếng kể thì thầm của mẹ chồng. Rồi… Cô không hiểu cũng vẫn con người ấy, sao giờ đây Nhân lại có thể bội bạc với người đàn bà khốn khổ đã cưu mang, nuôi dưỡng Nhân nên người. Không ghìm được, cô bật lên, cắt ngang lời bà Làn:
– U. Thế tại sao giờ anh ấy lại thế? Hay là tại con?
– Không đâu. Cây có cội, nước có nguồn, việc gì cũng có nguồn cơn của nó. Chẳng tại con đâu. Có được con về, phúc nhà mình còn lớn. Mọi chuyện bắt đầu sau cái hôm con sinh thằng Hải…
Lương chột dạ. Có chuyện gì liên quan đến thằng Hải? Cô đã làm gì để Nhân nghi ngờ? Hay Nhân không tin thằng Hải là con mình. Nhưng Lương… Cảm giác tê dại chạy dọc sống lưng cô. Cô không làm gì sai cả. Không bao giờ.
Dường như hiểu tâm trạng con dâu, bà Làn quờ quạng rồi nắm chặt bàn tay Lương:
– Cứ để u nói. Không phải tại con đâu.
Số là ngày Lương sinh thằng Hải, sau lúc nhìn mặt thằng bé, ông Làn thừ người. Cả ngày hôm ấy, ông ấy thẫn thờ, hết rít thuốc lào sòng sọc lại đi ra ngõ nhưng tịnh không ra đến đường làng. Chỉ hết nửa ngõ lại quay vào, miệng lẩm nhẩm: Không lẽ, không lẽ…. Cả ngày hôm sau ông ấy đi mất dạng, gà lên chuồng mới thấy lật bật về, mặt đăm đăm như mất của. Gặng hỏi thế nào cũng nhất định không nói. Mãi đầy tháng thằng bé, gà gáy sớm, bà Làn đang hâm lại nồi cám lợn thì ông lọ mọ vào bếp, ngồi xế bên cạnh. Lập bập mãi, ông ấy lên tiếng:
– Bà này. Có chuyện này, tôi tính đi tính lại mãi…
Bao năm ăn ở với nhau, bà chẳng lạ gì tính ông ấy. Nếu đã không nói, có giời vén miệng ông ấy cũng im lặng. Đến nước này, chắc có chuyện trọng đại lắm…
Bà Làn im lặng đẩy rơm vào bếp. Ông Làn nhổm người ngó ra cửa như sợ có người nghe trộm rồi quay vào:
– Nhìn cu Hải, bà thấy nó giống ai không?
Bà Làn trợn mắt, tá hoả nhìn ông:
– Ông. Con Lương không phải đứa mất nết. Nó làm dâu con nhà này, tôi biết. Ông đừng nghĩ quẩn, phải tội với giời – Bà Làn át đi.
– Cái nhà bà này, tôi đã nói gì con Lương đâu. tôi chỉ hỏi bà nhìn cu Hải có thấy nó giống ai không thôi. Cái mắt này, cái mũi này, cái miệng này… Sao tôi cứ thấy nó giống quá thể… Ông Làn vừa nói vừa lắc đầu.
– Thế ông bảo nó giống ai? Tôi chỉ thấy nó giống thằng Nhân nhà này như tạc…
– Ừ thì giống thằng Nhân. Nhưng thằng Nhân với người ấy cũng có những nét từa tựa…
– Ối giào, sốt cả ruột. Có chuyện gì ông nói luôn đi vòng vo Tam Quốc mãi…
– Bà chán bỏ đời. Bà nhìn thằng Hải rồi nhìn nhà Phiên xem. Tôi thấy nó giống nhà Phiên, con trai lão Lý trưởng ngày trước ấy.
Giời ạ. Con trai lão lý trưởng. Cái người một thời bà Làn đã phải gọi là chồng, đã không biết bao lần nhong nhong trên lưng bà để bà cõng đi rửa chân. Hình dung lại bà thấy đúng thật. Nhưng không lẽ giời lại cứ đầy ải lửng lơ bà mãi thế? Không máu mủ ruột rà, giống thế nào được nhau…
– Xưa nay thiên hạ nhang nhác nhau cũng nhiều. Nhà ông Phiên cũng đã chết lâu rồi, chuyện của tôi với ông ấy ngày xưa không lẽ vẫn làm ông bứt rứt… Tôi thập thò cửa lỗ, ông Phiên cũng chết rồi… Tôi xin ông để con cháu yên ổn làm ăn. Thằng Nhân hình dạng thế, chưa đủ khổ hay sao mà ông còn… Giá gánh được, tôi đã gánh cho nó hết phần ấy… bà Làn vừa nói vừa rấm rứt
– Bà ạ – Tiếng ông Làn trầm xuống – Tôi không nghĩ ngợi gì chuyện ngày xưa. Ngày ấy bà thì bị ép buộc còn nhà Phiên cũng chỉ là đứa trẻ con vẫn chưa sạch máu đầu. Nói thật với bà, lâu nay, tôi vẫn có ý tìm gốc gác cho thằng Nhân. Lẽ đời, cây có cội. Mình phải tìm được gốc rễ cho nó, còn nó nhận hay không lại là chuyện khác kẻo sau này tôi với bà khuất đi trong lòng lại áy náy. Xưa tôi bấm bụng, thằng Nhân cũng chỉ là người làng này nhưng chỉ phong thanh thôi. Còn giờ thì đích xác rồi.
– Ông bảo sao, đích xác thế nào?
– Ngay hôm nhặt được thằng Nhân ngoài bến nước tôi đã có ý tìm. Nhưng làng này trước đấy, làm gì có ai bụng mang dạ chửa. Phải cái, thằng Nhân càng lớn, nhìn nó tôi càng ngờ ngợ. Vẫn biết xưa nay thiên hạ giống nhau cũng nhiều nhưng giống những nét độc thì hiếm lắm. trước ngày ông cả Phiên mất, tôi cũng giấu bà tới thăm. Thôi thì người làng, người nước cả, chuyện cũ chấp làm gì. Đúng cái ngày con Lương sinh thằng Hải ấy. Thăm hỏi con cà con kê mãi, trước lúc tôi về, ông cả Phiên mới nước mắt vòng quanh, nắm chặt tay tôi: “Ơn ông với tôi, lớn lắm… Tôi sống để dạ, chết mang theo…” Tôi còn chưa tỏ ngọn ngành, ông ấy đã khóc: “Giọt máu dẫu rơi vẫn là giọt máu. Lẽ ra tôi phải cắn cỏ lạy ông mới phải. Thôi ông lại nhà, Nếu ông lượng tình, cho tôi gặp cháu ngoài nghĩa địa…”
– Có phải… Bà Thìn… Có phải, cái ngày tôi, ông và bà ấy đi dân công chống hạn?
– Thôi, tôi lạy ông. Ông lại nhà. Ông cả Phiên nói rồi quay mặt vào trong, hai ngày sau thì mất.
Bà Làn thất thần:
– Ông đã nói với bà Thìn rồi à?
– Chưa. Tôi định gặp mà chưa tiện. Bà Thìn với cả Phiên là chỗ anh rể em vợ… Biết nói thế nào?
– Thôi thì… Chuyện đâu có đó. Bây giờ có thật cũng biết nói sao. Rõ khổ. Đời sao lắm nỗi…
Bỗng bà Làn ngừng bặt. Chỉ còn tiếng gió xạc xào trên giàn bìm bìm tím biếc.
– U chưa nói. Hôm trước ngày thầy con mất, ông ấy định nói thì nó gạt đi: Con không biết những ai. Con chỉ biết có thầy u. Cha sinh không tày mẹ dưỡng. Chỉ biết có thầy u… Thầy con đành dặn lại u. Thế nào cũng phải tỉ tê nói cho nó rõ ngọn ngành. Vừa rồi, u định nói nhưng…
– U định nói với anh ấy hôm nào cơ?
– Hôm bà Thìn ốm mệt. Định nói để nó đến thăm nhưng nó lê người bỏ đi. U đành đến thăm một mình. Bà ấy giọt ngắn, giọt dài mếu máo: “Tôi là người mẹ khốn nạn. Nhưng chắc giời thương hại. Chẳng may cơ đận nó thế. Chồng tôi ép chọn. Một bên là chồng với hai đứa con. Một bên là hòn máu rơi của ông Phiên. Tôi đánh dứt ruột phải tội. Nó được vào cửa ông bà, thế là phúc cho nó lắm. Tôi thật khốn nạn. Giờ nó có oán thán không nhận, không đến thăm tôi cũng đành chịu. Càng nhìn nó, tôi càng thấy mình là con mẹ khốn nạn…”. Nhưng… Bà Làn nắm chặt tay Lương – Con biết không, u biết thằng Nhân đã đến thăm bà Thìn. Hôm nó bảo với u nó đi tìm mua khoai tây giống. Mấy bà trong xóm có nhìn thấy nó đến. Ngồi với bà Thìn gần hết buổi chiều chuyện khoai, chuyện mạ, đến lúc nó chuẩn bị về, bà Thìn không kìm được nhoài ra ôm lấy nó mà khóc gọi con. Mấy đứa con bà ấy giật ra, chửi nó. Chúng sợ thằng Nhân về đòi chia của. Thằng Nhân đứng nhìn bà Thìn, không nói năng gì. Nó bỏ về, nước mắt chảy tràn trên má…
– U ơi! Lương nức nở – Con hiểu tại sao lại thế rồi. Bà Thìn mới mất chưa qua tuần đầu. Hôm bà ấy mất, con thấy anh Nhân đi đâu cả chiều, tối về lạ lắm. Chắc anh ấy lại đằng ấy… Hôm sau anh ấy sinh sự, khóc, chửi…
– Thôi thì tuỳ nó. U không sinh nhưng nó như núm ruột của u. Giờ nó nghĩ thế nào cũng được. Nó trách u sao cho nó sống làm người. Chắc nó đau đớn quá mà sinh ra quẩn thế… Khổ thân nó. Còn u. Gần đất xa trời rồi, cũng chẳng còn đáng bao lâu nữa…
Bà Làn ngồi dậy. Mái tóc bạc phất phơ. Bà cứ ngồi như thế nhìn lên ban thờ. Con đom đóm vẫn lập loè trên bát hương. Bên ngoài, trời đã tang tảng sáng. Lương lùa chân xuống đất. Cô khẽ khàng đẩy cánh cửa gỗ bước lên nhà trên.
– Không nhận thì thôi. Họ không nhận thì thôi – Tiếng Nhân gào lên âm âm trong cái se lạnh của sáng ngày – Không nhận thì thôi. Họ không nhận thì thôi. Mẹ ơi! Mẹ ơi!
Giữa ánh sáng nhạt nhoà của buổi đầu ngày, Nhân vừa lê người vào khuôn cửa hẹp của ngôi nhà rạ vừa không thôi gọi mẹ. Tiếng gọi “Mẹ ơi” vấn vít vào giàn bìm bìm hoa tím, ùa vào căn nhà lụp xụp chỗ bà Làn đang ngồi nhìn trân trối lên ban thờ. Cả khoảng sân tím loang sắc bìm bìm mới nở.
Theo Trương Thị Thanh Huyền – eVan