1/08, 2:20 pm
Buổi sáng. Quán cà phê nằm lọt thỏm trong khuôn viên của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố (81 Trần Quốc Thảo, TP HCM) lúc nào cũng đông đúc những khuôn mặt tươi rói của anh em văn nghệ sĩ túm tụm râm ran "đàm đạo" chuyện văn chương, chuyện đời.
Duy nhất một ông già có khuôn mặt nhăn nhúm, chầu quậu ôm khư khư chiếc cặp ngồi một mình. Nét mặt ông không có vẻ gì chờ đợi, chẳng vui mà cũng chả buồn, thật khó đoán. Chân dung của nghệ sĩ Mạc Can ngoài đời được vẽ ra như thế, khác xa với một Mạc Can vui nhộn trên sân khấu.
Thật bình thản, ông gọi một ly trà đá. Có lẽ với ông, một buổi sáng như thế đã quá hạnh phúc, đủ cám ơn cuộc đời đã cho mình được ngồi thong thả với những phút giây thư thái.
Chẳng cần biết người ở đầu dây điện thoại bên kia là già trẻ thế nào, câu đầu tiên lẫn câu cuối cùng của diễn viên Mạc Can là dạ và… dạ. Ông giải thích rằng "dạ" được dùng thay thế cho "alô", đã trở thành thói quen, câu nói "cửa miệng" của ông.
Nhà văn Mạc Can.
Mặc dù làm quen với ánh đèn sân khấu từ rất sớm nhưng ở tuổi 63, Mạc Can vẫn một mực phủ nhận "mác" nghệ sĩ. Ông đính chính rõ ràng hơn rằng bản thân mình chỉ là diễn viên làm nghề diễn xuất để kiếm cơm bỏ vào… bao tử! Nếu ông đã cương quyết như thế thì thôi đành gọi là diễn viên Mạc Can vậy.
Ngay từ lúc lọt lòng mẹ, cậu bé Lê Trung Cang (tên thật của diễn viên Mạc Can) sớm sống cảnh nay đây mai đó cùng gia đình trên chiếc ghe hát che mưa che nắng dọc sông nước miền Tây. Tuổi thơ của Can quẩn quanh trên chiếc ghe nhỏ, lẳng lặng với tiếng nước vỗ róc rách, ngẩn ngơ cùng tiếng bìm bịp kêu mỗi bận con nước lớn…
Bạn bè Can không ai ngoài những thanh âm của thiên nhiên. Chính vậy mà dù ở tuổi vô ưu, vô lo ấy nhưng mặt mày Can lúc nào cũng rầu rầu, mới nhìn đã buồn cười. Cha Can – diễn viên ảo thuật Lê Văn Quý tình cờ phát hiện ra khả năng chọc cười "bẩm sinh" ở cậu con trai.
Vậy là mới 8 tuổi, mặt Can được bôi bôi, trét trét hỗn hợp màu xanh đỏ và khuyến mãi thêm cái bụng bự để lên sân khấu cầm chiếc nón cho cha làm ảo thuật. Kể từ đó, cậu bé Can vốn thích không gian yên tĩnh buộc phải xuất hiện ở những nơi đông người.
Thuở xưa, 8 tuổi vẫn còn ngô nghê lắm. Chỉ đến khi trưởng thành, Mạc Can lại giật mình thảng thốt. Lắm lúc, ông ngẫm nghĩ rồi mắc cỡ vì thân hình thấp bé cộng thêm khuôn mặt nhăn nhúm được đem ra làm trò mua vui cho thiên hạ, cảm thấy phận người sao hẩm hiu quá!
Cuộc sống mưu sinh buộc ông phải làm những điều ngược lại những gì thuộc về bản tính. Đã có thời gian, tâm trạng ông rơi vào bế tắc. Đến nỗi lần nọ ông quyết định đâm đầu vào chiếc xe hàng để… tự tử. Người xung quanh lầm tưởng "ông Can chạy xe sơ ý va vào xe hàng". Quả thật, ai mà ngờ ông già chuyên chọc cười thiên hạ ấy lại muốn kết liễu cuộc đời.
Sau này, diễn viên Mạc Can tình cờ gặp một ông lão chứng kiến cảnh tự tử không thành công năm xưa của mình và nói: "Kể từ ngày ấy, ông đã chết rồi. Hiện tại, ông đứng trước mặt tôi là một người khác". Lời của ông cụ hơi khó hiểu nhưng diễn viên Mạc Can thú nhận bản thân khác ngày xưa, ít ganh tỵ, bớt giận hờn và quan trọng là dễ thương hơn.
Hơn nửa cuộc đời lang bạt, Mạc Can thấm thía được cảnh khốn khó. Bởi thế, ông dành cho những người nghèo khổ tình cảm đặc biệt. Mang danh nghệ sĩ mà nhìn ông ngoài đời bình dân đến mức luôn mặc quần áo cũ mèm, vào quán chỉ gọi duy nhất một món trà đá.
Không tiêu xài phung phí nhưng tiền đầy túi rồi lại hết ngay, khi thì ông đem giúp người này, lúc mang biếu người khác. Chính vậy mà, cuộc sống của ông nghèo mãi hoàn nghèo.
Trong đời, nhiều câu chuyện đời thường của người nghèo luôn ám ảnh diễn viên Mạc Can. Ông cảm thấy áy náy vì bản thân không lắm tiền nhiều của để có thể chia xẻ với họ. Và ông đã cầm bút, những câu chuyện đời thường được thăng hoa trên trang viết…
Đến tận bây giờ, mỗi lần đi xa nhìn thấy thấp thoáng đoàn hát nào "đóng chốt" tại đình làng, lòng ông chợt dấy lên nỗi nhớ nhung về một cô đào hát. Ngày ấy, anh kép 20 tuổi Mạc Can vô tình chứng kiến cảnh cô đào trẻ cùng chung đoàn hát đang ngồi loay hoay với hộp thiếc trang điểm.
Chẳng có son, phấn, chì kẻ mắt như bây giờ, cô đào thản nhiên bôi nhọ nồi đen, bao nhang đỏ, sơn trắng lên mặt. Dù da mặt có trắng mịn thì cũng thành đen xỉn, rỗ lỗ chỗ. Nhìn thật chạnh lòng, lại thương cảm cho phận mình, thân nàng.
Từ giây ph
út đó, anh kép yêu cô đào lúc nào không hay. Tuy nhiên, tình cảm đó được giấu kín trong lòng anh kép và dĩ nhiên cô đào không hề biết rằng có một gã trai đơn phương yêu mình xuất phát từ một xúc cảm rất nhân văn.
Một vài người bạn thân thiết của diễn viên Mạc Can vẫn còn nhớ câu chuyện "chơi đẹp" của ông. Thường ngày, bạn bè vẫn thấy diễn viên Mạc Can cưỡi chiếc xe máy cổ quái mà theo ông rất hợp tạng người xấu xí của mình.
Dạo này chẳng thấy chiếc "quái xế" ấy đâu, bạn bè đem thắc mắc hỏi thì được ông tiết lộ đã đem cho không người… lạ. Đó là trong lần nghỉ giải lao chờ quay cảnh cuối, diễn viên Mạc Can bỗng chú ý đến người đàn ông lạ mặt cứ nhìn chằm chặp vào chiếc quái xế. Qua vài câu chuyện trò, diễn viên Mạc Can biết được cảnh nhà anh này chẳng mấy khấm khá.
Trước đây, anh này làm phụ hồ, ngày kiếm 40-50 nghìn đồng không đủ nuôi miệng cả gia đình. Được một thời gian, anh chuyển sang buôn bán. Ngày hai lượt ngồi xe buýt anh đem bánh tráng ở Củ Chi vào bỏ mối các chợ trong thành phố và mua dăm bông về nhà bán lại. Tuy thu nhập có phần nhỉnh hơn nghề phụ hồ nhưng cuộc sống vẫn túng bấn, tiền đâu mua xe để có thể chủ động lấy nhiều hàng hơn.
Nghe xong, diễn viên Mạc Can ngỏ ý cho không chiếc xe mình vẫn đi trước đôi mắt đầy ngờ vực của anh này. Diễn xong cảnh cuối, diễn viên Mạc Can chở người đàn ông lạ mặt về hãng phim rồi giao hết giấy tờ xe cho anh ta. Thậm chí, ông còn đổ xăng, "khuyến mãi" thêm chiếc nón bảo hiểm, đạp máy xe và năn nỉ anh này (vẫn chưa hết ngỡ ngàng) ngồi lên xe.
"Anh ta cứ tưởng tôi đùa dai! Tôi muốn ứa nước mắt vì người ta chẳng còn tin vào những điều tốt đẹp nữa" – ông chợt nghẹn ngào. Bạn bè hỏi: "Tại sao ông cho người lạ chiếc xe – tài sản có giá trị duy nhất của mình?". "Tôi nghĩ đơn giản chiếc xe cũ kỹ này thật sự cần thiết đối với vợ chồng anh ta. Và có thể vợ chồng anh ta sẽ khởi nghiệp từ chiếc xe ấy" – Mạc Can thản nhiên trả lời bạn.
Diễn viên Mạc Can là thế, vào quán chỉ gọi trà đá nhưng sẵn sàng dốc hết tiền giúp đỡ người nghèo. Nếu gặp và trò chuyện cùng ông lần đầu thì hẳn sẽ bị "sốc". Mạc Can đời thường nhanh vui, chóng buồn. Đặc biệt vào những lúc buồn, mặt ông xịu xuống, hàm râu ngạnh trê cũng ỉu xìu, trông thật thảm.
Đôi khi giật mình vì tiếng chim bồ câu kêu lảnh lót bên tai, hoá ra do chính là thú vui giả giọng của ông.
Đường Lam (Theo Evan.com.vn)