Em – cô gái xinh xắn mà mới năm lớp 6 đã phải nghỉ học, ở nhà phụ mẹ làm bánh mang ra chợ bán – không bị ai lừa hết. Em tự nguyện lấy chồng xa để có tiền cho ngoại và mẹ sửa căn nhà dột nát. Em tự nguyện lên xe hoa với một người Hàn Quốc, để rồi chỉ sau vỏn vẹn 24 ngày làm dâu, bốn ngày sau cú điện thoại đầy nước mắt, em đã rơi xuống. Người ta nói em tự tử. Ừ, có thể em tự tử, nhưng vì sao? Chúng ta không thể biết, bởi em đã đem theo vĩnh viễn cái bí mật đau đớn; nhưng chắc chắn nó phải kinh khủng, ê chề lắm mới khiến một con người liễu yếu, trẻ trung có thể quyết định lao mình xuống. Mãi mãi chúng ta không biết điều đó, nhưng qua lời kể của người thân em, ta biết những chuyện kinh khủng, ê chề khác : rằng sau đám cưới, mà thực chất chỉ là một bàn ăn cho nhà gái để chụp hình, nhà trai đưa mẹ em phong bì có chứa 3,2 triệu đồng. Rằng, “mẹ nó trả tiền thuê xe lên thành phố dự đám cưới hết một triệu hai, chỉ còn lại hai triệu”(?!)

Sau nửa tháng biết tin cái chết của con, người mẹ nhận được một thùng giấy và một gói tiền. Người môi giới cho biết đó là tiền bên chồng em gửi và nhúm tro trong thùng giấy chính là hài cốt của em. Người kia còn cẩn thận khuyên mẹ em cứ thờ nguyên thùng giấy, đừng mở ra, kẻo tro bay mất… Nghe nói mẹ em không chấp nhận con tự tử, không chấp nhận nhúm tro trong gói bưu phẩm nhem nhuốc kia là hài cốt của em. Và qua sự giúp đỡ của ai đó, bà đã sang Hàn Quốc để tìm sự thật, để hỏi vì sao thân xác của em bị hất hủi như vậy. Mặc dù thành tâm cầu chúc cho chuyến đi của mẹ em có kết quả, nhưng tôi không tin nó : khi một người sống chỉ được mua với giá hai triệu, thì một tử thi có nghĩa lý gì! Sẽ có người nhíu mặt khi tôi dùng chữ mua. Vâng, đó là chữ chưa bao giờ chúng ta đành đoạn nói ra, nhưng nó là sự thật : “ …Nhiều khi, chúng tôi thất bại vì họ không tiếp chuyện và cho rằng chúng tôi không có quyền xen vào đời tư của họ. Họ coi việc họ bỏ tiền ra mua một người vợ nước ngoài, thì người vợ đó thuộc quyền sở hữu của họ, họ muốn làm gì tuỳ ý”. Cô Mi Sook Kwak, người phụ trách trung tâm tư vấn Ánh sáng thế giới ở thành phố Masan đã nói với báo Sài Gòn Tiếp Thị như thế về việc hoà giải các cặp vợ chồng hôn nhân quốc tế.

Tôi cũng không tin người mẹ ấy đủ phương tiện theo đến cùng vụ kiện, mà nếu đi đến cùng thì được cái gì : một án tù, một lời xin lỗi, một số tiền khá lớn? Tất cả đều không thể bù đắp, không thể ngăn cản được những nỗi đau tương tự. Một lần nữa, nỗi đau rồi sẽ bay đi… Còn nhớ cách đây một năm, khi có tin hàng chục cô gái chúng ta xếp hàng cho hai gã đàn ông nước ngoài xem mắt, đã có một người trên cao tuyên bố không ngủ được. Sự trằn trọc lâm ly, trắc ẩn kia là có thật, nhưng nó chưa đủ với trách nhiệm của người ở trên cao. Việc của người ở trên cao là phải chủ tâm, phải công phu nhìn xuống những vùng quê hun hút, những số phận hun hút, để thấy tại sao người ta đánh đổi cuộc đời con gái chỉ với hai triệu đồng? Tại sao người ta cắn răng rời bỏ quê hương? Tại sao hàng trăm người lao động phải nối nhau đột tử nơi xứ lạ? Đó chắc chắn không phải là những cái nhìn bâng quơ, bất chợt, như tôi nhìn ô cửa của mình…

Tro cốt em không bay, nhưng câu chuyện của em, cũng như nhiều câu chuyện thương tâm trước đó, đã bắt đầu bay, bị phủ lấp bởi vô vàn sự kiện vui tươi hoặc thương tâm không kém. Chỉ có người thân em ấm ức hoài câu hỏi : Em tự tử hay bị xô xuống? Tôi nghĩ em bị xô xuống, bị xô xuống trước ngày em bước lên xe hoa…

Việt Linh – SGTT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *