Một lần tôi đến nhà Xuân Diệu lấy bài thơ tết, Xuân Diệu hỏi tôi: – Thắng có quen Mai Quốc Liên không?
Tôi mỉm cười không trả lời, nhà thơ sốt ruột hỏi lại, tôi mới bộc bạch là đã từng là đồng nghiệp trong báo Văn nghệ Giải phóng. Như chỉ chờ có thế, Xuân Diệu nói say sưa:
– Phải học Liên ở cách viết được và nói cũng được, trước chiếu chèo thì phải biết xưng danh là ai! Các em lành và ít bộc bạch mình trước đám đông người như vậy chưa phải là hay. Quảng hãy cãi, Quảng Ngãi hay bàn, Liên là hình mẫu cho tư duy nói và viết.
Xuân Diệu nói chuyện về Mai Quốc Liên là khen sự thông minh và ham học của người "miền Trung". Sau ngày miền giải phóng, tôi và Hà Phương ra Hà Nội khá sớm (tháng 7-1975) để gặp nhà thơ Bảo Định Giang xin thêm người cho báo Văn nghệ Giải phóng. Lúc lên đường về Sài Gòn, tôi được cung cấp một danh sách người mới của báo là: Mai Quốc Liên (Ban Phê bình), Trang Nghị (Ban Thơ), Lê Thị Bi (Ban Bạn đọc), Đặng Hiển (Ban Nhiếp ảnh).
Ngày họp đầu tiên của báo gặp mặt những người mới và cũ của báo ở 190 Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa ngày nay) tôi được gặp mặt nhà phê bình Mai Quốc Liên, Trang Nghị, Lê Thị Bi, Đặng Hiển cùng anh em trong tòa soạn. Sau khi báo Văn nghệ Giải phóng sáp nhập với báo Văn nghệ, anh về dạy ở Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh. Là một người ham học hỏi, đọc nhiều, sắc sảo trong viết và nói, Mai Quốc Liên đã tạo được dấu ấn riêng của mình. Trong một bài viết, Xuân Diệu đã đặt bút: "Điều đáng quý là anh thông hiểu chữ Hán chữ Nôm và nghiên cứu văn học dân tộc. Tôi thấy ngòi bút của Mai Quốc Liên ngày càng khởi sắc…".
Xuân Diệu viết về một ai thường rất cân nhắc, ông vẫn luôn nói thước mét của ông là 1,05m chứ không phải thước mét chỉ có 0,90m. Sự đánh giá ban đầu của Xuân Diệu về anh, cũng rất đúng với Mai Quốc Liên sau này. Trong sự nghiệp của mình, anh đi bằng hai chân, đó là nghiên cứu và phê bình, và cả hai lĩnh vực này anh đều thành công. Với vốn chữ Hán chữ Nôm, anh đã dịch 100 bài thơ của Ngô Thì Nhậm, nhà thơ xuất chúng ở thế kỷ XVIII. Từ trước tác của Ngô Thì Nhậm và cuộc đời đầy khí phách của ông, Mai Quốc Liên đã đem đến cho bạn đọc một cái nhìn khách quan về một tài năng, một dòng họ Ngô gia với những bộ sách đồ sộ đời sau cần đọc và cần biết, trong đó có "Hoàng Lê nhất thống chí".
Qua hiện tượng Ngô Thì Nhậm, Mai Quốc Liên muốn lý giải một giai đoạn lịch sử mà nhân tài phải trăn trở tìm đường, đau đáu nỗi niềm đi về đâu, viết gì, viết cho ai, làm gì, cho ai? Cũng viết về giai đoạn này, Mai Quốc Liên còn có tiểu luận "Dưới gốc me vườn Nguyễn Huệ". Những tác phẩm nghiên cứu của Mai Quốc Liên đã xuất bản có: "Ngô Thì Nhậm trong văn học Tây Sơn" (1986), "Khảo luận Văn chiêu hồn" (1991), "Nguyễn Du toàn tập" (dịch, phiên âm, chú giải, 1996), "Nguyễn Trãi toàn tập" (dịch, phiên âm, chú giải, 2000), "Ngô Thì Nhậm – tác phẩm" (dịch, phiên âm, chú giải, 2003), "Hồ Chí Minh – thơ, toàn tập" (chủ biên, dịch và giới thiệu cùng các tác giả khác, 2004), "Cao Bá Quát toàn tập" (dịch, phiên âm, chú giải, 2005)… Những trang nghiên cứu của anh được các đồng nghiệp đánh giá cao.
Nhận định về cuốn "Ngô Thì Nhậm", nhà Hán học Cao Xuân Huy cho rằng: "Về mặt văn bản học làm rõ công phu, rất kỹ càng… Về mặt nghiên cứu tư tưởng của tác phẩm đặc biệt là thế giới quan (bắt nguồn từ bản thể luận của Lão Tử và của Thích Ca) và tư tưởng dân tộc trong tư tưởng chính trị của Ngô Thì Nhậm". Nhà thơ Chế Lan Viên trong thư gửi tác giả đã đánh giá: "Mình đọc lại Ngô Thì Nhậm. Tập ấy xứng đáng là tiến sĩ, chứ không phải phó. Đến nay tập Ngô Thì Nhậm của Mai Liên vẫn là hơn cả (16/9/1987)". Những ý kiến trên chưa hẳn đã đánh giá toàn diện phần nghiên cứu của anh, nhưng qua đó cho thấy các nhà văn nhà thơ và các nhà nghiên cứu đã khẳng định những mặt mạnh trong nghiên cứu của Mai Quốc Liên.
Mai Quốc Liên rất coi trọng văn phong. Văn phê bình của anh luôn luôn có sự lôi cuốn đối với người đọc, không chỉ ở nhận xét, đánh giá mà ở cả chất văn. Vào năm 1985, khi được đọc "Dưới gốc me vườn Nguyễn Huệ", tôi đã nhận thấy văn phê bình của anh rất uyển chuyển: "Hỡi sông Côn đang chảy hiền lành, thầm thì, từ thượng nguồn về Bến Trầu đây nó vẫn chảy hiền lành thế thôi ư, hỡi con sông đã từng chứng kiến những rung chuyển đầu tiên của một cuộc chuyển mình lịch sử? và xa kia một tý, trên ấp Tây Sơn thượng, bóng núi Ông Bình, Ông Nhạc in trên nền trời xanh hôm nay. Đâu nữa hòn Lãnh Lương, nơi phát lương cho quân sĩ, và đâu là hang Tối Trời, hòn Tâm Phúc? Làng xóm, núi sông, trời đất… ngỡ như vẫn tự ngàn xưa, vẫn tự bao giờ, không thay đổi".
Trong bài tiểu luận này, Mai Quốc Liên cũng nêu, bao giờ nước ta giàu có hơn bây giờ, chúng ta sẽ xây nhà bảo tàng Quang Trung ngay tại thửa vườn này, dựng tượng người anh hùng trên chính quê hương ông thì ngày nay chúng ta đã làm, đã có Nhà Bảo tàng Quang Trung, có tượng ông ngay tại quê ông. Với Xuân Diệu, Mai Quốc Liên đã đề cập hai vấn đề qua hai bài viết: "Xuân Diệu qua "Thi hào dân tộc Nguyễn Du" và "Nghìn sau còn nhớ Xuân Diệu", hai bài viết đánh giá hai lĩnh vực lớn của Xuân Diệu: nghiên cứu và sáng tác thơ. Chỉ với hai bài viết ngắn, Mai Quốc Liên đã đánh giá đúng tài năng và chất lượng khoa học, công minh, khách quan của Xuân Diệu trong việc nghiên cứu về các tác gia cổ điển Việt Nam.
Trong phê bình, Mai Quốc Liên là người thẳng thắn, rành mạch. Có được bản lĩnh trên, người phê bình phải đọc nhiều, tâm phải rất động và không nguôi trăn trở với điều mình viết. Trong những bài phê bình: "Một vài ý kiến về công tác lý luận phê bình", "Mấy ý nghĩ về Đảng và nền văn hóa dân tộc", "Suy nghĩ về một vài vấn đề văn học", "45 năm văn học: thành tựu và đổi mới" hoặc "Nguyễn Khoa Điềm và những bài thơ viết từ chiến trường Bình Trị Thiên", "Thơ Trần Quang Long", "Thơ ngày toàn thắng", anh không chỉ nêu lên những vấn đề nóng bỏng của văn học nghệ thuật trước vận động của cơ chế thị trường mà còn bày tỏ tình cảm trân trọng của mình trước những sáng tác nảy sinh từ những năm kháng chiến máu lửa.
Đối với những tác giả như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Tuân, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Hồ Dzếnh, Chính Hữu, Xuân Quỳnh đã được nhiều nhà phê bình bàn tới, nhưng với một nội lực riêng, anh vẫn tìm ra những ngả đường để đến với cái đẹp trong sáng tác của họ, hiểu được cái "thần" của thơ họ để từ đó khái quát những đặc trưng nhất ở những cây bút đặc sắc này.
Thí dụ khi anh viết về Chế Lan Viên: "Chế Lan Viên thu hút tinh hoa của nhiều nền thơ vào thơ mình mà không làm mất bản sắc riêng, bản sắc dân tộc… Ngoài ra còn là sự phối hợp giữa nhạc ý, giữa hư và thực, giữa duy lý và phi lý, giữa cái mơ hồ đầy ẩn ý "khả giải bất khả giải chi gian" và cái hàm súc, dư ba "lời hết mà ý không cùng", câu thơ như trôi giữa sự nhớ nhung giữa hai bờ mộng và thực… Phong cách của Chế Lan Viên là một bước đổi mới trong thi ca Việt , thơ anh gây được một ấn tượng sâu xa lâu bền".
Đọc lại những trang phê bình trên, ta không chỉ thấy những cá tính sáng tạo mà còn hiểu thêm về dấu ấn của những giai đoạn văn học một thời. Mai Quốc Liên cũng viết nhiều về thơ Hồ Chí Minh: "Bác Hồ gọi ấy là mùa xuân đến" (1976), "Hồ Chí Minh – Thơ: Nhân loại, tự do, vĩnh cửu". Anh khẳng định: "Phải nhìn toàn bộ sự phát triển của văn hóa Việt để thấy giai đoạn văn hóa Hồ Chí Minh đó trong văn học, nghệ thuật, văn hóa…
Tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là những câu chữ chết. Nó cho mọi người một phương pháp, một thái độ khi đứng trước hoàn cảnh và sự vật để "dĩ bất biến ứng vạn biến". Nó là phép biện chứng cách mạng và vô địch được diễn đạt theo tinh thần Phương Đông và nó chính là văn hóa". Vốn là người nghiên cứu văn học cổ, Mai Quốc Liên đã lấy cổ soi kim, lấy kim đánh giá cổ. Nhưng văn phê bình và tranh luận của anh luôn luôn bám sát thời cuộc, thể hiện cái dám nói, dám viết, dám chịu trách nhiệm với trang viết, dám tranh luận lại những vấn đề đã đặt ra. Muốn được như vậy thì vốn hiểu biết không thể hạn hẹp, trong tim luôn luôn phải "có lửa", có sự dũng cảm và trong tư duy phải rành mạch khúc chiết.
Năm 2004, Mai Quốc Liên ra tập thơ "Vị mặn biển đời", đây là tập thơ hình thành từ cảm xúc với những người thật đã sống cùng thời với anh (anh Lành, Chế Lan Viên, Tạ Hữu Yên, Đoàn Văn Cừ, anh Trỗi…) hoặc đọc thơ người, văn người mà cảm tác thành thơ: Ức Trai, Dostoievski, Rubuya, Aragon, tác giả "Sông Côn mùa lũ". Những câu thơ tình mênh mang:
Ấy thế mà chiều nay chia biệt
Tuyết đầu mùa rơi rối cả lòng tôi
ngẫu nhiên tôi gặp trong tập này là những câu thơ nhân hậu trong cái vị mặn biển đời, nó là lát cắt: yêu, yêu thương, con người với con người, con người với văn chương, trong cuộc đời vẫn đầy tai ương mà con người cần chống chọi:
Quê hương lũ lụt liền hai bận
Chống chèo giông bão giữa tai ương
Đọc bức thư nhà nhòa nước mắt
Chữ chữ lòng đau xót cố hương
Trong "Vị mặn biển đời", những cảm nhận từ cuộc sống được Mai Quốc Liên "phát biểu súc tích" bằng thơ, có vẻ khác xa với giọng văn "rậm rạp" của việc nghiên cứu, phê bình của anh, nhưng vẫn là một thể thống nhất được chắt ra từ một con người sôi nổi nhiệt thành. Anh là Giáo sư Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Trung tâm Quốc học (thuộc Hội Nhà văn Việt Nam), Ủy viên Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương và Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên BCH Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Tổng biên tập Tạp chí Hồn Việt. Là một người ham làm việc, ham viết, ham tranh luận nữa, Mai Quốc Liên là một tấm gương lao động đáng trân trọng.
Theo Trần Thị Thắng – CAND Online