Sự quan tâm của báo chí và dư luận đối với các giải thưởng có thể có nhiều lý do, nhưng theo tôi, có lẽ chủ yếu là ở chỗ: VHNT là lĩnh vực thường khá nổi trội trong sinh hoạt tinh thần của xã hội, và qua việc trao giải thưởng, tác phẩm đã được một hội đoàn nghề nghiệp khẳng định là tiêu biểu cho một loại hình nghệ thuật (như văn học, sân khấu, âm nhạc, mỹ thuật,…) trong thời gian một năm. Ấy là chưa nói xét về kinh tế, mỗi giải thưởng thường đi kèm một ngân khoản, nên phải chăng, đó cũng là lý do để dư luận chú ý xem xét sự tương ứng giữa giá trị đích thực của tác phẩm với ngân khoản được trao?
Tuy nhiên, có một thực tế là những năm qua, dù đã có rất nhiều tác phẩm văn học – nghệ thuật được trao giải thưởng, thì số tác phẩm có khả năng đọng lại trong đồng nghiệp và công chúng, được ghi nhận như một (các) thành công của hoạt động sáng tạo nghệ thuật trong năm lại không nhiều, nếu không nói là khá hiếm hoi.
Kẻ viết bài này từng được chứng kiến "hoàn cảnh bi thương" của một tác phẩm thơ đạt giải B của Hội Nhà văn năm trước, tại hội thơ năm sau được bày bán với giá 3.000đ một cuốn mà hầu như không có người mua, mà tính theo thời gian thì chỉ sau thời điểm được trao giải có vài ba tháng. Rồi nữa là một vài tác phẩm sau khi được trao giải thưởng lại phải đối mặt với những bình luận đôi khi "chê" khá gay gắt; đến mức có thể đặt câu hỏi: Nếu tác phẩm XYZ nọ không được trao giải thưởng thì báo chí và dư luận có quan tâm đến hay không?
Trong một số trường hợp, không chỉ đối với công chúng, mà ngay một số tác giả hoạt động trong một loại hình nghệ thuật cụ thể, cũng khó có thể lưu giữ trong trí nhớ tác phẩm nào từng được hội nghề nghiệp của họ trao giải thưởng từ vài năm trước. Tôi tin là không ít nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ, nhiếp ảnh gia, tác giả kịch bản và diễn viên sân khấu, đạo diễn và diễn viên điện ảnh,… sẽ lâm vào thế bí nếu buộc phải trả lời câu hỏi: "Anh (chị) hãy liệt kê số tác phẩm được trao giải thưởng hàng năm của Hội nghệ thuật mà anh chị là thành viên, trong thời gian 5 năm trở lại đây?".
Đó là chưa nói, đôi khi trong "bề chìm" của sinh hoạt nghề nghiệp vẫn còn lời ra tiếng vào về giá trị của tác phẩm, thậm chí cả về hiện tượng "chạy giải" hay "vận động hành lang" (lobby), và không biết thực hư ra sao nhưng ngày nọ tôi từng được một nhà thơ đọc cho nghe hai câu lục bát: Họ Trần, họ Đỗ, họ Tô – Vừa thi, vừa chấm, vừa vồ giải luôn!.
Dù là "khẩu thiệt vô bằng" thì các hiện tượng trên cũng dễ làm cho người quan tâm tới vấn đề không khỏi băn khoăn, và trước tình trạng khá phức tạp đó, liệu có phải đã đến lúc các hội nghề nghiệp về văn học – nghệ thuật cần phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn trước khi quyết định trao giải thưởng cho một tác phẩm?
Dẫu thế nào thì một tác phẩm văn học – nghệ thuật được trao giải thưởng (của một năm, một giai đoạn, một đề tài, một cuộc thi…) bao giờ cũng phải đáp ứng một cách cơ bản những tiêu chí tư tưởng – thẩm mỹ do nơi tổ chức trao giải thưởng xác định. Những tiêu chí ấy có thể có sự biến đổi nhất định để thích ứng với sự vận động phát triển của quá trình nhận thức, của sự chuyển dịch trong cảm thụ và đánh giá tác phẩm văn học – nghệ thuật. Tuy nhiên, sự biến đổi đó không thể làm thay đổi các tiêu chí bình giá có tính bản chất, có khả năng lý giải tại sao tác phẩm làm cho người đọc, người xem, người nghe cùng đồng nghiệp thấy "hay".
Xét từ ý nghĩa nhất định, việc đánh giá một cách chính xác, toàn vẹn về giá trị tư tưởng – thẩm mỹ của tác phẩm văn học – nghệ thuật luôn là một khả năng, hay sự đánh giá dù sâu sắc đến đâu thì cũng mang tính tương đối, bởi điều đó phụ thuộc vào một tập hợp các yếu tố vừa cụ thể vừa rất khó xác định. Tuy nhiên, dù "hay" là một khái niệm khá trừu tượng thì một mặt, người làm phê bình văn học – nghệ thuật và các nhà sáng tác có thể định tính qua chính tác phẩm, một mặt có thể khảo sát qua sự tiếp nhận, cảm thụ và đánh giá của công chúng.
Vì thế có thể nói, trước hết việc xét và trao giải thưởng cho tác phẩm văn học – nghệ thuật tùy thuộc vào khả năng đánh giá của các bộ phận sơ khảo và chung khảo, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, hoạt động của các bộ phận ấy phải không bị tác động bởi các yếu tố "ngoài chuyên môn". Hiển nhiên, sơ khảo và chung khảo cần là một tập thể chuyên gia có năng lực, có uy tín, thật sự coi tinh thần khách quan là một tiêu chí tham gia vào quá trình đánh giá. Thêm nữa, khi điều kiện tiếp xúc với ý kiến của công chúng có thể thực hiện qua các cuộc điều tra xã hội học thì thiết nghĩ, cũng nên sử dụng khả năng này như là yếu tố có ý nghĩa tham chiếu cho sự đánh giá.
Cách đây vài năm, nhân một lần xét trao giải thưởng về văn học – nghệ thuật, thấy báo chí công bố có 145 tác phẩm văn học (văn xuôi, thơ, nghiên cứu, lý luận, phê bình) đủ điều kiện xét tặng, tôi những muốn bày tỏ lòng kính trọng với những vị đã đọc hàng trăm (hàng nghìn?) tác phẩm để có thể lựa chọn được 145 tác phẩm ấy. Và tôi thử tiến hành một tính toán: với tốc độ đọc và đánh giá của tôi, tác phẩm ngắn bù tác phẩm dài, ít nhất mỗi cuốn tôi phải đọc trong một ngày, rồi xem xét, đánh giá, viết nhận xét một ngày nữa là hai. Như vậy, nếu là người tham gia xét trao giải, để đọc và đánh giá 145 tác phẩm được giới thiệu, tôi phải bỏ ra 290 ngày (145 tác phẩm x 2 ngày = 290 ngày), tương đương với 9 tháng 20 ngày.
Từ đó sẽ có hai khả năng: hoặc là tôi không làm việc gì khác, chỉ đóng cửa ngồi nhà liền tù tỳ 290 ngày, hoặc nếu không có điều kiện đọc liên tục (với nhiệt tâm và sự kiên trì) để viết nhận xét và giới thiệu thì cũng mất một vài năm – hai khả năng mà theo tôi có lẽ là quá "vu khoát" trong thời buổi này. Giả dụ các vị đó đọc và đánh giá theo chuyên ngành (văn, thơ, nghiên cứu và phê bình) thì chí ít mỗi người cũng phải bỏ ra một phần ba thời gian theo tính toán ở trên, tức là cũng cỡ ba tháng. Với những lần trao giải có số tác phẩm được xét ít hơn con số 145, thiển nghĩ mỗi người bỏ phiếu ít nhất cũng phải bỏ ra một hai tháng để đọc và nhận xét, liệu mấy ai có thể bảo đảm đã làm được như thế hay không?
Qua đó mà xét, liệu tôi có quyền nghi ngờ "sự đọc" của một số vị đã bỏ phiếu trao giải? Sử dụng đến quyền nghi ngờ vì tôi còn biết, trong lần xét trao giải cho 145 tác phẩm kể trên, nơi tổ chức đưa ra quy chế rất cụ thể: chỉ xét các tác phẩm xuất bản ở thời điểm X trở về sau, vậy mà trong 145 tác phẩm đủ tiêu chuẩn ấy lại có tới 7 tác phẩm xuất bản trước thời điểm X vài ba năm, có cuốn cả chục năm.
Hay như ở cuộc thi nọ, ban tổ chức quy định tác phẩm dự thi phải có số lượng Y chữ trở xuống, song thật trớ trêu, trong số tác phẩm lọt vào chung khảo lại có tác phẩm… vượt qua quy định tới cả nghìn chữ.
Rồi chuyện vài năm trước, kết thúc một cuộc thi âm nhạc rất hoành tráng, tác giả được trao giải Nhất trả lời phỏng vấn rằng, anh vừa thấy vui vừa thấy buồn vì không lý giải được mình: "đang lạc quan hay sống chung với một sự bi quan lớn về số phận và những tảng đá ong định kiến trong đầu của những con người?".
Cũng là chuyện lạ, được trao giải Nhất hẳn hoi mà lại thấy… buồn. Về sau, nếu không có một nhạc sĩ thổ lộ thì cũng khó mà biết hội đồng nghệ thuật của cuộc thi này chỉ có ý nghĩa tư vấn, còn trưởng ban tổ chức và chủ tịch hội đồng nghệ thuật – một vị không phải là nhạc sĩ, mới là những người đưa ra quyết định cuối cùng!
Suy cho cùng thì sự thành công của tác phẩm văn học – nghệ thuật không phải khi nào cũng đạt tới giá trị toàn bích đối với người đọc, người xem, người nghe. Bên những nét chung, thị hiếu nghệ thuật còn có những nét riêng gắn liền với sở thích, lớp tuổi, nghề nghiệp, tri thức, vốn liếng văn hóa,… của mỗi người, hay mỗi nhóm người. Nên theo tôi, không có gì khác thường khi có nhiều ý kiến và bình luận về các giải thưởng văn học – nghệ thuật.
Tôn trọng ý kiến và bình luận của các tác giả, nhưng về phần mình, tôi lại muốn chia sẻ với các ý kiến và bình luận từ việc trực tiếp đọc – xem – nghe chính bản thân tác phẩm, từ việc chứng minh một cách thuyết phục về thành công và hạn chế của tác phẩm, còn những gì nằm ngoài tác phẩm thiết nghĩ, chỉ mang ý nghĩa tham khảo. Bởi thế, tôi vẫn nghĩ uy tín và lòng tin vào một giải thưởng trước hết phụ thuộc vào khả năng thẩm định giá trị của tác phẩm và sự nghiêm khắc khi trao giải. Với hai yêu tố đó, chí ít thì tổ chức, đơn vị, hội đoàn,… trao giải thưởng cũng sẽ không bị đứng trước tình trạng tác phẩm được trao giải chưa nhận được sự đồng thuận cao của đồng nghiệp, bạn đọc.
Vào thời buổi một "món ăn tinh thần" dù "ngon lành" đến đâu cũng luôn ở trong khả năng nhanh chóng bị thay thế bằng "món ăn tinh thần" khác như ngày nay, khi mà sự ra đời của tác phẩm văn học – nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng đến mức một người chuyên cần cũng khó lòng bao quát hết được, thì thiết nghĩ, đã đến lúc cần phải làm thế nào đó để tác phẩm được trao giải ít ra cũng có "tuổi thọ" được vài ba năm, chứ không chỉ đọng lại trong niềm tự hào của tác giả khi liệt kê thành tựu, hay chỉ còn vinh dự có mặt ở bìa 4 của mỗi cuốn sách sau khi xuất bản.
Theo Nguyễn Hòa – CAND Online