Có một cái chợ chưa từng có tên gọi, chưa từng có địa chỉ cụ thể, cũng chưa ai hình dung được vóc dáng nó ra sao. Tính chất nó giống như nước: không có hình dạng nhất định, cần thiết cho sinh hoạt thường ngày, và có ở mọi nơi có người Việt Nam sinh sống. Đó là cái chợ di động của những người buôn gánh bán bưng, những người bán hàng rong, những người phục vụ ở khâu cuối cùng trong hệ thống đưa hàng hóa đến người tiêu dùng.

Có bao nhiêu người trong đoàn quân bán lẻ này? Không ai biết chính xác, nhưng chắc là đông lắm: những chiếc xe đạp chở hoa và rau trên các ngã đường hà Nội, những chiếc xe đẩy tay chở trái cây và thực phẩm chế biến trên các ngã đường thành phố Hồ Chí Minh, những gánh hàng tạp hóa, hàng thủ công nghệ trên những nẻo đường quê. Họ chèo những chiếc xuồng con vô tận hang động Tam Cốc để bán cho du khách chai nước khoáng và xấp khăn giấy; họ neo chiếc ghe con nơi ngã năm ngã bảy của hệ thống sông Cưu Long để bán ly cà phê hay tô hủ tíu cho khách thương hồ. Họ leo lên tuốt trên đỉnh núi Sam, núi Ngũ Hành, phục vụ khác hành hương nhang đèn; họ lang thang bên bờ biển đông để chào hàng những nhánh san hô, vỏ ốc; họ chen lấn ở các bến xe, bến phà đưa tận tay hành khách tờ báo, chai dầu gió; họ len lỏi vô sâu những con hẻm ngoằn ngoèo với gánh chè thưng bốc khói hay tấm vé số xổ chiều nay. Họ tiếp thị bằng tiếng rao lanh lảnh hay giọng khàn khàn, bằng tiếng gõ cốc cốc đặc trưng của mì gõ, hay tiếng nhạc ông ổng của kẹo kéo, tiếng ồ ồ của chiếc loa cũ chạy điện bình (accu), hay tiếng nói lặng lẽ của làn hương tỏa ra từ món cháo khuya. Họ rong ruổi khắp nơi từ khuya đến sáng, từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều, từ chiều tối đến nửa đêm.

Đôi khi tôi tưởng tượng cuộc sống mình sẽ ra sao khi những người bán hàng rong bỗng nhiên biến mất vì một lý do nào đó, thí dụ tất cả họ bỗng trúng số độc đắc bèn nghỉ bán; hay cơn bão “toàn cầu hóa” tràn tới với những chuỗi siêu thị và công ty dịch vụ độc quyền bóp chết hết những người bán lẻ ít vốn. Khi ấy, cam quít miền Tây rụng, ai chở từng thúng lên Sài Gòn vô khắp hang cùng ngõ hẽm rao bán 3 ngàn nửa kílô? Chắc là đi tàu đi xe chẳng còn vui như bây giờ nữa: ngứa tai là có người bưng đến trước mặt một cái khay đựng hàng chục loại đồ ngoáy tai, tha hồ mà lựa. Ngồi nhà cũng mất cái thú nghe cơn thèm ăn được đánh thức bởi người bán hàng rong đi ngang cửa. Sợ rồi khẩu vị mình sẽ bị bánh mì kẹp thịt băm McDonald’s làm tê liệt, không còn phân biệt được hương vị bánh bèo bì với bánh nậm tôm cháy và bánh ít trần nhân thịt. Và chẳng lẽ cần mấy cọng hành rắc tô canh cũng phải thay đồ lái xe ra siêu thị mua một bịch? Không biết đó có phải chỉ là chuyện lo xa? Biết đâu? Tôi không am hiểu về kinh tế: có thể phải dẹp cái chợ di động ấy mới công nghiệp hóa nhanh đất nước, có thể khi thành phố công nghiệp hóa cao rồi thì chợ di động tự nhiên biến mất. Cái gánh chè hay mẹt bún hiển nhiên là hình ảnh của một nền kinh tế lẻ mẻ lạc hậu. Cho dù đúng như vậy đi nữa, thì cũng hãy cho tôi có đôi lời bênh vực cái chợ di động ấy.

Thứ nhất, người dân tự giải quyết công ăn việc làm. Dù là một gánh tàu hủ nước đường gừng, cũng là mình làm chủ lấy mình, tự quản lý vốn liếng và thời giờ, sinh lợi bằng lao động độc lập với kỹ năng pha chế, chào hàng phục vụ của chính mình, tuy vất vả nhưng có thể nuôi được một hai đứa con đi học. Ví dụ chợ di động bỗng biến mất, hàng triệu người sẽ thất nghiệp và những người được vay quỹ xóa đói giảm nghèo sẽ làm gì với năm bảy trăm ngàn đồng vốn?

Thứ hai, người bình dân dễ sống. Phần lớn người bán hàng rong đáp ứng những nhu cầu thiết thực của cuộc sống người nghèo hoặc trung bình. Người bán rong thường bán sản phẩm do chính họ làm ra, hoặc mua tận gốc, miễn được chi phí trung gian, đôi khi miễn cả thuế, nên giá cả phải chăng đối với người nghèo. Do là cái gạch nối trực tiếp giữa người sản xuất và người tiêu thụ, họ linh hoạt đáp ứng nhu cầu thị trường, thị hiếu khách hàng, cũng có góp phần làm cho hàng hóa lưu chuyển nhanh hơn.

Thứ ba , xã hội được cải cách. Những người phụ nữ quảy gánh hàng rong từ những làng quê xa xôi lên thành phố, lang thang qua khu trung tâm chớm chở nhà cao tầng, đến những hốc hẻm ngoại ô lầy lội, nghe nhìn bao nhiêu chuyện xảy ra hàng ngày, ít nhiều gì nhãn quang cũng được mở rộng, hiểu biết hơn những người chỉ quanh quẩn trong cái bếp hay chuồng gà ở làng quê. Trong hoàn cảnh xã hội mình, thông tin đại chúng và giaó dục phổ thông chưa quảng bá, việc những người phụ nữ được cập nhật phần nào tri thức bằng việc ra khỏi nhà mình, làng mình, đi đó đây, dù là đi bán hàng rong, có tác dụng tích cực gấp đôi. Bởi vì đó là những người mẹ, khi bươn chải mua bán cạnh tranh, họ
chẳng những tự đi đứng trên đôi chân của mình, sống cuộc đời mình, mà tính tự lập tự chủ và chí cạnh ranh sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến con cái, dần dà thay đổi những định kiến về lề thói cổ hủ, mở đường cho lứa con em vươn tới những tham vọng cao xa hơn. Cái đáng sợ của cái nghèo không phaỉ là không có tiền, mà là không có chí vượt qua cái nghèo. Một người bán hàng rong thức khuya dậy sớm, gồng gánh hoặc đẩy cái xe nặng ít nhất nửa tạ, đi bộ tổng cộng vài chục cây số mỗi ngày, nhẫn nại kiếm lời năm bảy trăm đồng trong từng bó rau từng cái bánh, người ấy nếu không truyền được cho con cái chí vươn lên, kiến thức thu nhặt dọc đường, thì cũng nêu được cho con một tấm gương sống về lao động siêng năng kiên trì. Do đặc tính di động và linh hoạt của nghề bán hàng rong, họ thích nghi tốt với sự thay đổi và có thể lựa lọc hấp thu điều có lợi từ những môi trường khác nhau.

Có những người đã từ gánh hàng rong mà lập nên cơ nghiệp lớn, cũng có những người suốt đời bán hàng rong. Con đường buôn gánh bán bưng không phải là con đường thênh thang, nhưng đó là con đường mở dẫn đến những con đường khác. Trong văn chương ngày xưa có một người vợ quảy gánh hàng hoa đi bán rong nuôi anh chồng tri thức mưu đại sự. Trong cuộc đời ngày nay, nhất là mươi năm trước, có vô số những người vợ tần tảo chợ sớm chợ trưa nuôi con, để ông chồng chuyên tâm làm nhà giáo, nhà văn, nhà nghiên cứu.

Đôi khi những gánh hàng rong làm nhếch nhác phố phường, khiến cho người ta ngượng ngùng, mà không nhìn thấy sức mạnh văn hóa ẩn tàng bên trong mỗi con người bươn chải mưu sinh bằng vốn liếng, tâm trí, sức lực độc lập và tự chủ của mình.

Tùy bút của Lý Lan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *