9/08, 4:48 pm
Ngôi nhà 5 gian vắng lặng, sân gạch rộng mênh mông, nếu như người khác, chắc đã có gì rồi… Giằng co một lúc lâu, dường như thấy tôi kiên quyết quá, chị đành bỏ tay ra. Tôi từ biệt, không ngờ đó là ngày định mệnh để chẳng bao giờ hai đứa đến gần nhau.
Mối tình em 17, chị 19
năm 1938, tôi mới 17 tuổi. Học cao đẳng Tiểu học ở thị xã Bắc Ninh, tôi ở trọ nhà một bà nọ. Gia đình này thuộc diện trung nông, khá giả, vẫn còn nhà ở làng Đại Tráng, cách nơi cho thuê trọ tại tỉnh Bắc Ninh 2km. Bà chủ tốt, tôn trọng các cậu học sinh, gia đình cũng vào lớp người có học nên cư xử rất lịch sự. Buổi trưa nọ, gần 11h, tôi thấy một cô gái mặc đồ nông dân, gánh gạo vào nhà. Ban đầu tưởng bà chủ mua gạo, lúc sau tôi mới biết đó là con gái chủ nhà. Lúc cô ấy vừa đặt quang gánh xuống, tôi thấy đẹp quá! Trông lại mộc mạc, quê mùa, thêm những giọt mồ hôi trên những khuôn mặt hồng hào, đôi mắt to đen lay láy, sao lại có cô gái nông thôn xinh thế! Không hiểu sao tôi chú ý và bắt chuyện rất tự nhiên. Bà chủ nói: "Em nó tên Nghĩa, năm nay 19 tuổi".
Hoàng Cầm và con gái. Ảnh: Tiền Phong.
Tự dưng tôi tò mò muốn biết về con người chị Nghĩa, chị sống thế nào, đạo đức ra sao…? Nhưng biết hỏi ai? Thỉnh thoảng, tôi chỉ loáng thoáng nghe bà chủ kể thưở bé em nó thế nào, làm lụng ra sao, thoáng thoáng thôi, nhưng thấy quý lắm.
Hai người cháu gọi bà chủ bằng bác là anh Thiệu (hơn tôi một lớp) và anh Kỷ (học cùng lớp) ngày nghỉ lại hẹn nhau về Đại Tráng chơi, bàn nhau mua cái gì nấu ăn. Mỗi lần về. Chị Nghĩa lại ra đón. Chúng tôi nhanh chóng thân thiết. Muốn ăn gì, cứ nói, chị nghĩa sẽ chìu tất. Tôi chưa tìm hiểu nhiều nhưng thấy có gì đó lạ lạ, khác thường. Độ ấy mùa rét, mỗi lần tôi về, chị lại bảo:" Cậu ơi, vào trong bếp ngồi cho ấm, ngoài sân lạnh lắm". Chị cố tình kéo tôi vào, lấy ghế hoặc rải rơm cho ngồi. Chị cứ làm, còn tôi ngồi cạnh. Trong bếp, trông chị càng xinh đẹp, lửa làm ửng hồng thêm má và long lanh thêm đôi mắt, không có gì nhiều để nói, nhưng tôi luôn cảm thấy ấm cúng, gần gũi.
Có những hôm tôi đi học về lúc chiều tối, đến cổng đã thấy chị thơ thẩn ở đó, tay cầm cái liềm, hình như có ý đợi. Chị âu yếm hỏi: "Cậu về rồi à? Có rét không? Thôi vào bếp đi, mình nướng mấy củ khoai ngon lắm. Chắc chín rồi…". Cả hai lại vào bếp, chị cời trong tro than ra củ khoai nướng còn nóng, bóc vỏ cho tôi ăn. Giờ nhớ lại, tôi như thấy hình ảnh ấy trước mặt.
Tôi ra Hà Nội học, không mấy khi về, thư từ cũng chẳng gửi, mải vui bạn bè, học hành nên nhãng đi, trong lòng lại không có ham muốn theo đuổi gì. Tôi lơ là với địa điểm ấy, ngôi nhà trọ, làng Đại Tráng. Một năm sau, khi học tú tài toàn phần năm thứ nhất, tôi gặp người bạn, anh ấy hỏi: "Dạo này có gặp cô Nghĩa không?". "Lâu rồi mình không về đó"". "Cô ấy lấy chồng rồi, cậu biết không?". "Vậy à, sao nhanh thế?"…
Còn nhớ một lần, tôi để quên cái va li nhỏ ở nhà trọ. Nhân dịp về chơi, tôi ghé thăm, gặp chị, vẫn thấy thân quen như ngày nào. Nghe chị trách: "Sao từ lúc thôi học ở đây, anh không xuống nữa?", tôi chỉ ậm ừ. Khi tìm thấy va li, tôi định ra về nhưng chị giữ lại: "Cậu ngồi chơi đã. Lâu lắm rồi không xuống". "Thôi để em về. Năm nay học nhiều lắm, không ở chơi được".
Dù khá đẹp trai nhưng dạo đó tôi nhút nhát lắm, thường bị trêu là "dát gái". Giá như hôm ấy đi với anh Thiệu anh Kỷ lại khác, đằng này chỉ có một mình, tôi bảo: "Thôi, chị về nói với mẹ, em xuống thăm nhưng mẹ không có nhà". Tự dưng chị có cử chỉ rất lạ, cứ ôm lấy tôi: "Không, cậu phải ở lại, tí nữa cậu Thiệu với cậu Kỷ sẽ về", rồi nắm cái va li giằng lại." Không, em phải đi mà". Ngôi nhà 5 gian vắng lặng, sân gạch rộng mênh mông, nếu như người khác, chắc đã có gì rồi… Giằng co một lúc lâu, dường như thấy tôi kiên quyết quá, chị đành bỏ tay ra. Tôi từ biệt, không ngờ đó là ngày định mệnh để chẳng bao giờ hai đứa đến gần nhau.
Hết nghe tin chị lấy chồng, tôi lại được tin bố chị mất. Tôi về, chị ra đón, tỏ vẻ săn sóc ghê lắm. Khoảng 7,8 giờ tối, một bà cô lấy chồng ở Phật Tích xuống lo tang ma cho anh trai chợt đứng lên, cố ý hỏi thật to: "Cậu Tân có nhà không nhỉ?". Không ai trả lời. Bà gọi to lần nữa, một đứa cháu nói với lên: "Cậu đi vắng rồi ạ". "Bảo cậu ấy lôi con Nghĩa ra, đánh cho nó một trận. Làm sao bố chết mà suốt ng&
agrave;y chỉ nhìn con giai, cứ đờ đẫn ra như thế này?". Tôi hơi chột dạ, sao bà tinh ý thế, chú ý cháu từng tí một. Tôi xuống nhà ngang, ở đó có buồng, có bàn và giở sách ra đọc. Chị bước vào và hỏi: "Hôm nay cậu có bận gì không?"."Không, em xuống với bác, mai lại về". "Cậu không ở chơi được mấy hôm à?". "Em bận học". "Thôi, ở chơi mấy hôm đi, nghỉ hè rồi còn gì". Tôi nói với chị là phải chuẩn bị cho việc học sang năm. Cả ngày hôm sau, chị cứ quấn quýt bên tôi như có gì hút vào. Mỗi lần bà cô vào hay quanh quẩn ở đó, chị lại lảng đi.
Đến lúc từ biệt, chị vẫn muốn giữ và tôi vẫn quyết đòi về vì phải ôn thi vào trường Bưởi. Nhưng rồi tôi thi trượt phải vào trường Thăng Long. Lúc ấy, tôi rất mê học, chẳng muốn rời sách vở và đặc biệt không ham chuyện luyến ái nam nữ. Từ đó, hầu như chúng tôi không gặp nhau nữa, chỉ có vài dịp hỏi thăm, nếu tình cờ gặp bạn cũ. Riêng lần giỗ đầu bố chị, tự dưng tôi nhớ nên về thăm làng Đại Tráng.
Không hiểu sao có chồng rồi mà chị Nghĩa đối xử với tôi rất tự nhiên. Trời rét, chị thản nhiên kéo tay tôi, bảo đứng ngoài này lạnh lắm cậu ạ! Vào bếp cho ấm. Thế là lại quay về tình tứ, ý nhị hôm nào, tôi và chị ngồi bên nhau trong gian bếp ấm cúng, trước ánh lửa, chị càng đẹp, càng vồn vã, đằm thắm. Rồi mọi người cũng đi học cả, không có chuyện gì để lôi kéo tôi về nữa. Hình như dạo ấy, anh em có lờ mờ biết tình cảm giữa tôi và chị. Khi tôi gặp lại người bạn cũ, anh ấy bảo: "Chị Nghĩa đẻ mấy đứa rồi!". Tự dưng tôi chả thấy vui…
Trời về khuya, tiếng chuông Nhà thờ lớn rung sát mái vòm, ngân nga, xa vắng. Tôi chào tạm biệt chàng Casanova một thời, tạm biệt căn phòng mươi mét vuông tràn ngập nắng gió, tạm biệt giọng thơ day dứt tê lòng của gã trai lơ thưở ấy mà câu thơ vẫn chưa thôi vương vấn: "Từ thưở ấy/Em cầm chiếc lá/Đi đầu non cuối bể/ Gió quê vi vút gọi/Diêu bông hời…/…Ới diêu bông…".
13 bóng hồng xưa ấy giờ nơi nao, hay kẻ nắm đất, kẻ phiêu bạt xứ người… Liệu có còn ai đau đáu cùng cố nhân?
Theo Evan