(Bình bài thơ "Hoa của núi" của Thái Hồng)

Hoa “héo” Đỗ Thị Tấc bất ngờ nở ra từ cái cành cây mục, được Trần Thái Hồng phát hiện (đầu tiên và duy nhất tính đến thời điểm này), rồi “si mê” đến mất ăn mất ngủ, cũng bởi “bông hoa người” này còn là… con ma nhớn, một đời lặn lội “đội đá vá trời” bắt con ma bé (ma bản) trả cái chữ về trên môi người Lự; cất giữ cái duyên con gái Thái trong tiếng tính tẩu; trong nửa bàn chân nâng điệu múa xòe…

HOA CỦA NÚI
(Tặng nhà thơ Đỗ Thị Tấc)

Ở độ cao gần ngàn tám trăm mét
say xe hay say em?

Giữa khắc nghiệt dịu dàng hoa của núi
chợt soi bóng bên hồ phẳng lặng
Tĩnh tâm em về không dám gọi
để bên kia… núi ơi, tiêng tiếc một mối tình

Mặt hồ trong veo vài bông trắng rụng
lênh đênh kỷ niệm xưa
một thân khô gãy làm nên hoài niệm (*)
rữa mục đáy hồ vẫn khao khát đại ngàn xanh
loanh quanh mấy dốc bậc thang
những cánh hoa dại núi rừng Tây Bắc bật lên quyến rũ
dại khờ tôi hái
gió Lào tháng ba và cái nắng… héo vội
hoa cắm rễ trên đất núi, xin người chớ vô tình

***

Tôi lao theo, tôi say em
con ma bản nhặt nhạnh cái chữ sót trên môi người Lự
tìm tòi, cất giữ cái duyên con gái Thái
trong tính tẩu (**) vang
nửa bàn chân nâng điệu múa xoè
suối uốn lượn vòng eo thiếu nữ
em như con ma lao về phía trước
ghi lại những lời cúng, lời cầu…
bằng nỗi sợ thời gian
những đứa trẻ rồi lớn lên, em rồi già đi
chiếc điếu cày như tôi nhớ em nhiều lắm
bùi ngùi trên tay héo cánh hoa
chợt dân dã mùi hương của núi.

Thái Hồng

———————– 

(*) Ý tưởng bức ảnh của Đỗ Thị Tấc
(**) Tính tẩu : nhạc cụ dân tộc làm bằng trái bầu khô

LỜI BÌNH CỦA NGUYỄN ĐỨC LỢI

 

Đầu năm 2009, “gã giang hồ” miền Tây (Nam Bộ) Trần Thái Hồng có một chuyến du ngoạn lên Tây Bắc (Lai Châu). Ở đây, “gã” gặp một “gã giang hồ miền Tây” khác (Tây Bắc). Hai gã “giang hồ thơ ca” gặp nhau và “ban tặng” nhau danh nghệ ngọt ngào : HOA CỦA NÚI, in trên Sông Cửu long online (Liên Chi hội Nhà văn đồng bằng Sông Cửu Long) ngày 26/3/2009. Một BÔNG HOA được nuôi sống, làm xinh không phải bằng đất, bằng nước, mà bằng… chất liệu văn học lạc sót trong cuộc sống chật vật vùng cao. Vừa gặp bông hoa của núi, “gã giang hồ miền Tây” đã say lơ say lửng cái sự “đồng huyết” (cùng máu) đam mê – sự đam mê khám phá những thân phận, tìm gạn những chi tiết quí, nhưng hiếm trên cuộc sống nửa tầng trời (gần 1.800 mét so với mặt nước biển). Cơn say nhau đến nỗi, một “gã” tự nguyện làm một cuộc chuyển đổi giới tính, để dằn vặt : “Say xe hay say em?”. Để e thẹn “không dám gọi” và rồi thì tuyệt vọng hú kêu : "Núi ơi, tiêng tiếc một mối tình”.

Được biết, trong gia tài của nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Hồ Trường (Chủ tịch Hội Văn nghệ Bến Tre) có một bức ảnh “gã giang hồ thơ ca miền núi” (Đỗ Thị Tấc) đang nằm sõng soài ra đất, chĩa nòng “khẩu súng hình” vào một… cái cành cây khô. Hai kẻ khô kiết càng gọng gặp nhau, để rồi một (Đỗ Thị Tấc) đã nở hoa bằng các công trình nghệ thuật; một (cái cành khô may mắn một cách… chết tiệt ấy) cũng nở hoa trong nhiếp phẩm của “cái cành khô” phía bên kia. Sự khô gầy hơn một lần được Đỗ Thị Tấc khoe như của quí của mình, thương hiệu của mình mà theo thiển ý, nó chính là kết cục của sự nhanh thoắt và tịnh tiến trường kỳ. Tôi vinh dự được chị “kết nạp” vào nhóm “đồng bọn” – một bọn chỉ biết viết và viết! Bà chị “siêu phẳng” của tôi, của thơ ca Lai Châu một đời gầy gò, khô mòn lại cho bông hoa nghệ thuật sum xuê xanh và trắng xóa nở. Xa thì là 13 bậc cầu thang (thơ), là Về nguồn (kịch bản phim)… Gần thì trong nhiếp tác của tay súng bắn tỉa Hồ Trường. Gần nữa là trong tim Trần Thái Hồng với HOA CỦA NÚI.

Hoa “héo” Đỗ Thị Tấc bất ngờ nở ra từ cái cành cây mục, được Trần Thái Hồng phát hiện (đầu tiên và duy nhất tính đến thời điểm này), rồi “si mê” đến mất ăn mất ngủ, cũng bởi “bông hoa người” này còn là… con ma nhớn, một đời lặn lội “đội đá vá trời” bắt con ma bé (ma bản) trả cái chữ về trên môi người Lự; cất giữ cái duyên con gái Thái trong tiếng tính tẩu; trong nửa bàn chân nâng điệu múa xòe… Bằng ngôn ngữ “hoành tráng hóa và kinh dị hóa”, Thái Hồng còn nhìn thấy Đỗ Tấc đánh cược tuổi tác của mình, tuổi tác của đời sống văn hóa các dân tộc thiểu số; thậm chí cả tuổi tác của bọn trẻ vào công việc chụp, ghi (hình), viết… Rằng, nếu mình chết đi trước khi bọn trẻ lớn lên thì chính là bản án tử hình dành cho các phong tục tập quán đặc sắc, đặc thù của các dân tộc thiểu số (Nỗi lo này là của chung của những người cầm bút biết đau xót trước mai một, mất mát. Lớp trẻ bây giờ, đa phần thấy quê khi nhắc đến những tập quán đã trở thành văn hóa, như lại thấy tỉnh khi sở hữu những sành điệu tóc đỏ, váy hở và, dĩ nhiên, cả đọc chuyện kích dâm!) : “Em như con ma lao về phía trước/ Ghi lại những lời cúng, lời cầu… / Bằng nỗi sợ thời gian”.

Nói thế chứ ai mà chả sợ thời gian, và ít nhất có 2 dạng sợ : Thứ nhất là sợ không được hưởng thụ thiên thu. Thứ hai là tuổi tác không ủng hộ tài năng, sợ không làm được những việc cần làm. Trần Thái Hồng loại Đỗ Thị Tấc khỏi cách sợ 1. Dĩ nhiên rồi, người viết nào ra đi mà không còn trăm ngàn dang dở, nhất lại là Đỗ Thị Tấc : Một danh phận nhà thơ, một nhà nhiếp ảnh và một… con ma lọ mọ mò vướt “món ăn” dân gian dân tộc đang chìm dần vào dòng sông quá khứ : “Những đứa trẻ rồi lớn lên, em rồi già đi”. Và cái nỗi sợ chính đáng ấy bỗng trở thành chất liệu cho một tình yêu, có tương tư, có hạ thấp mình để nâng “bạn tình” đến độ… đắm đuối : “Chiếc điếu cày như tôi nhớ em nhiều lắm/ Bùi ngùi trên tay héo cánh hoa/ Chợt dân dã mùi hương của núi”.

Mùi hương nghệ thuật, khắc nghiệt là, chỉ tỏa thơm khi cánh hoa đã sang thì héo rữa!

Xin chúc mừng mối thiên duyên của hai “gã giang hồ” miền Tây – miền Núi! Chúc mừng cho cuộc “hôn nhân ngược đời” và kỳ lạ, để cuối cùng sinh hạ ra “thằng con cá tính”… HOA CỦA NÚI!

Nguyễn Đức Lợi (Điện Biên) – Theo SCL

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *