Chiến tranh càng lùi xa thì mọi người lại dễ xích lại gần, đó là quy luật mà cũng là lòng người dân Việt. Thời gian nhiệm màu mà thời gian cũng giúp ta thấm thía hơn những bài học lịch sử. Vì thế mà tháng Tư của ba mươi năm sau hay lâu hơn nữa vẫn cứ là một tháng Tư hoài niệm chung, tôi chắc như vậy, vui lẫn với buồn, được lẫn với mất, nhân dân bao giờ cũng như nhau ở tâm trạng của những ngày này…

Tháng Tư chung

 

Hiếm có tháng nào mà dân ta ở cả ba miền lại có những ngày nắng ráo chung như tháng Tư. Nắng tháng Tư, chỉ mấy từ ngắn ngủi ấy mà ai là người Việt cũng đều hình dung được nó là thứ nắng gì. Có người còn gọi đó là tháng phượng cháy, tháng cá nghén, tháng sa mưa, tháng nẻ đồng… đủ cả.

Tháng Tư mà tôi muốn nói đây là tháng Tư của lịch sử, những tháng ngày của hoài niệm và ký ức. Chắc phải lùi về cái mốc đầu tiên của tháng Tư năm ấy đã. Lúc đó, tôi là một người miền Tây biết chắc ngày kết thúc chiến tranh đã rất gần, như có một trận bão kinh thiên động địa đang từ từ đi đến. Miền Tây cuối trời, miền Tây bao giờ cũng là những người cuối cùng của miền Nam đi trước về sau. Cả tháng Tư nín thở đợi chờ và ngày cuối cùng đã tới, đảo lộn, ngút trời. Lúc đó người miền Trung ra sao, miền Trung đã được giải phóng hàng tháng trước, miền Trung bắt đầu gió Lào và ngổn ngang thu dọn. Lúc đó người miền Bắc ra sao, cả miền Bắc chừng như đã đi gần hết giới hạn của sốt ruột và náo nức, nên tháng Tư bỗng trở nên dữ dội hơn bao giờ. Trên tất cả niềm vui hòa bình đoàn viên thống nhất ấy là nỗi mừng kết thúc, kết thúc một cuộc biển dâu, kết thúc tương tàn, kết thúc sống chết, kết thúc một quá khứ chết chóc dai dẳng để đối mặt với tương lai.

Lâu nay, chúng ta thường chỉ nói về phía mình, chúng ta ít khi lắng nghe nỗi niềm tháng Tư của những người thua cuộc. Cũng không phải khó hình dung, những người con đẻ của phía bên kia thì cao chạy xa bay một cách rủng rỉnh, nhưng những người thấp cổ bé họng, thụ động và bị ép buộc thì đã có một tháng Tư thế nào? Chắc chắn họ cũng mừng, không mừng hơn thì cũng không thua kém những người tiếp quản họ, nỗi mừng giống với chúng ta về một sự kết thúc như đã kể trên. Và họ cũng bắt đầu đối mặt với đói nghèo, đối mặt với mọi thứ có tên là hậu chiến, đối mặt với mất mát và những vong linh mà họ chỉ có thể thương nhớ một cách mặc cảm, âm thầm.

Chiến tranh càng lùi xa thì mọi người lại dễ xích lại gần, đó là quy luật mà cũng là lòng người dân Việt. Thời gian nhiệm màu mà thời gian cũng giúp ta thấm thía hơn những bài học lịch sử. Vì thế mà tháng Tư của ba mươi năm sau hay lâu hơn nữa vẫn cứ là một tháng Tư hoài niệm chung, tôi chắc như vậy, vui lẫn với buồn, được lẫn với mất, nhân dân bao giờ cũng như nhau ở tâm trạng của những ngày này.

Dã quỳ vàng



Khi chưa đến Tây Nguyên, người ta hay hình dung đó là mảnh đất nhiều gập ghềnh, đi khó mà về chắc cũng khó. Thật tình là vậy, muốn thong dong thì phải ngồi ô-tô từ Sài Gòn lên, hoặc là đi máy bay từ Hà Nội vào Đà Nẵng, rồi ngồi xe đi nhiều trăm cây số nữa. Nhiêu khê lắm chứ, dài đường dài ngày dài đêm lắm chứ. Nhưng mà chưa đến Tây Nguyên thì chưa biết mái nhà của đất nước mình ra làm sao cả.

Sau hai mươi nhăm năm thống nhất đất nước, tôi mới được đi Tây Nguyên lần đầu, chuyến đi mà tôi rạo rực mãi rồi. Dạo ấy là mùa thu, công trình thủy điện Yaly đã hoành tráng lắm và mưa ngút trời. Mưa Tây Nguyên, mưa Trường Sơn thì khỏi nói. Chúng tôi đi Pleiku, Kon Tum, Buôn Ma Thuột… Bạn có biết tôi thán phục nhất thứ gì không? Thật là tuyệt diệu, nhìn đâu cũng một màu đất bazan nâu trầm, mẫn cảm và phồn thực không biết tả làm sao cho xứng được. Cây cà-phê, đương nhiên rồi, cây cà-phê là sự chọn lựa chính xác nhất mà con người đã tìm ra cho Tây Nguyên. Và còn một thứ cây nữa cho ra thứ hoa rất lạ rất đẹp, không để làm gì cả, hay được dân chúng trồng bên hông nhà, đó là cây ca-ri. Cây ca-ri bạn ạ, ca-ri là cây gia vị gối đầu bếp của dân Nam Á, người Kinh người Thượng mình mấy ai nghiền món ca-ri đâu. Nhưng mà cây ca-ri quả là đẹp, mê hồn, có lẽ vì nó đẹp vẻ đẹp xa lạ trên mảnh đất mà đặt cái cây gì xuống, nó cũng cho ra vẻ hồn hậu cả.

Nhiều người nói với tôi nếu đi vào tháng Ba thì Tây Nguyên sẽ vàng rực sắc bông dã quỳ. Chao ơi, mới nghe nói tên mà đã thấy lao xao trong lòng. Còn nói, dã quỳ ở đây là hoa dại, như cỏ, bạt ngàn, tươi ròng ròng dưới nắng đầu hè chói chang rợn ngợp. Lập tức hình dung, trên màu đất nâu sẫm như môi các diễn viên Hàn Quốc ấy mà dã quỳ lại vàng rượi, vàng đẫm, vàng choáng hết thì thật là mê ly và phóng túng. Lập tức cảm giác bồn chồn : Tây Nguyên có dã quỳ mà mình không có cái may mắn chiêm ngưỡng, thế nào cũng phải trở lại, nếu không, chắc không thể nào nguôi tiếc được.

Đã hơn ba mươi năm sau hòa bình và thống nhất, thế mà tôi vẫn còn nợ bông dã quỳ Tây Nguyên một lời hẹn. Tháng Ba này, những ngày lịch sử này, Tây Nguyên chắc vàng tươi lắm đây. Thật là kỳ lạ, một thứ bông dại mà mình chưa từng biết mặt sao lại có sức ngân rung trong lòng mãnh liệt thế nhỉ? Có lẽ vì nó là một phần máu thịt của đất nước, nó đã có trong tiềm thức của mỗi người, nên chỉ cần nghe nhắc đến là nó đã lên tiếng ở trong ta – dã quỳ, dã quỳ vàng lắm.

Mùa đốt đồng

 

Lúc này mạ đã trở nên xỉn màu, những cuống rạ dài của thứ lúa cao gần đến ngực mỗi năm chỉ có một vụ. Cánh đồng màu xanh đòng đòng đã đẹp, cánh đồng mùa gặt càng đẹp hơn và cánh đồng tuyền những gốc rạ lại cho ta vẻ đẹp thảnh thơi, ngơi nghỉ, trọn vẹn. Cứ thế rạ phơi bày, đón chân em nhỏ trong ngày diều, trong ngày Tết và đón chờ giờ phút hóa thân để về nhanh với đất thực hiện sứ mệnh quay vòng lặng lẽ.

Những đống rơm trên đồng cũng đã xẹp xuống, thoãi ra, tung tóe vì những trận gió phóng khoáng suốt ngày đêm trong nhiều tháng liền. Không ai dùng rơm rạ để đun nấu như ngoài Bắc, cũng không có chuyện đưa rơm về đánh đống để dành nếu nhà không có trâu. Máy cày đã thay trâu làm những việc chính từ lâu rồi. Những người đàn ông bắt đầu rải rơm đều ra trên đầu rạ, rải không cầu toàn, chỉ để cho đống rơm biến đi, đồng đều. Họ bắt đầu châm lửa qua những con cúi vào lúc trời chạng vạng. Tại sao lại nhằm lúc tắt nắng mới châm lửa? Đơn giản vì khi ấy thì trời mới dịu, chỉ còn gió đưa lửa bò đi. Hầu như không ai hẹn ai, nhưng vào cữ tháng Tư, trước khi trời sa mưa là cánh đàn ông lặng lẽ ra đồng rải rơm đốt lửa.

Thật là ngoạn mục những đám cháy này. Ban đầu lửa như những con bạch tuộc thận trọng trên đầu rạ có lẫn những sợi rơm. Chỉ một chốc, ngọn lửa tham lam uốn éo vùng lên, bắt đầu một vũ điệu chỉ có ở lửa. Một biển lửa khổng lồ, dưới trời đêm, như khoe khoang, như hãnh hỗ. Đám trẻ con bây giờ mới chợt thấy, thế là chúng ùa nhau chạy ra đồng, miệng suỵt chó liên tục. Chó nhanh chân chạy trước, đám trẻ trai náo hoạt theo sau. Chúng tìm gì? Chúng tìm những chú chuột đồng đang không chỗ nương thân, mùi chuột cháy khét lẹt và lũ chó như bị kích động dữ dội. Một quang cảnh ngày hội, lửa làm rạng rỡ lũ trẻ ngất ngây trong khi những người đàn ông chủ nhà thì ngồi thần trên bờ mẫu, vừa bập bều thuốc lá, vừa nghĩ ngợi lan man về một mùa gieo trồng mới.

Tàn tro bắt đầu bay vần vụ trong không trung. Mùi khói rơm rạ nồng ấm không thể tưởng. Những người đàn bà góa bụa bỗng thấy bứt rứt, bồn chồn. Họ âm thầm đi xuyên qua vườn nhà, ra đứng ở hậu vườn để xem lửa múa và xem lũ trẻ nô đùa. Chân trời không ban ngày không màu nắng mà bỗng ửng hồng như gương mặt họ, trong đêm. Và đêm cũng chao chác, không yên, như tâm tư những người đàn bà quanh năm không ra khỏi cánh đồng và nỗi niềm của mình. Lửa cháy đến khuya, lửa hạ, cũng là lúc sương rơi ướt đẫm vai người, thứ sương đặc quánh vì ban ngày nắng to.

Không sao quên được những buổi chạng vạng và những đêm như vậy. Nó ấm mãi trong ký ức và nó bừng thức một cách mãnh liệt mỗi khi tháng Tư về, có nắng to gió tràn dù bây giờ rạ đã thấp, rơm đã ít vì lúa tăng trọng mỗi năm ba vụ. Trong nỗi nhớ tiếc khôn nguôi về cái gì đã xa và đã từng thuộc về ta, không chỉ có lúa mùa, mùi cơm thơm hay màu rạ sáng, mà còn có những buổi tối lâng lâng bởi khói đốt đồng.

Dạ Ngân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *