Một lần đi
Đến đúng lúc
Và đi đúng lúc
Để chúng ta khỏi chung thân cùng chuồng gia súc
Tục gọi là hạnh phúc lứa đôi.
Ta ơn em khi lại được lẻ loi.

16/4/1996 Chu Hoạch

Đầu đề Ta ơn em là do tôi mạn phép đặt tên cho bài thơ, bởi vì trong tập thơ của nhà thơ Chu Hoạch, có lẽ tới một nửa số bài như bài thơ trên, là không đề.
Tôi là bạn học, có thể nói là cũng khá thân với Chu Hoạch từ hồi chúng tôi còn là học sinh trường Chu Văn An. Hồi ấy Hoạch vẽ rất giỏi. Anh là người trình bày tờ báo tường “Khăn quàng đỏ” của học sinh khối 7 mà tôi là… tổng biên tập! Bọn chúng tôi gồm 6 – 7 đứa đều vào loại giỏi văn thơ được các cử vào Ban biên tập, cứ sắp đến ngày ra báo là tập trung ở nhà Chu Hoạch, số 51 Hàng Bún để cùng nhau chọn bài, trình bày báo và… ăn bún ốc hoặc bún chả rất ngon do mẹ Hoạch làm. Hồi ấy tôi chưa biết là Hoạch cũng làm thơ mà chỉ biết chữ anh rất đẹp, được phân công chép lại bài của các bạn vào một tờ giấy cứng khổ to thành tờ báo tường treo trong phòng họp của trường suốt cả tuần. Mãi sau này tôi mới biết là anh cũng làm thơ. Và thơ của anh thường làm tôi rưng rưng nước mắt. Năm 1996, đang ở TP. Hồ Chí Minh, anh gửi một chùm thơ để nhờ tôi đưa đăng báo, trong đó có bài Ta ơn em mà tôi đã giật mình khi đọc.

 

Có lẽ chưa ai trong chúng ta, những người đã có vợ có chồng dám nói huỵch toẹt, thô bạo và trần trụi như Chu Hoạch đã đau đớn thốt lên trong bài thơ của mình: Để chúng ta khỏi chung thân cùng chuồng gia súc/ Tục gọi là hạnh phúc lứa đôi. Thật là một thứ cuồng ngôn khó mà chấp nhận. Chúng ta đang có biết bao gia đình hạnh phúc. Hàng năm, các phường xã phát hàng ngàn tờ chứng nhận Gia đình văn hóa cho tôi, cho bạn, cho hầu như tất cả những người có gia đình (chỉ trừ khoảng 5% có khiếm khuyết như hay cãi vã, nghiện ngập hoặc phạm pháp…). Vậy mà Chu Hoạch dám bộc trực đến thế, can đảm, xót đau đến thế, trong thơ.

Anh có lẽ cũng là người biết yêu, nhưng yêu theo kiểu của anh, bạt mạng và lãng tử. Mấy bài thơ anh gửi nhờ tôi đọc để nếu có thể thì đăng giúp (dạo dó tôi là Phó TBT tờ Người Hà Nội), có những câu như thế: Từ tình yêu này sang tình yêu khác/ Vừa nhận vừa trao-bình đẳng (Gửi) hoặc Em/ Hãy gạt bỏ ý đồ muốn cải tạo anh (Không đề).

Phải chăng bi kịch của hôn nhân chính là ý đồ người này muốn cải tạo người kia theo ý mình, một điều không tưởng. Ôi gia đình! Ôi chuồng gia súc! Chúng ta hãy cứ mạnh dạn nhìn thẳng vào sự thật đi: Đã có ai chưa một lần nào nghĩ đến chuyện từ bỏ vợ hoặc chồng mình? Tôi nghĩ là ít lắm!

Đôi vợ chồng đã từng yêu nhau, đã từng thề non hẹn biển, đã sinh ra những đứa con, nghĩa là đã có những tháng ngày hạnh phúc. Vậy mà đến một lúc nào đó họ không thể hòa hợp, không thể tha thứ cho nhau, cãi vã triền miên và chỉ muốn bỏ nhau lập tức!

Ấy thế nhưng xã hội vẫn phát triển, 95% gia đình vẫn yên ấm, vẫn đều đều được chứng nhận là gia đình văn hóa… Nhà thơ ơi, sao bác không nhìn vào cái lớn mà lại trích ra cái đoạn đau đớn của riêng mình để làm tôi rơi nước mắt? Vâng, tôi đã khóc khi đọc bài thơ này, bởi vì đó chính là thơ, là nỗi xót xa sâu thẳm của lòng người, là sự thật rất trần trụi mà đôi khi trong đời ai cũng có thể phải trải qua, song ít người có gan thú nhận. Cảm ơn bạn học cũ, nhà thơ Chu Hoạch.

Thế nhưng tôi vẫn mong và hy vọng anh sẽ gặp một người phụ nữ hiền thục và biết chịu đựng, như hầu hết chúng ta đang chịu đựng vợ hoặc chồng mình, để gửi được một gia đình hòa thuận cho con cái…

Phan Thị Thanh Nhàn – Theo Sức khỏe đời sống
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *