Ảnh minh họa |
Còn khá nhiều đêm để nhớ nữa. Đêm trao cho ai đó nụ hôn đầu, đêm tân hôn vui buồn lẫn lộn, đêm đứa con đầu cất tiếng chào đời… Hình như những kỷ niệm cũng ít dần đi thi vị, như ta bị rơi xuống mỗi lần một nấc, càng rơi càng thấy nhiều cay ít ngọt, nhiều nắng nhiều gió, nhiều cơn cớ khôn lường. Đau ốm và nỗi niềm, ta bỗng thấy những đêm trằn trọc dầy lên, cũng ngày cũng đêm nhưng thời gian không còn óng mợt lung linh mà trúc trắc sần sùi, như chính nó cũng bị cuộc đời làm cho ghẻ lở. Rồi ta đứng trên đỉnh của sự sung mãn, bắt đầu nghe thấy bên tai ù ù thứ gió của sườn dốc, trời sẽ xế và tuổi tác rồi thì ai cũng xế.
Đó cũng là lúc tôi thức đêm nhiều, không phải vì thói quen làm việc hay đọc sách khuya. Thức để chăm người bệnh. Nghĩa là khi ta đã có tuổi thì người thân của ta cũng đã đi vào giai đoạn cuối cùng. Sinh lão bệnh tử, bốn chữ ấy ôm trong lòng nó bao nhiêu đêm dài? Cách đây mấy năm, tôi về quê chăm má trong bệnh viện. Bà mắc nhiều bệnh mãn tính, nói chung là lão suy. Người bệnh nằm một chỗ, các con thay nhau kề cận, tôi thức đêm giỏi nên hay được phân trực ban đêm. Những đêm nặng nhọc, thời gian như rình rập, kim đồng hồ lê bước, lúc đó ta mới thực sự ngấm cái câu “thức đêm mới biết đêm dài”. Thời điểm cuối của một con người sao lại trần ai như vậy, đó là cái kết thúc của quy luật hay sao? Đêm kề đêm, má tôi không ăn gì suốt ba tháng trời mới ra đi được, sự chống chọi một cách kinh ngạc, phi thường.
Đầu năm nay tôi lại về qua chăm bà cô ruột mấy đêm. Gặp lại cảm giác trước, ngồi bên cạnh người thân và nghe tiếng đêm than khóc ngoài trời. Người ấy nằm đó là ta có phúc hay vô phúc, cái gánh cuộc sống này nếu cất bỏ một cách nhẹ nhàng thì ai được và ai mất? Câu hỏi ấy trở đi trở lại trong đêm, không sao có câu trả lời rành mạch được, chỉ vì với chúng ta, phụng dưỡng người thân là đạo hiếu. Lẽ nào những con dân xứ khác không có đêm dài, không có cảnh ngồi chầu bên người thân để báo hiếu? Không biết nữa, chỉ biết rằng ta còn nhìn thấy người đó vẫn hơn là phải nhắm mắt trong đêm để hình dung người thân mình đang ra sao trong lòng đất.
Tản văn của Dạ Ngân – Văn nghệ