Có những tập thơ chưa tới 100 bài mà có tới trên 10 bài mang cái tên như trên. Đúng là "Không đề" chẳng có nghĩa gì ngoài bài thơ không có tên. Điều này đã diễn ra nhan nhản khắp nơi, trở nên nhàm. Đáng tiếc là cái "tên" này nhiều khi được đặt cho những bài thơ hay, có giá trị mà bản thân chúng hoàn toàn có thể mang một tên khác đích đáng. Có tác giả lại còn có từ "Không đề 1" đến "Không đề 10" trong một tập thơ mỏng tang. Khó chấp nhận một lý do nào ngoài sự lười biếng của người sáng tác.

Nói đến Võ Huy Tâm – một nhà văn quen biết của ngành than, người ta nhắc ngay đến 2 tác phẩm văn xuôi là "Vùng mỏ" và "Những người thợ mỏ". Đều nói về đời sống người thợ mỏ ở vùng than Quảng Ninh nhưng cuốn thứ nhất đề cập đến họ thời kháng chiến chống Pháp, còn cuốn thứ hai thời hòa bình (sau năm 1954).

Những tác phẩm gây ấn tượng ngay từ tên gọi.

Theo thiển ý của tôi, đã có "Vùng mỏ" rồi thì cuốn sau không nên mang tên "Những người thợ mỏ" nữa mà cần nghĩ một tên khác, bởi vì dẫu là "Vùng mỏ" thì thực chất cũng là "Những người thợ mỏ" mà thôi (vì không lẽ cuốn trước lại chỉ nói về thiên nhiên, không gian, miền quê mỏ mà không nói đến con người?).

Đều có những giá trị nhất định, tuy có thể ở những mức độ khác nhau tạo nên diện mạo nền văn học kháng chiến (thời kỳ 1946-1954) nhưng tiểu thuyết "Đất nước đứng lên" của Nguyên Ngọc có cái tên gây ấn tượng tiểu thuyết hơn là tiểu thuyết "Con trâu" của Nguyễn Văn Bổng.

Tên sau có vẻ phù hợp với một truyện ngắn hơn là tiểu thuyết. Cũng như vậy, ở giai đoạn hòa bình sau đó, tiểu thuyết "Vỡ bờ" của Nguyễn Đình Thi có cái tên gợi hơn tiểu thuyết "Cái sân gạch" của Đào Vũ.

Có lần tôi xem một vở kịch nói có tên "Không thể và có thể". Vở kịch không đến nỗi nào, có cái để xem. Tác giả đặt được ra đôi điều đáng để khán giả suy nghĩ. Nhưng cái tên "kín" quá và có vẻ như tên một bài báo.

Thường thì khi đặt tên cho tác phẩm, người sáng tác hay theo mấy khuynh hướng sau. Một là khái quát chủ đề toàn bộ tác phẩm. Kiểu này phổ biến hơn cả (Đất nước đứng lên, Vỡ bờ, Sóng gầm, Gió lộng, Tiếng sóng v.v…). Hai là lấy tên nhân vật chính, trung tâm làm tên tác phẩm. Kiểu này cũng rất phổ biến (Tố Tâm, Chí Phèo, Chị Tư Hậu, Gia đình má Bảy, Mẫn và tôi…).

Có khi lấy bối cảnh thời gian hoặc không gian (Gió đầu mùa, Mùa gió chướng, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Trên vĩ tuyến 17 v.v… ). Dẫu rơi vào khuynh hướng nào thì tên tác phẩm cần giàu sức gợi mở, kích thích được tối đa nhất khả năng tưởng tượng của người thưởng thức. Những tác phẩm nổi tiếng của văn học thế giới từ cổ chí kim đều có những cái tên rất gợi cảm, ấn tượng. Rất ít thấy những trường hợp bất ổn. Đó là chưa kể không phải người dịch nào cũng chuyển được hết nghĩa của từ gốc nước ngoài sang tiếng Việt.

Tất nhiên, giá trị, sức thuyết phục của tác phẩm nghệ thuật cơ bản là ở nội dung. Vấn đề tuy nhỏ nhưng thiết nghĩ người sáng tác cũng nên để tâm, bởi khi nghe tên tác phẩm, tâm lý tự nhiên của bất kỳ người thưởng thức nào cũng dễ chú ý hoặc ngược lại là thờ ờ, không đón nhận. Chắc chẳng tác giả nào lại muốn công chúng của mình ở vào trường hợp sau.

Theo Nguyễn Đình San – CAND Online

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *