Còn Ma Văn Kháng thì đi ngược lại, từ Hà Nội xung phong đi Lào Cai. Bấy giờ từ Yên Bái đi Lào Cai chỉ có đường sắt, đường sông (sông Hồng, những đoạn này ghềnh thác rất khó đi), đường sắt thì hai thanh ray đã bị bóc từ năm toàn dân ta tiêu thổ kháng chiến. Thế là anh Kháng và nhóm thanh niên trai trẻ đành cứ theo vệt đường mòn giữa hai vệt thanh ray mà ngược mãi lên Lào Cai xa 150 cây số nữa.Và từ năm 1954 này, 22 năm sau anh mới về Hà Nội.
22 năm với một đời người đâu có ngắn ngủi gì. Khi anh Kháng lên làm việc tại Lào Cai thì cái thị xã "đìu hiu, mặt trời đi ngủ sớm" này chỉ có lèo tèo dăm ba dãy phố, đồn binh của Tây và một trường tiểu học. Chàng trai Ma Văn Kháng lúc ấy 18 tuổi cùng với nhóm trai trẻ đó, đầy nhiệt huyết, đã dâng hiến thanh xuân của mình hòa vào với lứa thanh niên vùng cao Lào Cai làm bất cứ việc gì. Một Paven Coócxaghin đích thị đây. Xin bạn đọc cùng đọc một đoạn hồi ký rất xúc động dưới đây:
“Đây là thời kỳ mỗi lần miệng cất lên câu hát: "Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian" là một lần con tim rộn ràng sôi sục, là như có lửa thốc trong lòng. Đây là thời kỳ trong môi trường tập thể đâu đâu cũng có thể bắt gặp các câu chuyện nói đến, trước hết là Paven Coócxaghin trong "Thép đã tôi thế đấy" của Ôxtrốpxky, rồi đến Paven Vlaxốp trong tiểu thuyết "Người Mẹ" của M. Goócky.
Sau nữa là Đankô với trái tim bốc lửa móc ra từ lồng ngực. Là Chim báo bão. Là Dôia, nữ anh hùng du kích Liên Xô, là Matrôxốp chiến sĩ Xôviết lấp lỗ châu mai. Là Mariétxép anh hùng phi công thương binh cụt chân trong chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Sao tôi yêu thế tuổi thanh niên ra chiến trường chống quân bạch vệ của N.Ôxtrốpxky và tuổi trẻ cần lao phong trần của Mácxim Goócky! Những mẫu hình đẹp nhất của phẩm giá con người thời ấy sao mà phong phú, và có sức thôi miên con người đến thế".
Cái may lớn những năm đầu đời đó là anh Kháng đã được đào tạo, được hấp thụ kiến thức từ những người thầy giỏi. Cả sau này anh học Đại học Sư phạm nữa, anh cũng được học những người thầy học vấn uyên bác. Vì thế khi cùng đoàn trai trẻ đi bộ lên Lào Cai thì công cuộc của anh Kháng và các anh là khôi phục lại các lớp học đã bị dở dang và tạo nền cho trọn vẹn cấp một và mở mang sang cấp hai rồi cấp ba.
Trường lớp bấy giờ đâu đã có, anh Kháng và các giáo viên cùng học sinh phải vừa học vừa dựng lớp, lợp mái trường, đóng bàn ghế. Thuở ban đầu thật gian nan, nhưng cũng thật hứng khởi vì đáp ứng đúng với nhiệt huyết của tuổi trẻ.
Hàng ngũ giáo viên học sinh vừa học vừa tham gia vào tất cả các công tác trọng tâm của tỉnh như vận động và giác ngộ quần chúng, như tiễu phỉ, như trật tự trị an, như phát triển sản xuất, như tham gia thành lập khu tự trị, đi vận động bà con nông dân tại vô vàn các làng bản tham gia đóng thuế nông ngiệp, rồi chống hạn cứu lúa, vận động thành lập tổ đổi công rồi hợp tác xã, thậm chí cả việc cùng nhau mà dàn ra đi bắt sâu cắn lúa trên những rẻo đồng heo hút của vùng sâu Lào Cai.
Non nửa cuốn hồi ký, Ma Văn Kháng nói lại tỉ mỉ, với một thái độ nồng hậu tất cả những chuyến đi, những cuộc thâm nhập hiện thực của một trong những thanh niên đã yêu hết lòng cuộc đời này, ở tất cả mọi nơi tới tận chốn thâm sơn cùng cốc. Anh Kháng đã có những năm tháng với toàn bộ nghĩa xả thân, để từ hồn vía đến thể xác mình được "dấn", được "ngấu", được "nhuộm" với tất cả cái nghĩa có được của các từ này, trong cuộc sống nơi mọi rẻo cao của tỉnh Lào Cai.
Đọc "Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương" của nhà văn Ma Văn Kháng, tôi lại không thể nào không liên tưởng đến cuộc đời của các nhà văn cự phách tầm hoàn cầu như nhà văn Giắc Lơnđơn, Platônốp, Pauxtốpxky, Lép Tônxtôi, Đốtxtôiépxky v.v… Giắc Lơnđơn – tác giả của tiểu thuyết "Tiếng gọi nơi hoang dã" và "Nanh trắng", thời thanh niên đã đi làm thợ đào vàng ở Bắc Mỹ, xung vào làm đường tàu hỏa ở Nêvada. Nhà bác học Anhxtanh có một câu thật hay: "Các thức giả mỗi người nên có hai nghề: Nghề để kiếm sống và nghề mình yêu thích".
Hai mươi hai năm trong đời một con người, số năm như thế là rất đáng kể và rất trân trọng; và cái hai mươi hai năm ấy lại vào đúng đoạn đầu đời, và già một phần tư của đoạn đời ấy các cụ gọi là đoạn "chập chững". Mới nghe, thời nghĩ hai tiếng chập chững có một cái gì đó non nớt, đúng vậy. Nhưng lại chính trong những bước đi chập chững ấy đã nảy sinh một mãnh lực, một thôi thúc, một vượt lên, vượt lên, và chính vì vậy những gì thu nhận được từ đoạn đời chập chững này thật đáng nhớ.
Biết bao nhiêu cuộc gặp gỡ giữa những con người và mỗi một con người là mỗi thân phận. Thì cũng đối với một sự việc dẫu chỉ nhỏ thôi, người Tây có cách giải quyết khác, người Giáy lại tạo ra một cách làm khác, rồi người Dao, người Mán, rồi hết thảy là tâm trạng là suy nghĩ của từng dân tộc một. Không có gì quý bằng hiểu người và yêu người, yêu thương con người, ấy là gốc của Văn.
Tôi dám chắc những năm chập chững đầu đời này, Ma Văn Kháng không hề nghĩ đến mơ ước rồi sau này sẽ viết văn. Không đâu, nếu vậy đã không còn gì là chập chững. Nhưng có điều này, ở đời, dẫu bất cứ là nghề nào khi nó thành nghiệp, nhất là nó lại trở nên là nghiệp chướng nữa, thì người đời nghĩ đến ngay cái nghề ấy, cái nghiệp chướng ấy nó có linh hồn.
Người đời cứ ngắn gọn mà gọi là "hồn nghề". Và cái "hồn nghề" ấy đã thống xuất trong anh, nó khiến anh miên man trong mọi cõi của hồng trần, của đa truân, của khốn khó… để Ma Văn Kháng sau này sẽ chỉ duy nhất là "đồ đệ của nó".
Có một nguyên lý bất biến, dành cho nhà văn và nghiệp văn, đó là phải tự đào tạo, được đào tạo, phải chịu đào tạo. Có tự đào tạo, thì trong tự đào tạo mới biết được mình đã được đào tạo cái gì, còn cái gì nữa phải đi tìm để phải được đào tạo tiếp. Đây là một nguyên lý mãi mãi đúng, ai đó không trải qua những điều trên đây thì không thể là nhà văn, mà có đi chăng nữa thì chỉ nên một anh viết văn làng nhàng thôi.
Công việc dạy học làm chính và những công việc khác, việc nào cũng được anh Kháng thực hiện với tư cách của một người công chính. Và anh được chọn làm thư ký riêng cho đồng chí Trường Minh, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai. Vậy là công tác mới mà anh tiếp nhận này đã cho anh nhìn được một cách tỏ tường nhiều điều của cuộc sống. Đây là một diễm phúc với nghiệp văn của một nhà văn. Rồi những năm làm báo Lào Cai nữa, lại càng bổ ích cho cái Hồn Văn đó. "Ôi chao cái Hồn Văn ấy sao mà nó lại khôn đến thế nhỉ?".
Rời Lào Cai, anh Kháng về công tác ở Hà Nội, hy vọng cuộc sống có khá hơn. Nhưng không, anh và gia đình lại trong một cảnh sống gian nan khác, cái gian nan này đã là những gì khó mà tưởng tượng nổi, nếu không được chứng kiến, và tôi, người viết bài này, đã chứng kiến tận mắt những năm anh Kháng và gia đình ở 221 phố Nguyễn Khuyến.
Có thể nói thế này mà không sợ nói sai: Nhà văn Ma Văn Kháng đã gồng mình, toàn thân, vắt trong cái gian khó ra những dòng văn cho những trang tiểu thuyết của anh, chỉ có điều lúc này cái Hồn Văn đó nó thực sự thống xuất anh.
Năm cuốn tiểu thuyết đã được in ra: "Đồng bạc trắng hoa xoè", "Vùng biên ải", "Mưa mùa hạ", "Mùa lá rụng trong vườn", "Đám cưới không có giấy giá thú". Năm cuốn tiểu thuyết này đều vạm vỡ về hiện thực đời sống, và bác học về câu văn, về bố cục kết cấu. Có cuốn như "Mùa lá rụng trong vườn" tôi đã giảng cho sinh viên khoa sáng tác ở Đại học Nguyễn Du hai buổi, đây là cuốn tiểu thuyết ở tầm cổ điển.
Nói về tiểu thuyết ư? Xin được có vài lời. Trong đông y dược có một chủng loại thuốc, bây giờ người ta gọi nó là thực phẩm chức năng, ấy là cao. Cao có nhiều loại lắm: Cao hổ, cao gấu, cao khỉ, cao ban long, cao trăn, cao ngựa. Cao rất quý nhưng không phải người nào cũng ăn được.
Có những người ăn thì mấy hôm sau lở loét khắp thân thể. Và có một loại cao đặc biệt nữa, đó là "cao đời", vậy nó ra thế nào mà được gọi là "cao đời"? Đó là tiểu thuyết. Nhà văn cô đặc đời sống vào tiểu thuyết thì thành cao. Và, cho đến hôm nay thì không phải ai cũng hiểu được tiểu thuyết khi đọc nó.
Cuốn hồi ký "Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương" là cuốn sách chất ngất đời sống và nhuyễn chất trữ tình.
Theo Bùi Bình Thi – CAND Online