9/08, 4:48 pm
("Trên mặt đất vốn không có con đường. Người ta đi mãi thành ra con đường" – Lỗ Tấn)
Có lẽ trong ký ức mỗi người, dù thời gian trôi qua và tuổi trời khép lại, đều không thể nào không có một bóng dáng con đường trong tâm thức. Con đường tuổi thơ, con đường đến lớp, con đường cát bụi, con đường gian truân, và cả những con đường đi tới hạnh phúc, thành công…
Còn nhớ, vào một buổi sáng mùa thu, mẹ tôi dẫn tôi đến lớp học bài học đầu tiên. Bốn bề hoa thơm cỏ lạ. Tôi nhảy chân sáo đi, tay xách chiếc cặp tung tăng, miệng líu lo với những niềm vui khó tả. Thế là đã thành cô bé học sinh rồi đấy nhé. Chân tôi bước trên con đường men theo cánh đồng, cỏ mật phơi lưng dưới nắng; chuồn chuồn giật mình chấp chới bay khi có bàn chân người lạ bước lên thảm cỏ. Cỏ đan ken dày quanh mương nhỏ. Dưới dòng nước trong suốt chảy ngoằn ngoèo kia là chốn sinh nhai của lũ cá mương, cá cờ. Thỉnh thoảng, có chú cua đồng từ từ lách mình ra khỏi hang thận trọng giơ càng thập thò, đẩy mình, lồi tròng mắt ra quan sát rồi nhanh nhẹn bò vào. Những hình ảnh sinh động, ngộ nghĩnh, đáng yêu này, tôi thường gặp bên con mương nhỏ trên đường tới trường. Đi qua bờ mương lại gặp con đường đầy sỏi và cỏ may. Mẹ tôi cũng đã dẫn tôi qua con đường này, đưa tôi đến lớp, dặn dò về tôi với cô giáo, rồi mẹ ra về. Buổi chiều, mẹ lại ra đón. Hai chiếc nón trắng nhấp nhô trên đường. Đàn châu chấu và lũ chuồn chuồn lại nhớn nhác bay lên khi mẹ bế tôi đi qua con đường ngoằn ngoèo của con mương đầu tiên trên đường về nhà. Rồi sẽ qua con đường sỏi đá tiếp theo, đi một chặng nữa là về đến nhà. Và tôi nhận ra trên con đường sỏi đá của miền đất trung du này, có rất nhiều cặp nón trắng nhấp nhô như thế. Tất cả những cặp nón trắng nhấp nhô trên con đường kia là của những bà mẹ, đứa con bên nhau đến lớp, về nhà. Thế rồi tôi lớn lên. Nhưng con đường không lớn nhanh như tôi tưởng. Tuy nó được mở rộng hơn một chút. Cũng chỉ đủ cho chiếc xe công nông vật vã một cách nặng nề, khó nhọc khi phải đi qua. Đám cỏ gà ven đường và chùm cỏ mật ven mương không còn xanh và phổng phao như trước. Cỏ cây đã được phát quang một cách định kỳ. Nhưng cũng đủ để cho đám cỏ may trải rộng, chiếm chỗ, mặc sức lấy chiếc kim nhỏ đâm chích làm rát bắp chân người…
Tôi đã từng trở về thăm lại con đường tuổi thơ. Ngôi trường cũ năm xưa đã được thay thế bằng ngôi trường mái ngói đỏ tươi. Không còn là ngôi trường mái tranh, trình tường bao bọc như năm nào nữa. Hàng xoan trồng trước trường để làm hàng rào, giờ đã bị chặt trụi từ khi nào chẳng rõ. Thay vào đó là hàng phi lao, lá chưa đủ để hát lời ca vi vu của gió. Ngôi trường khang trang, trọc trụi với tường xây, gắn mảnh chai nham nhở chĩa lên trời, rạch bầu trời bằng những nhát cắt sắc lạnh, tái tê. Văng vẳng tiếng các em tôi ê a đánh vẫn. Rồi tiếng tiếng thước kẻ của giáo viên gõ vào bảng cạch cạch… Những âm thanh ấy sẽ gõ vào tâm thức con người, lay thức con người để nhớ về những miền nhớ, rất đỗi xa xăm.
Tôi còn nhớ, khi đã trưởng thành, con đường tôi đi hun hút gió, xa xăm. Con đường mà mẹ cha tôi không thể đưa và đón tôi về. Tôi chỉ cùng mẹ đi qua dòng sông Cầu trầm mặc trên con đò mà thời thơ ấu tôi đã từng qua, để đi trên con đường đất đỏ tới trường học Cấp 3. Tôi sẽ tự đi và tôi phải tự trở về theo tiếng gọi của tâm linh và những điều nhân nghĩa. Tôi phải trả ơn cho con đường, trả ơn cho ký ức và miền nhân nghĩa không bao giờ được phép lãng quên. Nơi sân ga tôi rời quê hương để về Thủ đô học Đại học, tôi biết con đường tương lai đang ở phía trước. Không còn bàn tay mẹ dắt, không còn tiếng rào rào của bầy châu chấu giật mình tung người bay lên khi bàn chân mẹ và tôi chạm khẽ vào cỏ. Một mình tôi bước tiếp trên con đường mà mẹ cha tôi mỗi lần nhớ con nhưng không dễ gì trở về thăm được. Hành trình dài là những nhà ga, là những quán cóc, dãy phố lô nhô với những tiếng rao đêm xé toang màn đêm tĩnh mịch. Trên con đường, dãy phố Thủ đô, hình ảnh những người đạp xe xích lô gò lưng mệt mỏi nhoài người trên con đường bỏng rát. Đã có những giây phút tôi suy tư đếm đo cái nhọc nhằn của những người dân quê với nỗi khổ của những người dân thành thị. Hình như không có nỗi khổ nào giống nỗi khổ nào. Nhưng giống nhau là gương mặt mọi người đều thấm đẫm mồ hôi. Tất cả đều mệt nhọc và hạnh phúc. Mệt nhọc bởi cuộc mưu sinh. Nhưng hạnh phúc bởi thành quả lao động của chính mình. Hình như giọt mồ hôi của mẹ cha tôi, tuy không phải là dân ngư dân vùng biển, nhưng mặn mòi hơn, chảy nhiều hơn sau mỗi lần con cái trưởng thành. Tôi nhận ra điều ấy, khi chợt thấy xót xa những sợi tóc bọc của mẹ lòa xòa bết l