Nhà thơ Hồng Thanh Quang, tác giả của câu thơ đã được truyền tụng trong thiên hạ “Người đàn bà giấu đêm vào trong tóc” và nhiều câu thơ hay khác nữa, tới tuổi sắp ngũ thập rồi nhưng vẫn tạo cho ta cảm giác thơ trẻ khi ta tiếp xúc gần với anh. Dường như thời gian không làm cho anh mất đi vẻ hồn nhiên và dại khờ của tuổi hoa niên…

PV có cuộc trò truyện với nhà thơ Hồng Thanh Quang về con người anh những lúc bình thường nhất…

Tâm đắc câu thơ “Mọi người phụ nữ trên đời đều là những tình nhân dự trữ của tôi”

* Được đào tạo chính quy trong trường quân sự của Liên Xô (cũ) nhưng xem ra anh hoàn toàn thờ ơ với các môn thể thao: bóng đá, bóng chuyền, bơi lội, điền kinh… Đây có phải là một “khiếm khuyết” của một Hồng Thanh Quang giữa đời thường?

– Thực ra tôi cũng thích xem thi đấu thể thao. Có điều, lắm khi tôi vẫn nghĩ, nhiều người tập thể thao không hẳn là để rèn luyện thể lực mà chỉ để mài giũa hơn tinh thần thi đấu. Tôi bản tính đã là một kẻ đam mê tới giáp ranh quá độ nên tôi không cần phải nhờ thể thao giúp bồi bổ thêm cái đó nữa. Còn về mặt thể lực thì từ tuổi 17 tôi đã được rèn luyện trong các trường quân sự nên cho tới hôm nay vẫn sử dụng chưa hết những nguồn lực thể chất đã có, nên cũng chẳng cần phải chơi thêm thể thao nữa.

* Nếu nhìn vào anh, mọi người sẽ gọi anh là Hồng Thanh Quang quảng giao và rất nhiều bạn. Nhưng hình như trong mỗi cuộc vui ấy, anh vẫn “giấu” vào góc khuất đâu đó con người thật của mình?

– Tôi rất đông bạn bè và nhìn chung, những người tử tế mà đã có dịp giao tiếp với tôi ở cự ly gần thì đều quý mến và gượng nhẹ với tôi. Tôi gần như là không gặp khó khăn gì khi cần tiếp cận với bất cứ một tập thể nào. Nhà thơ Mỹ Walt Whitman từng có câu thơ, đại ý: mọi người phụ nữ trên đời này đều là những tình nhân dự trữ của tôi, mọi người đàn ông trên đời này đều là những người bạn trai dự trữ của tôi…

Tôi không cảm thấy có ai đó lại xa lạ với mình đến mức không thể giao tiếp được. Nói chung, tôi rất dễ hòa đồng với đám đông. Nhưng trong sâu thẳm tâm hồn mình, tôi thường cảm thấy rất đỗi cô đơn khi đến những chốn đông người. Tôi chỉ cảm thấy mãn nguyện khi ngồi một mình và làm những công việc mà mình yêu thích, như đọc sách hay viết lách gì đó.

* Tôi thích cách sống của anh, vui, buồn cũng không ai biết, có cái gì đó điềm đạm, tĩnh lặng và trải nghiệm dường như đã chín muồi. Người ta bảo khi ai đó đi qua “cơn bão” lớn, họ sẽ vững vàng và chắc chắn hơn. Điều ấy đúng với nhiều người, còn anh thì sao?

– Có thể là lạ nhưng với tôi, cái gì cũng quan trọng và cái gì cũng có thể trở thành không quan trọng. Thực sự, tôi đã trải qua quá nhiều nghịch cảnh trong quá khứ, cả được, cả mất, cả buồn, cả hạnh phúc tột cùng lẫn đớn đau tột độ… Tôi không chai sạn với cuộc sống nhưng bây giờ có thể nói rằng, khó có gì đẩy được tôi vào tuyệt vọng. Tôi biết cách lý giải một cách vô thường nhất mọi chuyện có thể xảy ra đối với mình. Tôi luôn nghĩ rằng, trong cuộc sống này, quan trọng là được sống theo ý mình và vì thế, ngay cả nếu ta phải mất mát thì đó cũng là cái được.

* Nếu nói cách tận hưởng cuộc sống của một nhà thơ chỉ là đọc sách và giam mình trong căn phòng tĩnh lặng với máy vi tính và những chồng sách vở, tài liệu bề bộn có trật tự… Cuộc sống như vậy anh không thấy đơn điệu sao?

– Viết và đọc – đó là cách giải trí của tôi vì được sống giữa bộn bề những cuốn sách tôi biết mình thích gì hoặc cần gì. Tôi có thể ngồi cả ngày như thế mà không cảm thấy cô đơn hay tẻ nhạt.

Nhưng đôi khi tôi hay chọn cách “đổi gió” để làm tươi mới cảm xúc hiện tại của mình bằng những chuyến dã ngoại ở ngoại thành Hà Nội, đến những miền quê ngoại thành ngắm cảnh điền viên thôn dã, những gương mặt xa lạ v.v… Nếu đi xa hơn, có nhiều thời gian hơn chắc chắn tôi sẽ chọn Sapa mù sương hay Đà Lạt, hoặc đến những vùng núi cao Tây Bắc nên thơ… Tuy nhiên, nói thực là tôi vẫn chưa có nhiều cơ hội để đi tới những vùng đất ấy, những nơi mà có lẽ là thực sự tĩnh lặng và có lẽ tôi sẽ thấy thanh thản và yên bình…

Tôi cũng hay vào chùa, không phải vì tôi quá sùng đạo đâu mà chỉ đơn giản, ở trong chùa, ta cảm thấy mình có thể suy nghĩ dường như sinh động và thoải mái hơn.

Lúc nào tôi cũng xót cho vợ tôi

* Người ta nói rằng người đàn bà làm vợ “nhà thơ” thì mệt lắm! Nhất là những thi phẩm khá nổi tiếng của anh đã đến với khán giả qua nhịp cầu âm nhạc Phú Quang (Tôi đã yêu như chết là hạnh phúc/ Tôi đã quên mình chỉ để nghĩ về em/ Người đàn bà giấu đêm v
ào trong tóc/ Có điều chi em mải miết đi tìm?). Vợ anh không ghen, không buồn hay chị ấy “giấu cảm xúc”?

– Thực sự lúc nào tôi cũng xót cho vợ tôi vì cô ấy đã tự chọn làm vợ tôi. Tôi biết là, làm vợ tôi không bao giờ là việc dễ dàng, dịu ngọt. Thậm chí tôi vẫn thường nghĩ rằng, chỉ có kiếp trước phải nợ nần nhiều lắm thì kiếp này mới yêu tôi và làm vợ tôi… Hình như chẳng có chuyện gì về tôi trong quá khứ mà vợ tôi không biết. Và vợ tôi không ghen với thơ vì biết rằng thơ tôi không phải đơn thuần là để khóc cho một ai đó cụ thể mà là để hướng tới những hình tượng lý tưởng do chính tôi đã nghĩ ra cộng thêm với những đoạn đời đã qua. Trong mỗi bài thơ có rất nhiều hình tượng, rất nhiều vốn sống, rất nhiều trải nghiệm cùng tụ lại…

Và khi lấy tôi cô ấy biết mình lấy một nhà thơ với tất cả những cái hay, cái dở của nghề này. Còn trong mọi chuyện khác thì hình như tôi không làm cái gì quá đáng để vợ tôi phải nổi cơn tam bành cả. Vợ tôi hiểu tôi rất rõ, đặc biệt là những điểm yếu của tôi. Và là một người thông minh, tỉnh táo, rất tự lập, cô ấy nương nhẹ tôi, ít ra là vì cô ấy biết tôi không tệ hơn những người chồng khác. Tới bây giờ, sau hơn 10 năm ở với nhau trong một gia đình, vợ tôi vẫn phải công nhận tôi là một người tốt, tử tế, đàng hoàng… Thử hỏi, liệu có thể đòi hỏi gì nhiều hơn ở một người chồng đã ngót ngũ thập như tôi?

* Ngoài cảm giác thú vị khi nhốt một mình trong phòng, anh cũng tìm thấy niềm vui nho nhỏ là khám phá ẩm thực Hà Nội. Có lẽ đến giờ anh đã có những địa chỉ ẩm thực khá thú vị?

– Tôi xuất thân từ một gia đình bố là bộ đội, mẹ là công nhân, sống tùng tiệm lắm, nhưng nói thật là, tôi thích ăn ngon mặc đẹp. Tôi không chạy theo mốt, nhưng tôi chỉ thích những cái gì đẹp và ngon, một cách thực chất chứ không phải vì thương hiệu. Tôi không phải kẻ thích phòng máy lạnh với những cách thức trịnh trọng ở những chốn vẫn được gọi là thượng lưu. Tôi thích những chỗ ăn dân dã mà khoái khẩu, như ăn thịt chó ở ngõ Hàng Hương, ăn lòng lợn tiết canh ở Cửa Nam, ăn bún chả ở Hàng Mành… Còn những lúc tôi thích đi ăn đồ Tây, tôi đến nhà hàng Nguyên Sinh ở Lý Quốc Sư hay tới uống rượu vang ở một cửa hàng đầu phố Hàm Long, trông bên ngoài dung dị thôi nhưng có không khí Paris ở bên trong… Nhiều lắm… Bao nhiêu năm nay, tôi đã trở thành khách quen ở những nơi ấy, đến mức ngay cả những người trông xe nhìn thấy tôi từ xa đã cười niềm nở và reo tên tôi lên… Và ông bà chủ ở những nơi ấy vừa nhìn thấy tôi đã biết sẽ phải dọn món gì với gia vị thế nào? Gần nửa thế kỷ sinh ra, lớn lên ở Hà Nội cũng có cái thú là như thế…

* Xin cảm ơn anh.

Theo Miên Tường – Thể thao và Văn hóa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *