Trang bìa cuốn sách |
Bằng lối tư duy giàu tính khái quát và khả năng trải rộng suy nghĩ ra khỏi giới hạn của sự kiện, từ một bác Phê-đo, chị nghĩ về cả một thế hệ nước Nga ân tình chung thủy; từ một người Việt vô gia cư trên đất khách, chị xót xa cho biết bao số phận tha hương; từ một lời cảm ơn – xin lỗi, chị khắc khoải nghĩ đến cách hành xử của con người… Như là suy nghĩ bằng trái tim và quan sát bằng đôi mắt trìu mến, thân thương với cuộc đời, Việt Linh phát hiện ra từ những con người xa lạ nét đẹp ẩn khuất, từ những sự kiện tưởng vô can nhiều niềm hy vọng nhân sinh. Đó là một anh bác sĩ khù khờ khi lần đầu tiên lên máy bay nhưng đặc biệt giỏi giang và tận tình. Đó là một thanh niên ngơ ngác sang Paris, tưởng sẽ được hưởng số tiền thừa kế kếch xù của ông ngoại, nhưng cuối cùng toại nguyện đến thanh thản khi được mang về chỉ một nắm tro tàn của ông… Có một cuộc đời tươi đẹp trong những chuyện mình chuyện người mà Việt Linh nhặt nhạnh.
Vốn là một người Việt sống xa xứ nhiều năm, Việt Linh dẫu không cố ý thể hiện vẫn chẳng giấu nổi nghĩa tình với quê hương. Có một chút thở than, có những tiếng thở dài, có cả giây phút chạnh lòng… nhưng trên tất cả là tình đau đáu thương quê của một người sốt sắng, nôn nóng khi được (phải) chứng kiến khoảng cách thăm thẳm giữa quê nhà với những quốc gia chị từng đặt chân đến, về cả kinh tế, xã hội lẫn văn hóa, văn minh. Việt Linh đã đi qua Cannes xa hoa tráng lệ để thương cho người làm phim Việt Nam đang ngụp lặn giữa cánh đồng điện ảnh như vừa vỡ vạc, đã chen chân xem Hạn hán và cơn mưa ở Paris để biết tiếc mướn cho sự thờ ơ của khán giả quê nhà, đã bội thực những lời cảm ơn, xin lỗi của người Tây để thèm khát một lời khách sáo cần có của đồng bào mình…
Phần II cuốn sách là những câu chuyện nghề – đây là khoảnh đất để Việt Linh vẫy vùng, phô diễn kiến thức của một người trong cuộc. Nhưng vẫn vậy, chị từ tốn, lắm lúc là dè dặt khi đưa ra nhận xét về một tác phẩm điện ảnh, một quy trình làm phim. Nhưng đó là cái dè dặt dễ thấy của một người dám nghĩ mới, nghĩ khác. Những bài viết của chị đã gợi mở hướng tiếp cận ban đầu tới những nền điện ảnh còn xa lạ với người Việt như Iran, Romania, Thụy Sĩ…
Một trong những thách thức của thể loại tạp bút đối với người viết là sự kỳ công với chữ. Một đạo diễn tưởng như mạnh về ngôn ngữ hình ảnh như Việt Linh lại rất mẫn cảm với ngôn từ. Những người sống xa quê hương, thường phải chật vật đuổi bắt với sự phát triển ùn ùn của ngôn ngữ mẹ đẻ. Nhưng Việt Linh không đuổi, chị đi trước hoặc ít ra cũng thong dong với kho từ vựng giàu có, đầy biến hóa của mình. "Tim tôi nhoi nhói : sao mà giống thế cái mâm nhôm mom móp, cái lon thiếc sen sét, cái thân dáng ranh rách của tuổi thơ cơ cực nhọc nhằn… Hóa ra kỷ niệm vẫn là thứ ương bướng nhất, bấu víu, bất biến" (Miên man đậu phộng nấu).
Hà Linh
Theo eVan
——————————–
Chuyện mình chuyện người (trích)
Tuổi thơ im lặng
Một đứa trẻ mười tuổi có thể trộm cắp, có thể bỏ học, đi bụi… Một đứa trẻ mười tuổi thậm chí có thể – như đã từng xảy ra – giết người. Nhưng bạn không có thể hình dung nổi là đã có một đứa trẻ mười tuổi treo cổ tự tử vì nhớ mẹ…
Chuyện người ta
Tôi thấy mình như ngạt thở. Bản tin kể rằng, ngày 27/3/2006, cậu bé Razvan mười tuổi người Rumanie đã treo cổ tự sát. Rằng, giống như nhiều gia đình nghèo khó khác trên đất nước Rumani, từ tháng 2/2006, mẹ Razvan phải bỏ con sang Ý lao động, để, như bà nói, kiếm tiền mua cho Razvan một máy vi tính. Người mẹ hẹn con mỗi tháng sẽ gặp nhau một lần qua điện thoại. Tháng ba, sau hai ngày mong ngóng và không có tiền gọi mẹ, Razvan đã treo cổ trong căn nhà nhỏ của mình.
Bản tin cho biết, cái chết thê thảm của Razvan đã làm chấn động đất nước Rumani; làm dấy lên nhiều cuộc tranh luận xã hội, bởi giống như Razvan, hàng ngàn trẻ em Rumani nghèo khó đang sống cô độc vì cha mẹ phải ra nước ngoài lao động. Hai tháng đã qua, nhưng khuôn mặt mũm mĩm của Razvan vẫn không rời khỏi tôi. Nhiều đêm, nó đi vào giấc mơ, lạnh toát đong đưa một thân hình bé nhỏ… Bản tin không có ảnh mẹ Razvan, nhưng tôi hình dung được nỗi tan nát của người mẹ trẻ. Trong cái chết của đứa con vĩnh viễn không còn cơ hội đón mừng chiếc máy vi tính do mẹ mang về đó, tôi tin rằng, người mẹ đã nghe thấy, mãi mãi nghe thấy tiếng gọi ám ảnh…
Chuyện của bạn
Cũng như tôi, chị làm trong ngành nghệ thuật, thường xuyên phải đi xa – những chuyến đi vì đam mê hơn vì sinh kế. Chồng chị cũng có một nghề hay đi, nên từ nhỏ, con trai chị đã phải thường xuyên sống thiếu cha mẹ. Vậy nhưng không hiểu sao, con chị vẫn ngoan, khoẻ, học giỏi. Tự hào vì tính tự lập của con, vợ chồng chị càng thanh thản những chuyến đi biền biệt, để sau đó bù đắp lại bằng những chăm lo quýnh quáng. Mọi thứ trôi qua bình yên, con trai chị tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định. Cho đến một ngày…
"Ba má thương con như nuôi cây trên sân thượng, khi tưới ngập, khi bỏ khát!". Con trai chị đã đáp trả như vậy khi nghe chị góp ý điều nọ, và rằng vì thương nó, chị mới góp ý. Thằng con ngoan ngoãn, lặng im lâu nay của chị còn “phân tích” với chị rằng, nó đã sống một mình nhiều năm, quyết định mọi thứ – trong đó có chuyện học giỏi, thành nhân – một mình, thì mọi âu lo của cha mẹ hôm nay trở thành quá muộn. Rằng, anh chị hãy vui vì rốt cuộc "cái cây trên sân thượng" là nó vẫn sống.
Choáng váng trước lời nói… đúng của con, nhiều đêm, chị thao thức, thảng thốt những giả định suýt thành sự thật : con trai chị – đứa con bị bỏ bê ấy – đã có thể hư, có thể vướng ma tuý, đã có thể… Chị không dám nghĩ xa hơn. Thấy mình quá may mắn. Trong âm thầm cảm ơn con đã thành nhân, đã cho cha mẹ sự giật mình kịp lúc, chị quyết định không đi xa nữa. Ít nhất cho chính chị.
Chuyện của mình
Trong đời người, hình như ai cũng có cái gì đó gây ám ảnh. Với tôi, đó là những sợi tóc… Năm 2002, sau tám tháng miệt mài ở Việt Nam với phim Mê Thảo – Thời vang bóng, tôi trở lại Pháp trước sự mừng rỡ, rất mừng rỡ của con gái chín tuổi. Nhiều ngày sau, tự dưng, nhà chúng tôi vương vãi tóc. Tóc ai? Câu hỏi được trả lời ngay khi đỉnh đầu con tôi lộ ra một lõm trắng, lan nhanh kéo theo sự hốt hoảng của cha mẹ.
Bé được đưa tới hầu hết các bác sĩ chuyên khoa, nhưng vẫn không tìm ra nguyên nhân. Mặc điều trị, đầu con tôi cứ ngày một trắng tóc. Do cháu cứ khóc vì mặc cảm, chúng tôi phải xin nhà trường cho cháu đội khăn (điều cấm trong các trường Pháp) để bọn trẻ bớt trêu chọc.
Sau nhiều đêm bất lực khóc theo con, tôi đồng ý – dù không tin – cầu viện Khoa Tâm lý. Ngày đầu tiên, tôi suýt quạu bởi bị tra vấn đủ chuyện đời tư. Hỏi – đáp, hỏi – đáp trăm thứ, để cuối cùng, bác sĩ kết luận : Con tôi rụng tóc vì nhớ mẹ. Không! Không phải! Tôi chao choáng giãy nảy. Nào rằng, "Con tôi rất vui biết mẹ đi làm phim". Nào rằng, "Con tôi đâu có khóc, đâu có đòi mẹ… ". Viên bác sĩ nhìn tôi, nửa bao dung, nửa khuyến cáo : "Không phải lúc nào đứa trẻ cũng nói ra, biết cách nói ra, hoặc có thể nói ra những điều nó nghĩ"
Phải đến một năm sau – một năm mẹ không dám rời con, một năm vừa điều trị tâm lý vừa uống thuốc, xức lung tung đủ thứ – tóc con tôi mới mọc lại. Cho dù tôi đã và sẽ không bao giờ biết được nguyên nhân rụng tóc thật sự của con tôi, cho dù kết luận của chuyên khoa tâm lý là võ đoán, thì người mẹ hoang mang trong tôi vẫn mãi mãi bị ám ảnh bởi câu nói của viên bác sĩ. Ám ảnh bởi những sợi tóc…
Việt Linh