Dẫu bản thân có nhiều nỗi buồn, ông chỉ nhẩn nha tâm sự và luôn điểm xuyết, liên hệ bằng văn thơ của tiền nhân khiến câu chuyện bình dị mà vẫn sang trọng.
Đại hội Văn nghệ toàn quốc mùa Thu 1948, Trần Lê Văn, Lê Đại Thanh, Sao Mai, Tô Vũ được cử vào đoàn đại biểu Chi hội Văn nghệ Liên khu III lên Việt Bắc tham dự. Cộng tác viên của báo Công dân còn có Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng. Ông miêu tả về Vũ Hoàng Chương rất hóm: "Chị Oanh, vợ Vũ Hoàng Chương là một phụ nữ có sắc, có tài, và nhất là một người vợ yêu chồng rất mực…
Trên đường chạy giặc, anh đi trước, chị đi sau, tay chị xách cái túi có tập bản thảo hay tác phẩm đã in của anh, trong đó có nhiều bài thơ tình anh viết cho người khác".
Viết hồi ký, Trần Lê Văn viết bằng tấm lòng chân thành trước cuộc sống, nhìn cái tốt với sự tri ân, nhìn cái xấu với lòng độ lượng, hài hước…
Phần II của tập sách là những sáng tác thơ của Trần Lê Văn. Đây cũng là một dạng hồi ký bằng thơ: Những giai đoạn thăng trầm của đời sống đều được ông ghi lại, từ giây phút thanh thản đầu đời "Cương buông người mải theo trang sách/ Ngựa hóa con thuyền lững thững trôi" (Trưa rừng), tình yêu với cô gái Thái xinh đẹp, sau thành vợ thầy hiệu trưởng trẻ tuổi Trần Lê Văn: "Chú rể nghèo vàng dâng mẹ vợ/ Thưa rằng: "Sính lễ một bài thơ!" (Kỷ niệm ngày cưới)…
Giai đoạn hoạt động ở Liên khu III đã khẳng định được chỗ đứng của Trần Lê Văn trong lòng bạn đọc qua hai giải thưởng: giải Nhì Hội Văn nghệ Liên khu III và giải Nhì Hội Văn Nghệ Việt . Tuy nhiên giai đoạn này tự ông và người tuyển cũng ít chọn được thơ hay, có lẽ nhiệm vụ tuyên truyền khá nặng của làm báo, nhiều khi ông phải viết diễn ca mang tính cổ động thay cho thơ.
Giai đoạn sau hòa bình 1954, thơ Trần Lê Văn đi sâu hơn vào nội tâm mình. Nhất là khi ông gặp những rủi ro, mất mát trong đời sống. Chú bé sinh giữa những ngày chạy lụt rồi thành anh lính trẻ, và anh lính trẻ ấy không về nữa, để lại một khoảng trống trong nhà không gì lấp nổi "Hỏi nhà ta cái gì đầy ắp/ Đó là con cười nói đâu đây".
Phải chăng như Alfred de Musset đã nói "Nỗi đau lớn nảy sinh thi tài lớn!".
Trong cảm thức cô đơn, ông đã thốt lên câu thơ để đời "Có ai nghe thấy một tiếng vọng/ Thì thả con thuyền sang với tôi!". Để người đọc khỏi ngộ nhận về ông, soạn giả đã phải lý giải: "Thực ra, Trần Lê Văn là người nhiều tri kỷ, tri âm hơn ai hết. Bởi ông thuần phác như một lão nông, độ lượng như bậc trí giả, luôn chia sẻ và được chia sẻ bởi những người bạn thân thiết".
Phần III của tập sách có tiêu đề "Chút tình để lại – chút tình mang theo", hầu hết là bài của thân hữu viết về Trần Lê Văn sau khi ông qua đời. Lúc sống, ông cần thiết với mọi người như một điều tự nhiên, một tất yếu. Sau khi ông mất, ai cũng muốn ghi lại ấn tượng về một tình tiết cảm động hoặc một nhận định khái quát về ông.
Đọc chùm bài này, ta càng thấy điều mong ước dùng văn thơ để "nối tôi với đời" của Trần Lê Văn và ông đã thỏa nguyện. Sức tỏa chiếu cái Tâm, cái Tài của nhà thơ Trần Lê Văn, không chỉ với những người được trực tiếp là học trò ông, nay đã là những nhà thơ tên tuổi như Vũ Quần Phương, Trúc Thông… mà đến một nhà thơ trẻ tật nguyền miền biển Đỗ Trọng Khơi… cũng đều được thấm nhuần trong từ trường nhân cách, nhân hậu Trần Lê Văn.
Theo Vân Long – CAND Online