Hội nghị quốc tế giới thiệu Văn học Việt Nam do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức diễn ra tại Hà Nội từ ngày 5 đến ngày 10 tháng 1 năm 2010. Hội nghị đã đón hơn 100 đại biểu đến từ 32 quốc gia trên thế giới và tổ chức thảo luận theo các nhóm chuyên đề : Văn học cổ điển Việt Nam, Văn xuôi Việt Nam hiện đại, Thơ Việt Nam hiện đại, Gặp gỡ các nhà văn trẻ. Tạp chí Văn nghệ Quân đội số này trân trọng giới thiệu bài phát biểu của nhà thơ Trần Đăng Khoa – người chủ trì Hội thảo Gặp gỡ các nhà văn trẻ.

Trước hết, tôi xin cảm ơn và nhiệt liệt chào mừng các vị khách quốc tế, các quý vị và các bạn đã có mặt trong cuộc Hội thảo rất có ý nghĩa này. Ngay trong căn phòng này cũng đã hội tụ nhiều lứa tuổi khác nhau, nhiều ngôn ngữ khác nhau. Có nhà văn, nhà thơ rất trẻ, đang là những cây bút sung sức, giàu chất sáng tạo của nền văn học đương đại Việt Nam. Có người tuổi đã cao, nhưng bút lực lại không hề già. Nhiều nhà phê bình, nghiên cứu và các dịch giả luôn quan tâm đến các nhà văn trẻ. Tất cả chúng ta đều yêu mến, trân trọng các nhà văn trẻ mà gặp nhau ở đây. Có người vượt qua hàng vạn dặm. Tôi nghĩ hôm nay là một ngày vô cùng tốt lành!

Nhà thơ Phạm Tiến Duật, một thi sĩ rất nổi tiếng của chúng tôi, nổi tiếng ở lứa tuổi rất trẻ, đã có lần suy ngẫm về thế hệ mình : Sẽ đến lúc, chúng ta thành cụ già/ Nhưng tới đó hãy hay, giờ ta còn trẻ chán/ Bắt chước các cụ già không khó lắm/ Các cụ già bắt chước mình mới khó làm sao/ Tuổi trẻ vượt biển dễ hơn các cụ già xuống ao/ Ta lội rừng chẳng chồn chân mà các cụ già ra thăm vườn mỏi gối/ Với tuổi trẻ chẳng có đêm nào gọi là đêm tối/ Nắng là bạn ta, mưa cũng là bạn ta. Nhà văn Phan Thị Vàng Anh gọi điều kỳ diệu ấy là “Khi người ta trẻ”.

Chẳng ai thích sự già nua. Và không phải “bắt chước”, một anh chàng lười nhác nhất, dù không muốn, và không phấn đấu thì rồi cũng sẽ thành cụ già. Nhưng các cụ già mà muốn trẻ lại, có sức lực và sức bút dẻo dai thì lại phải gồng mình rèn luyện không mệt mỏi. Nói như nhà thơ lớn Xuân Diệu : Óc luôn lục lọi, mắt luôn kiếm tìm. Nhà thơ lớn Chế Lan Viên, một người lóe sáng đến mức “kinh dị” (chữ của Hoài Thanh) ở thời trẻ, khi chưa đến tuổi 20 và vẫn tiếp tục chói sáng cho đến cuối đời, cả khi đã “về cõi thương nhớ” rồi, ông vẫn còn làm ta kinh ngạc bởi sức trẻ trong hàng trăm bài thơ di cảo. Một thiên tài, với vốn tri thức thông kim bác cổ đến như Chế Lan Viên, và với nghệ thuật sáng tạo, ông là một bậc thầy, thế mà rồi ngày nào ông cũng học. Theo nhà văn Phan Thị Vàng Anh, mỗi sáng, Chế Lan Viên dậy từ bốn giờ để học. Ông học các trường phái thơ ca thế giới, và khi thông thạo mọi kỹ xảo, “ngón nghề” của thế giới, ông lại quay về học các thể thơ Phương Đông và ca dao tục ngữ của dân tộc mình. Ông còn dặn cô con gái rượu của mình : “Con phải chịu khó học. Ngày nào cũng phải học, để nếu tiến lên, con thành nhà văn, mà nếu có lùi xuống, con cũng là nhà văn hóa”. Theo quan niệm của Chế Lan Viên, không phải nhà văn hóa nào cũng thành nhà văn, nhưng đã là nhà văn thì đồng thời bao giờ cũng phải là một nhà văn hóa.

Hầu hết các tác giả lớn, các bậc chân tài ở trong nước cũng như trên thế giới đều đã hoàn thành cơ bản sự nghiệp sáng tạo của mình khi ở lứa tuổi rất trẻ. Ở tuổi trưởng thành là họ làm thêm, hoặc củng cố thêm, làm phong phú thêm những gì họ đã có, khi ở lứa tuổi trẻ. Không ít người đã qua đời ngay ở lứa tuổi thanh xuân nhưng sự nghiệp đồ sộ của họ vẫn tiếp tục sống và tỏa sáng, như Tú Xương, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao… Và ở các nước là Pêtôphi, Puskin, Lermontov, Exenhin, Rimbo, Veclen, Bairon…

Các nhà văn trẻ Việt Nam hiện nay có rất nhiều thuận lợi. Có người sinh ra đã gặp ngay công cuộc đổi mới đất nước. Trước mặt họ, không có rào cản nào cả. Họ viết đúng như những gì mình nghĩ, và nói như nhà thơ Hữu Thỉnh, những gì mà thế hệ trước mới chỉ đặt ra thì nay, qua họ, đã được phong phú hóa, đa dạng hóa, ít né tránh hơn. Những vùng trước kia có người còn e ngại thì nay lại là những mảnh đất tươi tốt để các nhà văn trẻ khai thác và đã khai thác đạt hiệu quả nhất định. Có hẳn những thế hệ mới xuất hiện có nhiều khởi sắc, nhiều giọng điệu. Họ viết khác hẳn so với thế hệ cha anh. Đội ngũ này luôn tươi mới, sinh động. Việc được giải phóng cá tính sáng tạo ở họ cũng đem đến những dấu ấn cá nhân rất sâu đậm và mới mẻ.

Hiện nay, Việt Nam đang ở thời kỳ hội nhập và mở cửa. Mở cửa ở tất cả mọi lĩnh vực để phát triển, trong đó có văn hóa và văn học nghệ thuật. Việc xuất bản cũng cởi mở hơn. Trong đó có mảng sách dịch. Có thể nói, ở Việt Nam hiện nay, trên trời dưới sách. Những tác phẩm vừa gây được tiếng vang trên thế giới thì ngay lập tức đã được dịch và giới thiệu ở Việt Nam. Nhiều trào lưu văn chương thế giới như Chủ nghĩa Hiện đại, Hậu Hiện đại cũng được các nhà văn trẻ áp dụng có sáng tạo mang sắc thái Việt Nam, và không ít tác phẩm đem lại hiệu quả thẩm mỹ, góp phần làm phong phú thêm dòng văn học Việt Nam đương đại đang đổi mới và có nhiều khởi sắc.

Bấy lâu nay, ở Việt Nam, chúng ta đã bàn khá nhiều về việc giữ gìn bản sắc dân tộc. Nhưng giữ gìn bản sắc dân tộc không phải là sự bế quan toả cảng, mà là mở rộng cánh cửa ra với thế giới rộng lớn, đồng thời cũng là phát huy tối đa mọi sáng tạo cá nhân. Muốn đến được với thế giới, không phải chỉ có tính dân tộc, mà còn phải có tính nhân loại nữa và các đặc tính ấy hoà đồng trong những nét độc đáo bản lĩnh nghệ thuật của từng cá thể nhà văn. Nhiều tác phẩm của các nhà văn thế giới được bạn đọc Việt Nam yêu thích có lẽ vì họ đạt được những tiêu chí này. Đơn cử như trường hợp Xéc-gây Exênhin. Ông được đông đảo bạn đọc thế giới đón nhận trước hết vì ông là nhà thơ rất Nga, rất nhân loại và cũng rất Exênhin. Dường như suốt đời, Xéc-gây
chỉ viết về cái làng quê nhỏ bé của mình. Nhưng để viết hay về cái làng quê nhỏ bé ấy, Xéc-gây lại phải đi ra với thế giới rộng lớn. Xéc-gây rời khỏi làng quê từ năm 14 tuổi, nghĩa là còn ở tuổi vị thành niên. Ông lang thang ở Matxcơva, Xanh-Peterbua. Không những thế, ông còn lấy vợ Mỹ, rồi sống ở Pháp, ở Ý, ở Mỹ và nhiều vùng đất khác nhau trên thế giới. Rồi bằng con mắt rộng lớn của nhân loại, ông ngắm lại con bò, con chó, cây bạch dương và hồ nước cụ thể ở cái làng quê nhỏ bé của mình, bằng con mắt của riêng mình. Chính vì vậy, ông phát hiện ra những vẻ đẹp Nga, những tinh chất Nga, mà nhiều khi ở trong nước lại không thể nhìn ra được, và những người khác không thấy hết sự quyến rũ kì lạ của nó. Chính vì thế mà tác phẩm của ông mới có tầm nhân loại. Và chỉ khi có tầm nhân loại, nó mới vượt qua được ao hồ đồng ruộng Riazan, vượt qua cả những dãy núi sừng sững của biên giới nước Nga mà đến được với bạn đọc toàn cầu. Trường hợp Raxun Gamgiatốp cũng vậy. Dù ông chỉ sống ở một vùng núi hẻo lánh và viết bằng ngôn ngữ Avar, ngôn ngữ chỉ có hai triệu người đọc.

Điều may mắn cho các nhà văn trẻ chúng ta là ở Việt Nam, ngoại ngữ cũng đang dần trở nên thông dụng. Nhiều nhà văn trẻ được đào tạo cơ bản ở các nước tiên tiến trên thế giới. Có người thông thạo nhiều ngoại ngữ. Đã thế, chúng ta lại còn được khoa học kỹ thuật hiện đại hỗ trợ. Chỉ cần ngồi ở góc nhà cũng có thể chu du khắp thế giới, biết được thế giới qua các hệ thống Internet. Ngoài việc in báo, in sách, các bạn trẻ còn có thể tự công bố tác phẩm của mình trên phạm vi toàn cầu qua các trang blog cá nhân. Không phải bằng tiếng Việt mà bằng cả tiếng Anh, tiếng Pháp và nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới. Một cháu bé học sinh phổ thông như Đặng Chân Nhân cũng đã tự dịch sáng tác của mình ra tiếng nước ngoài. Nhiều nhà văn trẻ như Di Li, Ngô Tự Lập, Trang Hạ có thể sáng tác trực tiếp bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc… Và như thế, các bạn trẻ bước một bước đã ra thẳng thế giới rộng lớn. Nhưng làm thế nào để đến được với thế giới rộng lớn lại là cả một bí mật. Và bí mật ấy, không ai khác, mà chính các bạn phải tìm ra mật mã, bằng chính tài năng của mình, để mở được cánh cửa bí ẩn ấy.

Xin chúc các bạn thành công!

TRẦN ĐĂNG KHOA – VNQĐ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *