Khi con gái tôi vào đại học, tôi quyết định cùng chuyển lên sống ở Sài Gòn. Lúc đó nhà tôi chỉ có hai người. Ra đi là một quyết định nhẹ nhàng. Nhưng sẽ ở đâu giữa đất Sài Gòn?
Sự cân nhắc chỗ ở bắt đầu từ… tiền. Vì, gom góp hết, cha con tôi chỉ có thể ra ngoại ô xa mua mảnh đất nhỏ, xây căn nhà nhỏ; hoặc chọn một phòng chung cư rẻ tiền. Hơn nửa đời sống ở miền Tây trời cao đất rộng, bàn chân vốn quen đi trên mặt đất, thích được trồng cây, thích được nói… lớn tiếng, tôi rất e ngại leo cầu thang và bốn bức tường chung cư. Nhưng con gái tôi lại có lý hơn: mình không buôn bán hay sản xuất, con đi học, ba đi làm tối ngày, nhà chỉ là cái chỗ về nghỉ, ở chi cho xa đi mất thì giờ lại hao xăng. Thế là phương án chung cư được chọn, một vuông phòng bít bùng 50m2, trên tầng 3 khu Bàu Cát.
Vào sống ở chung cư tôi mới biết, ở đây là một tập hợp những con người từ những xuất xứ rất khác nhau, trong đó số không ít bước chân ra khỏi ruộng đồng còn chưa lâu (trong đó có tôi) với thói quen sinh hoạt, cung cách ứng xử… là của một nếp sống khác.
Cùng chọn một chung cư với tôi có vợ chồng anh bạn tên Ngọc, sau sáu năm lên thành phố, qua bốn lần thay đổi nhà trọ giờ mới làm chủ được một chỗ ở riêng. Thế là anh chị quyết định thực hiện cái mơ ước sinh đứa con thứ hai. Để không gián đoạn việc làm, sau khi vợ sinh, Ngọc về quê rước bà dì lớn tuổi, không chồng, con lên ở để giúp trông cháu. Mới mấy ngày đầu đã nghe bà phàn nàn là cùng sống liền tường, sát vách mà chẳng thấy ai hỏi han qua lại gì với ai. Thỉnh thoảng đi làm về, không thấy bà ở nhà, nghe đứa con lớn nói bà dì sang chơi với bà giúp việc nhà hàng xóm, vợ chồng Ngọc cũng yên tâm. Nhưng chỉ tuần sau thì chị láng giềng gọi vợ Ngọc ra phàn nàn rằng, không chỉ sang chơi mà bà còn can thiệp quá nhiều vào chuyện nhà người ta. Con người ta ăn cơm bằng muỗng bà cũng “dạy”, sao không tập cho nó ăn bằng đũa, không khéo lớn nó lại ăn bốc. Không chỉ can thiệp bằng lời, bà còn tự tiện xộc vào nhà người ta từ buồng tớp bếp. Hỏi ra bà không chỉ qua nhà này mà còn lân la gần hết một tầng của chung cư. Tình thế buộc Ngọc phải can gián bà trong việc quan hệ với hàng xóm. Thế là bà giận, bỏ về quê. Không phải bà giận vợ chồng Ngọc mà bà giận cái cuộc sống lạnh lùng không ai quan hệ với ai của chốn chung cư. Báo hại Ngọc phải chạy khắp nơi tìm người giúp việc để vợ không mất sở làm.
Nhiều phen tôi cũng lâm vào tình cảnh éo le. Một ông bạn thời “bưng biền” từ Cà Mau lên thăm lại mang cho một hũ mắm cá lóc. Không chỉ mang cho, ông bạn còn tình nguyện vào bếp để chế biến món mắm kho. Tôi đang hít hà vì lâu lắm mới ngửi lại mùi mắm thơm lừng, chợt hành lang nhà bên có tiếng nói lớn vọng sang: “Bên ấy đun nấu món chi mà tanh tưởi thế!”. Do lu bù bài vở, cái máy giặt nhà tôi mỗi tuần mới được con gái tôi vận hành một lần. Lại nghe: “Sao ngày thường không giặt giũ. Có chủ nhật nghỉ ngơi lại rầm rầm thế này?”.
Nép mình sống ở chung cư hơn năm năm, khi nhà có thêm thành viên, dù phải đắp vá vay mượn, tôi quyết định thực hiện giấc mơ mảnh đất nhỏ, căn nhà nhỏ ở mãi ngoại thành, vùng Bà Điểm. Con gái tôi lập gia đình và vẫn tiếp tục cuộc sống đi nhẹ nói khẽ chốn chung cư tới mười ba năm. Khi cuộc sống đã tương đối ổn, quyết định làm mẹ, nghĩ tới chuyện chạy nhảy của con, con gái tôi mới thấy cái sự “cổ hủ” luôn thích được đi trên đất của ba nó là có lý. Sau khi rời chung cư xuống đất, một bữa nó sang nhà tôi chơi cả buổi, trông có vẻ đắn đo ngần ngại. Là nó muốn xin tôi cho đem bàn thờ của ông anh Hai tôi về nhà nó. Nguyên tôi có ông anh thứ hai đi bộ đội, chết trận năm mới mười chín tuổi, chưa vợ, chưa con mà lâu nay tôi vẫn thờ cúng. Không chỉ chuyện thờ cúng báo hiếu, nó còn muốn con nó lớn lên biết được trong nhà còn có những người ruột rà xa khuất. “Sao hồi tao dời khỏi chung cư, mày không nói cho tao để bàn thờ của bác Hai mày lại luôn”, tôi hỏi. “Hồi đó con cũng có tính, nhưng cứ nghĩ nhà tầng trên tối ngày người ta cứ ngồi bên trên bàn thờ bác Hai, nên con muốn ba đem đi”. Tôi cứ tự trách mình cớ sao từng ấy năm ở chung cư mà điều này tôi không nghĩ tới?…
Chọn một nơi ở, hoá ra là chọn cho mình một nếp sống, cách sống. Nếp sống ấy cũng không phải do mình tự ý nghĩ ra, tự ý mong muốn, nó có rất nhiều dây mơ rễ má với quá khứ của một đời người.
Theo Nguyễn Trọng Tín – SGTT