Anh ta có chỗ nào không được? Cô gái nhún vai : “Kẹo không chịu nổi!”.
Tôi không bàn ra tán vô gì được nữa. Một anh chàng hà tiện thì con gái tránh xa bảy thước, bình thường.
Hai cô cháu im lặng đi bên nhau được nửa quãng đường viền quanh cái hồ. Đây chỉ là một cái hồ nhỏ, nằm gọn lỏn trong một công viên vắng vẻ, chỉ có lũ vịt trời đông đúc, nhởn nhơ. Tôi định bắt lũ vịt làm đề tài để đổi hướng câu chuyện đang tắc tị thì cháu tôi chợt nói, giọng tức tối : Cháu sẽ dọn ra, không share phòng với nó nữa. Mùa hè nóng gần chết mà nó nhứt định không mở máy lạnh, lại mở hết cửa sổ cho nắng vô nhà, rồi cởi trần ra ngồi dưới bóng cây; mùa đông thì vặn nhiệt độ xuống sáu mươi mấy (độ F). Cháu kêu lạnh, nó bảo mặc thêm áo vào. Nó khùng. Điện nước tính gộp trong tiền phòng, mắc gì phải hà tiện?
Tôi vừa há miệng toan lý giải thử là anh chàng này có lẽ giống ông chồng tôi, muốn rèn luyện cơ thể mình quen với những thay đổi thời tiết. Lý thuyết của ổng là một môi trường nhân tạo với nhiệt độ không đổi (70 độ F) bất kể ngày – đêm hay xuân – hạ – thu – đông sẽ khiến cho cơ thể mình mất tính đàn hồi, khó thích nghi với thời tiết khắc nghiệt (mà thời tiết sẽ ngày càng khắc nghiệt). Nên mùa đông phải để cho cơ thể chịu lạnh một chút, mùa hè thì tập cho nó chịu nóng một chút. Nhưng cháu tôi không để ý cái miệng tôi há ra rồi ngậm lại. Cô nàng nói một hơi : Cháu tìm mãi mới mua được một cái đèn để bàn tỏa ánh sáng hồng phấn ấm áp lãng mạn, nó lại đi thay vào cái bóng diode tiết kiệm năng lượng gì đó, ánh sáng lờn lợt khiến mặt mày trông tái lét như cái xác đã bị ma cà rồng hút máu. Đã vậy, cứ mỗi lần bước ra khỏi phòng là nó nhắc tắt đèn. Đâu phải cháu quên! Cháu muốn khi trở về nhà lúc chiều tối thì nhìn thấy cửa sổ phòng mình tỏa ánh sáng màu hồng thân thương. Nó bảo tốn điện vô ích.
Tôi bắt đầu hồ nghi anh bạn trai của cháu tôi là người “xanh”. Những người xanh cực đoan thoạt nhìn hơi quái. Họ đi xe đạp một cách hãnh diện. Xe đạp của họ nhiều khi gắn khẩu hiệu xanh, đại khái như “Hãy cho Trái đất một cơi hội!”, hay “Bốn bánh là quá nhiều, hai bánh là vừa đủ, ta đã chẳng có sẵn hai chân ư?” Có người tóc râu lùi xùi, có người quần áo lếch thếch, tưởng như dân hippi, nhưng có người gọn gàng sạch sẽ, khỏe mạnh gầy gầy vì chỉ ăn thực vật. Nhưng tôi cũng không tìm được cơ hội nào thốt lên ý kiến của mình. Cháu tôi đang cơn trút ra những ấm ức bấy lâu nay.
Cô nghĩ coi, gặp củ hành thúi cháu quăng thùng rác, nó lượm lại gọt bỏ phần thúi, ăn phần lành. Cháu mới nói hồi xưa má cháu cũng làm vậy, vì thời đó khó khăn thiếu thốn. Bây giờ ở nước Mỹ thừa mứa này, mình cũng đâu có nghèo, một củ hành tính ra có mười xu (cháu mua một bao 5 kí, lúc sale có mấy đồng), sao phải hà tiện dữ vậy? Cô biết nó nói gì không? Save (tiết kiệm) nửa củ là save được năm xu! Nhưng cháu ghét nhất là đi ăn tiệm với nó : Cái gì cháu không ăn hay ăn không hết là nó gom về nhà, bữa sau hâm lại ăn tiếp. Mà không phải kêu bồi của tiệm để đồ ăn vô mấy cái hộp to go cho mình xách đi đâu. Nó móc trong ba-lô ra cái hộp của nó, tự vét sạch sành sanh các dĩa. Nó nói hộp đựng bữa ăn trưa của nó xài rồi rửa sạch xài lại, bớt được rác vì khỏi dùng mấy thứ hộp xài một lần rồi bỏ của nhà hàng.
Tôi bật cười không đừng được, ngắt lời cháu tôi để thử kiểm tra lý lịch nó : Có phải tổ tiên nó là dân xì-cốt (Scotland)? Không, ông bà nó di cư từ Ba Lan. Nó học khoa Môi trường? Không, môn chính của nó là Lịch sử Nghệ thuật. Nó mắc nợ to hay từng trải qua tuổi thơ thiếu đói? Chắc không, nó sanh ra ở Mỹ, cha nó là bác sĩ.
Vậy thì, tôi suy ra, chàng trai đó không hà tiện đâu, mà là người tiết kiệm. Có thể là một cách sống do anh ta chọn lựa, có thể là những nề nếp thói quen được rèn tập từ nhỏ trong gia đình. Tôi biết một gia đình Mỹ, hai vợ chồng đều đi làm, lương cao, nhưng họ sống giản dị, tiết kiệm, của bố thí nhiều hơn tiêu xài. Có dịp ở trong nhà họ một thời gian, tôi để ý mấy chi tiết này : Cuối bữa ăn, họ dùng bánh mì lau sạch cái dĩa của mình rồi ăn mẩu bánh đó. Đồ ăn thừa, dù nửa củ khoai, cũng cất vô tủ lạnh, chứ không bỏ thùng rác. Mỗi người con ăn xong tự cầm cái dĩa đi tới vòi nước tráng sơ qua rồi đặt vô máy rửa chén, bà mẹ chỉ việc bấm nút cho máy chạy. Công tắc đèn buồng tắm ở ngay bên cửa, cứ bước vô bước ra là tay bật hay tắt đèn như một phản xạ. Những người con trưởng thành đều có những thói quen như vậy, không hề nghĩ rằng mình hà tiện.
Có lần, tôi thổ lộ với họ là tôi ước ao xem một vũ kịch ở Nhà hát nhưng tiếc 120 đô mua cái vé. Họ lẳng lặng mua vé, để trong một chiếc phong bì rất đẹp có kèm một tấm thiệp, đặt trên dĩa ăn của tôi vào bữa ăn tối ngày hôm sau. Trong thiệp ghi là họ hạnh phúc nếu tôi toại nguyện. Tôi nghĩ riêng cái thiệp và phong bì đó cũng giá năm bảy đô, bày ra thêm chi cho màu mè, khi mà họ có thể đơn giản đưa cái vé cho tôi và nhìn thấy tôi sướng rơn, thậm chí nhảy cẫng lên. Vậy mà khi tôi luýnh quýnh mở bóp, làm mấy đồng xu rớt ra, tôi ngó theo, thấy chỉ là đồng một xu nên không nhặt lại. Ông chủ nhà – lúc đó 74 tuổi, thường chống gậy vì bệnh thấp khớp – đã chậm rãi cúi xuống lượm đồng xu lên cho tôi. Ổng còn nháy mắt nói : Một xu là một xu.
Cháu tôi kêu trời : Giống y chang thằng bạn cháu. Mà cô bảo không phải hà tiện à?
Lý Lan
Báo Sinh viên