Văn hào Antôn Sêkhốp và Onga Kníppe

Gần như suốt 5 năm kết hôn với nhau, Sêkhốp sống xa vợ, nhưng cuộc hôn nhân của họ được duy trì nhờ 800 bức thư họ viết cho nhau. Họ gặp nhau vào tháng 9 năm 1898 trong lúc Sêkhốp đọc giới thiệu vở kịch mới “Chim hải âu” của ông. Lúc đó ông 38 tuổi, còn Onga vừa tròn 30 tuổi.

800 bức thư trong 5 năm trời.

Trong suốt những năm ấy, Sêkhốp và Onga viết cho nhau mỗi người chừng 400 bức thư. Về sau, những bức thư này được công bố bằng tiếng Nga và tiếng Anh. Những lá thư trao đổi của họ diễn ra vào thời kỳ lịch sử đối với Nhà hát Hàn lâm Nghệ thuật, khi nhà hát ra đời và dựng 4 vở kịch của Sêkhốp, vở nào Onga cũng đóng vai chính.

Những bức thư trao đổi giữa họ đề cập đến nhiều biến cố trong cuộc đời, chẳng hạn, việc Onga bị sẩy thai và đau ốm vào năm 1902, những ngày bình phục chậm chạp của nàng, rồi tiếp đấy là việc sức khỏe của Sêkhốp suy sụp và tắt dần vào lúc ông biết vở “Vườn anh đào” – vở kịch cuối cùng của ông và được công diễn lần đầu tiên trên sân khấu Nhà hát Hàn lâm Nghệ thuật vào tháng giêng năm 1904. Họ ngừng viết thư cho nhau vào tháng 4 năm 1904, khi Sêkhốp trở về Mátxcơva để cùng Onga sang Đức, nơi ông qua đời vào ngày mồng 2 tháng 7 năm 1904 tại Bađenvâyle.

Hoàn cảnh họ thư từ với nhau thật khác thường : Onga bận ngập đầu với công việc ở nhà hát, Sêkhốp thì lúc nào cũng đau ốm, và họ lại ở rất xa nhau. Onga thường viết thư cho Sêkhốp hoặc là từ nhà hát (nàng nán lại nhà hát sau buổi diễn để viết thư cho ông), hoặc từ nhà riêng (sau khi đã mệt mỏi vì một tối vui nào đó kéo dài suốt đêm), hoặc trong lúc ngồi trên tàu hoả từ Ianta trở về Mátxcơva. Còn Sêkhốp thường viết thư cho nàng từ Ianta, vào những lúc hoặc là buồn nhớ vì cô đơn, hoặc khao khát mong được nghe tin từ nhà hát, hoặc vào những lúc bị cơn đau hành hạ.

Mặc dù mối quan hệ giữa họ mang đầy tính bi kịch, nhưng họ vẫn tiếp tục thư từ cho nhau và việc trao đổi thư từ này đã tiếp thêm sức sống cho cả hai bên. Onga là sợi dây mong manh duy nhất duy trì mối liên hệ giữa Sêkhốp với Mátxcơva và với Nhà hát mà ông xiết bao mong nhớ. Còn về phần Onga, nàng cố tìm mọi cách làm nhẹ bớt “tội lỗi” trước người chồng đang tàn dần mà nàng không có điều kiện sống bên cạnh để chăm nom, săn sóc. Hơn nữa, nàng hiểu rằng, ông không chỉ là nhà viết kịch nổi tiếng nhất nước Nga, mà còn bảo đảm thành công cho sự nghiệp diễn viên của nàng.

Họ đề cập đến những gì trong các bức thư?

Tình trạng bệnh tật của Sêkhốp càng nặng thì những lá thư ông viết càng ngắn (“Hôm nay anh ăn súp và trứng, anh không thể chịu nổi thịt cừu nữa”). Còn những lá thư của Onga thì ngày càng tuyệt vọng hơn (“Em cảm thấy thật xấu hổ khi dám tự gọi mình là vợ anh”). Mặc dù vậy, thư của cả hai đều rất dịu dàng âu yếm. Onga viết thư đúng phong cách nàng thể hiện trên sân khấu : say đắm, nồng nhiệt, gọi Sêkhốp là “anh yêu”, “anh thương mến”, còn ông viết thư đúng như phong cách sống của ông, gọi nàng bằng đủ mọi kiểu khác nhau (chẳng hạn “Con mèo nhỏ của anh”, “Con ngựa nhỏ của anh”) nhưng không bao giờ gọi ra tên riêng “Onga” của nàng.

Công việc hoá ra không hề dễ dàng đối với Sêkhốp, ông viết : “Tài năng viết kịch của anh đã cạn”. Onga vào vai trong các vở kịch của Sêkhốp đúng như ông góp ý cho nàng trong các bức thư của ông, còn ông nhờ các bức thư của nàng mà biết được tin tức về các buổi diễn tập và công diễn.

Những lá thư trao đổi giữa hai bên còn rọi ánh sáng vào bản tính bí ẩn của Sêkhốp. Ông không tha thiết lắm chuyện hôn nhân. Rất có thể bởi vì ông phải gánh quá nhiều trách nhiệm về tài chính – trong nhiều năm trời, ông phải giúp đỡ về kinh tế cho gia đình đông đúc của ông.

“Được, tôi sẽ lấy vợ nếu anh muốn thế” – ông viết như vậy cho người chủ xuất bản của mình là Xuvôrin vào năm 1895 (năm đó, ông có quan hệ yêu đương với ít nhất là ba phụ nữ và một người trong số đó có thể đã trở thành nguyên mẫu nữ nhân vật chính trong vở “Chim hải âu”).

Sau khi gặp Onga Kníppe, Sêkhốp đã nhận được những gì ông muốn. Một số nhà viết tiểu sử Sêkhốp cho rằng, cuộc hôn nhân của họ không thể lâu bền nếu như họ chung sống với nhau. “Tôi không có khả năng làm một việc phức tạp và khó hiểu như hôn nhân, và vai trò người chồng khiến tôi hoảng sợ” – Sêkhốp đã từng viết như vậy. Các nhà viết tiểu sử ông cũng cho rằng cả Onga cũng sẽ không thoả mãn với cuộc sống đời thường của gia đình.

Vũ Việt – Theo Guardian

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *