Cánh buồm nhỏ (NXB Thanh Niên – 2008) là tự truyện của nhà văn Lê Minh – con gái út văn hào Nguyễn Công Hoan. Bà hoàn thành cuốn sách ở tuổi 80, mà cách thể hiện như nhà văn Tô Hoài nhận xét: “Tôi đã đọc Cánh buồm nhỏ, vừa khoa học, vừa tình cảm, rất hay và công phu…”

Ám ảnh những lá thư

Gia đình nhà văn Nguyễn Công Hoan. Người đứng thứ hai từ phải qua là bà Lê Minh. Ảnh: TL

Quả là công phu, vì những lá thư của Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Chế Lan Viên, Bùi Hiển giúp bạn đọc hiểu thêm đời sống của thế hệ nhà văn cách đây hơn nửa thế kỷ. Hiểu thêm về tốc độ – ngày đó, bom đạn đến cực nhanh, mà nhịp sống về tinh thần tràn đầy lạc quan, đầy tình bằng hữu nhân ái, lại chậm hẳn. Những lá thư mà nhà văn Nguyễn Tuân gửi Lê Minh, quà cho bà có khi là hai chiếc hoa ban và một câu chuyện ẩm thực của canh hoa ban Tây Bắc có vị đắng hương nồng, có khi là mấy cái nấm Bình Liêu ở tận Hải Ninh, Vĩnh Linh, với những ám ảnh vùng giới tuyến ngày đó. Có thư Nguyễn Tuân khoe đang đi cấy và đắp bờ, trồng lúa nương và lúa nước ở Điện Biên Phủ; có thư Nguyễn Tuân ngậm ngùi chia sẻ với bà, vì bài viết của ông khi biên tập bị tỉa quá nhiều chữ. Khác hẳn với cách viết ngắn trong thư Nguyễn Tuân, nhà văn Bùi Hiển hào hứng kể về những ngày đi thực tế gặt lúa từ mờ đất đến tối trời, về nông thôn và thiên nhiên Đồng Hới đẹp tới nao lòng.

Trong những lá thư của nhà thơ Chế Lan Viên viết vào một thời gian khó, tật bệnh và đau buồn, ông rất biết ơn nhà văn Nguyễn Công Hoan, Lê Minh đã giúp ông vượt qua một chặng gập ghềnh của đời mình. Đó cũng là thời kỳ ông hoàn thành tập thơ Ánh sáng và phù sa, trong đó có một bài ông chép tặng bà Lê Minh: Suốt một đời ăn hạt gạo nhân dân/ Lần thứ nhất nhà văn đi học cấy/ Bỗng hối tiếc nghìn câu thơ nước chảy/ Chửa vì người bằng một bữa cơm ăn.

Lại gặp câu chuyện cảm động của bà Lê Minh với gia đình nhà thơ Hoàng Trung Thông trong phần kỷ niệm, thấy nhà văn Chu Văn viết về người công giáo, nhà thơ Phạm Hổ đi thực tế ở Nam Định, nhà văn Kim Lân đi thực tế nông thôn. Ấn tượng nhất là những lá thư của nhà văn Tô Hoài khi ông một mình một ngựa, tám ngày từ Lào Cai đi Phong Thổ – Lai Châu. Rồi ông nằm vùng ở Tây Bắc, Tú Lệ, Yên Bái. Ông viết: Cuộc sống mãnh liệt và quyến rũ nhường ấy, sẽ tạo ra ta. Và Tây Bắc đã trở thành một phần đời sống văn học của Tô Hoài, ông có tiểu thuyết Miền Tây, Truyện Tây Bắc, kịch bản phim Vợ chồng A Phủ… Vào những thập kỷ 70 và 80, Tây Bắc nghèo khó và hiu quạnh, thơ mộng đấy và cũng không ít hiểm nguy, nhà văn Tô Hoài đã chan vào Tây Bắc những trang viết tuyệt đẹp về thiên nhiên trong thư gửi nhà văn Lê Minh, ông cũng không quên động viên bà viết tiếp truyện vừa hoặc đọc một quyển sách hay nào đó.

Chưa có mấy quyển in thư của các nhà văn mà lại nhiều tư liệu, đầy ắp vốn sống của thời bao cấp như Cánh buồm nhỏ. Khác hẳn tác phẩm văn học, những lá thư có niềm vui nỗi buồn của trang viết, có sự động viên nhau về nghề. Trong thiếu thốn, các nhà văn Việt Nam ta chỉ nói về những chuyến đi, mô tả thiên nhiên trác tuyệt, và động viên nhau gìn giữ sức khoẻ, để lại cắm cúi viết. Không thấy cách rẽ ngang và tham vọng, chỉ thấy tính chuyên nghiệp, đi – đọc và viết, giản dị và chân tình.

Ký ức

Trong thiếu thốn, các nhà văn Việt Nam ta chỉ nói về những chuyến đi, mô tả thiên nhiên trác tuyệt, và động viên nhau gìn giữ sức khoẻ, để lại cắm cúi viết. Không thấy cách rẽ ngang và tham vọng, chỉ thấy tính chuyên nghiệp, đi – đọc và viết, giản dị và chân tình

Tôi vẫn hay gọi nhà văn Lê Minh là “bu” (như trong gia đình, các con cháu đều gọi mẹ và bà như thế). Nghĩa đen của nó là bu gà. Bà như chiếc bu gà che chắn cho cánh nhà văn trẻ chúng tôi, bà hiểu và thông cảm, luôn tạo điều kiện để nhà văn trẻ viết tác phẩm về đề tài công nhân, đề tài phụ nữ. Nhưng bà không đứng lệch, miễn là bảo vệ cho những cây bút trẻ được viết và tìm được chỗ mạnh của chính mình.
Bà không chỉ là tác giả của tiểu thuyết Hòn đảo một mình, Người chị, viết về nhà hoạt động cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai, người thợ máy Tôn Đức Thắng. Người đàn bà cầm bút ấy có khoảng 50 đầu sách văn học và sách nghiên cứu khoa học về đề tài phụ nữ và gia đình.

Bà tâm sự: “Hình như văn chương là cái duyên gắn bó với bu vì bu hoạt động cách mạng là chính, vì nhiều lúc câu chữ nó nhảy nhót trong đầu không viết không chịu được. Bu từng làm ở báo Văn, Văn nghệ, báo Nhân dân, tạp chí Tác phẩm mới, làm báo nhưng đêm về vẫn lụi hụi viết văn. Viết qua đêm là chuyện thường tình. Một lần thấy vợ nhà văn Nguyễn Khải đi mua mấy con gà giò về qua cổng hội Nhà văn. Hỏi ra mới vỡ lẽ, gà giò là để hầm cách thuỷ cho anh Khải ăn lấy sức viết tiểu thuyết! Đàn ông viết văn sướng nhỉ. Còn đàn bà chúng ta viết văn thì ai nấu cho mà vẫn phải cơm dẻo canh ngọt cho chồng con rồi mới yên lòng ngồi viết”.

Bu nấu ăn thì khỏi chê, món nào cũng ngon và công phu. Đã có lần bu dạy tôi nấu bún thang đúng kiểu Hà Nội xưa. Bu bảo là đàn bà phải biết rút lửa khi cơm sôi, biết nhen lửa khi gia đình gặp hoạn nạn. Và phải biết bình tâm.

Thời gian sẽ giúp con người giải quyết tất thảy những ái ố hỉ nộ, khi biết bình tâm.

Ngộ ra sự bình thản trong tâm là không dễ. Nhưng bu đã làm được, rất nhiều cuốn sách của người cha – nhà văn Nguyễn Công Hoan, bu đã tìm ra bản thảo đã mất kể cả những bản thảo từng bị kiểm duyệt, bị cấm in, để biên tập chọn lọc cho ra mắt bạn đọc.

Bà Lê Minh không chỉ làm nhiệm vụ hiếu đễ của người con đối với cha mà còn làm nghĩa vụ của một người trò nhỏ, một người bạn tin cậy của cha mình. Mới đây, bà và gia đình làm được một căn phòng nhỏ, một “bảo tàng văn học gia đình” để thế hệ sau hiểu thêm về giá trị sống của nhà văn Nguyễn Công Hoan.

Bà vẫn không ngừng viết và không ngừng đọc.

Hỏi bà về nghề văn, phục và nể ai nhất, bà trả lời: “Nguyễn Tuân và Tô Hoài. Riêng ông Tô này lao động khủng khiếp lắm, tuổi 90 rồi nhá, năm nay sắp xong cuốn sách nữa, mình chạy dài mới theo kịp cách lao động của Tô Hoài, cứ thấy ông ấy cười là xong cuốn sách đấy, mình đã là gì đâu mà kể” – Bu Lê Minh cười dài như thể chế giễu chính mình.

Theo Hoàng Việt Hằng – SGTT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *