Đêm thơ ASEAN – Hàn Quốc là cuộc trình diễn thơ đầu tiên tôi tham dự có tổng dợt. Buổi tổng dợt có ghi trong Lịch Hội nghị in ở mặt sau tấm thẻ tên đại biểu được phát cho mỗi nhà thơ. Vì tấm thẻ này được bọc nhựa tốt, có dây đeo chắc, tôi bèn dùng để cất luôn tấm thẻ mở cửa phòng, đeo lòng thòng trước ngực để khỏi làm mất. Cái resort này an ninh kỹ lắm, đến hành lang cũng có cửa và phải có thẻ chìa khóa phòng mới đi qua được.

Đến giờ tổng dợt, tôi lơn tơn từ bờ biển đi lên, la cà đấu láo với các nhà thơ khác, đùa cợt cái sự đọc thơ mà phải dợt trước. Chắc là có các Tổng thống, Thủ tướng, hay đại công chúng tham dự, nên không thể để xảy ra chuyện ngẫu hứng.

Thế là dợt (có quay phim, và tôi ngờ rằng, mục đích dợt là để quay phim). Sau khi ai nấy biết là mình phải làm gì, cả bọn ăn chiều vội vàng, rồi về phòng chuẩn bị. Đến giờ trọng đại, mỗi người lần lượt xuất hiện trong trang phục dân tộc của mình. Y như dạ hội hóa trang. Mọi người xúm xít nhau chụp hình, tán tụng áo quần của nhau.

Nhà văn – dịch giả Lý Lan trong Đêm thơ ASEAN – Hàn Quốc

Khi đêm thơ bắt đầu, cô nhà thơ Thái Lan Chiranan Pitpreecha chưng hửng : Hóa ra chỉ có các nhà thơ ASEAN và các nhà thơ Hàn Quốc đọc thơ cho nhau nghe với một nhúm khán giả là các nhà thơ ở đảo Jeju. Và các nhà thơ ở đảo có xe của Ban tổ chức đưa đến nơi, nên có vẻ ung dung thưởng ngoạn đến khi xe đón về. Vậy là quí rồi. Đêm thơ kể như thành công.

Tôi cũng nên tường thuật chi tiết một chút. Phòng đọc thơ được bố trí bàn ghế ngay ngắn giống như phòng học cổ điển dành cho khán giả và các nhà thơ chưa tới phiên trình diễn. Có tất cả 12 nhà thơ, chia làm 2 nhóm. Nhóm đầu ngồi trên dãy bàn chủ tọa thì nhóm sau ngồi dưới hàng khán giả, sau đó ngược lại. Có một cái bục để micro. Người đọc thơ phải đứng ở cái bục đó, nên đa số đọc thơ mà trông như giáo sư hay mục sư thuyết giảng. Mà thực ra thì một phần ba các nhà thơ có gốc giáo sư, một phần ba khác là chức sắc đương nhiệm, một phần ba còn lại chỉ đơn giản là nhà thơ.

Phía sau lưng diễn giả là một màn ảnh. Mỗi người đọc thơ bằng tiếng nước mình, bản dịch tiếng Anh và tiếng Hàn được chiếu lên màn ảnh cho khán giả đọc. Ấn tượng nhất chắc chắn là phần trình diễn của nhà thơ Vương quốc Cam Bốt Kim Pich Pinun. Thơ của anh, không biết bản tiếng Cam Bốt như thế nào, tạm dịch theo bản dịch tiếng Anh : Phải là bình yên thôi / Phải là nỗ lực và cố gắng / Phải là đoàn kết máu và thịt / Phải là sống trong thanh bình. Nhưng anh ngâm, hay hát lên, cả khán phòng thích thú. Sau đó có nhiều câu hỏi thêm về mối quan hệ giữa dân ca và thơ Cam Bốt. Pinun cho biết, có năm mươi mấy cách làm thơ và thơ đóng vai thiết yếu trong truyền thống văn hóa Cam Bốt. Người ta kể chuyện bằng thơ, những điệu múa, câu hát dựa vào những bài thơ… Coi lại tiểu sử thì thấy anh là Tiến sĩ Khoa học Nghệ thuật ở trường Khemarak – Phnom Penh, hiện là Trưởng Khoa Nghệ thuật Múa, và giáo sư nghệ thuật sáng tác thơ, đương chức Tổng Thư ký Hội Nhà văn Khmer.

Anh bạn thơ Lào Soubanh Luangrath cũng thuộc hàng chức sắc : Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thiếu nhi và Tổng Thư ký Hội Nhà văn Lào. Nhưng điều thú vị ở chỗ : sự nghiệp văn chương của anh phần lớn là dành cho thiếu nhi. Phương châm cá nhân của anh là : “Thế giới sẽ tươi sáng hơn nếu chúng ta tạo cơ hội và dành cho trẻ em những quyển sách tốt nhất”. Là tác giả của 15 quyển sách truyện và thơ cho trẻ em (cùng 700 bài báo khác), Soubanh lúc nào cũng tươi cười, hiền lành, gặp tôi là rủ “Đi!”. Anh biết nhiều tiếng Việt hơn một chữ “đi”, và biết hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng!” (Tạm dịch một đoạn thơ của Soubanh Laungrath từ bản tiếng Anh : Ngày nay, thế giới thay đổi, Lào cũng đổi thay / Lào muốn làm bạn với các nước gần xa / Chúng ta mong muốn hòa bình và tình hữu nghị / Để giữ gìn đất trời, Lào thiết tha hợp tác).

Thơ mà dịch từ tiếng này ra tiếng kia, rồi lại dịch từ tiếng kia ra tiếng nọ, thì có lẽ như “người chết hai lần, thịt da nát tan”. Nhưng có điều này, tôi trung thực ghi lại : Nghe hai nhà thơ Lào và Cam Bốt đọc những bài thơ của mình bằng tiếng nước mình, khán giả đều lặng đi vì nhạc điệu và nhiệt tình trong giọng đọc cũng như sự diễn cảm qua nét mặt cùng động tác thân thể của nhà thơ.

Thơ là gì là chuyện khó nói. Thơ mà phân chia hay “đánh giá” đẳng cấp là chuyện không nên. Thơ như tình yêu. Không thể lý giải hay phê phán rằng một người này yêu một người khác hay một cái gì đó là hay, dở, đúng, sai, tầm thường hay cao cả. Bản thân tình yêu là đẹp. Bản thân thơ là đẹp. Miễn là tình yêu chân thực. Có lẽ vì vậy mà người ta, nếu may mắn trong đời có một tình yêu, một người yêu mình, thì dẫu cả thế gian coi mình là đồ cà chớn, thì mình vẫn có thể hạnh phúc, tự hào. Chắc là thơ cũng vậy.

Đọc hay bình những bản dịch của thơ có lẽ giống giải phẫu tử thi, có thể cho mình một số kiến thức nào đó về cơ thể con người, bệnh tật hay nguyên nhân cái chết chẳng hạn. Qua những bản dịch tiếng Anh các bài thơ trình diễn trong đêm thơ này, tôi thấy những đề tài nghèo đói, bất công, khao khát tự do, hoài niệm dân tộc, ý thức quốc gia, cảm xúc cá nhân, tình yêu, suy tưởng triết học, và các quan hệ người với người, với cộng động, với thiên nhiên… được các nhà thơ khai thác trong bối cảnh xã hội hiện nay của đất nước mình. Những bài thơ đọc ở đây đều do tự tác giả chọn, và đa số người tham dự đêm thơ này đều đến với tư cách cá nhân là nhà thơ.

Khi nhận được quyển thơ in các bản dịch bằng tiếng Anh và tiếng Hàn, tôi đọc mà không xúc động gì. Chỉ tiếc không có bản tiếng gốc của những bài thơ. Chữ viết và hình thức trình bày của bản gốc có thể thú vị.

Bù lại, khi ngắm và nghe các nhà thơ trình diễn thơ mình bằng tiếng mẹ đẻ, tôi xúc động. Bất chấp không gian và những nghi thức có vẻ khô khan, không khí đêm thơ càng về đêm càng thân tình. Không cần “hiểu” bài thơ nữa, tôi chỉ để mắt mình ngắm mặt người và tai mình nghe tiếng người, để cái thoát ra ngoài hình thức của ngôn từ tự do tỏa lan và ngấm vào tâm tưởng của mình. Dễ mấy khi có cơ hội ở giữa những con người khác tiếng nói, khác màu sắc y phục, khác hoàn cảnh xã hội và lịch sử, giữa biển trời quanh một hòn đảo xa xôi, mà tự nhiên cảm thông an lạc như giữa bạn bè. Nên tôi xin được nói : “Cám ơn, thơ!”

Lý Lan – SGGP thứ bảy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *