Dù đã đi uống cà phê ở rất nhiều quán sang trọng, đẹp và độc đáo trong thành phố nhưng tôi vẫn thấy quán cà phê nhỏ trong xóm tôi là một nơi đặc biệt nhất. Có lẽ từ lúc còn bé xíu tôi đã là khách quen nên hình ảnh quán nhỏ nằm giữa xóm nhỏ khó có thể phai mờ trong tâm trí tôi. Vì vậy, mỗi khi đi uống cà phê với bạn bè tôi luôn tìm đến những quán mới, lạ để mong thấy được chút gì đó quen thuộc của ngày xưa…
Nơi tôi ở là một xóm lao động nghèo. Đa số đều là dân buôn bán nên mọi người thường dậy rất sớm và thức rất khuya. Gia đình tôi ngày đó cũng không khác gì, mẹ tôi bán hủ tiếu còn bà nội thì nhận phim về xỏ làm khung hình. Mẹ tôi chủ yếu bán buổi sáng cho đến giữa trưa nên phải thức dậy vào ba giờ sáng để chuẩn bị nấu nướng. Khi tôi còn nhỏ – tôi không nhớ mình được mấy tuổi và vẫn chưa đi học – không hiểu sao mẹ vừa lục đục nhóm bếp là tôi cũng dậy theo. Mẹ lui cui nấu nướng, tôi ngồi một bên vừa xem vừa ngủ gật. Được vài lần thì mẹ dắt tôi sang nhà nội – nằm sát bên nhà tôi – nhờ bà nội trông giúp vì tôi không chịu quay lại giường ngủ một mình. Lần nào tôi qua cũng thấy bà nội đang ngồi xỏ phim, lưng bà khom khom, cặm cụi xỏ xỏ, cắt cắt. Tôi đòi làm phụ nhưng bà không cho, bà nói nếu tôi chịu ngủ thêm một chút thì năm giờ sáng bà sẽ dẫn tôi đi uống cà phê chung. Tuy không muốn ngủ nhưng tôi vẫn cố nhắm mắt để được đi uống cà phê với bà nội. Như đã hứa, dù tôi có ngủ say thì bà nội vẫn lay tôi dậy và hỏi có muốn đi uống cà phê với bà không. Dĩ nhiên là tôi đồng ý ngay và hai bà cháu cùng nắm tay nhau đến quán cà phê nhỏ của bà Hai.
Lúc chúng tôi đến thì quán gần như không còn chỗ. Khách của quán đa số là những người già giống bà nội và họ cũng chỉ uống một ly cà phê đen nóng giống bà. Còn tôi thì được bà mua cho cái bánh giò cháo quẩy nóng hổi chấm với một chút cà phê đen san từ ly của bà ra cái dĩa nhỏ. Vị giòn mặn của bánh hoà tan với vị ngọt đắng của cà phê làm tôi cứ mê mẩn ăn hoài không ngán. Không chỉ thích ăn, tôi còn thích ngắm bà Hai pha cà phê. Mỗi khi hết cà phê, bà Hai liền múc thật nhiều cà phê bột cho vào một cái vợt giống cái vợt vớt cá được đựng trong một cái bình thân dài có cái vòi cũng dài. Sau đó, bà Hai chế nước sôi vào cái vợt đựng cà phê. Đậy nắp bình lại một lúc rồi rót ra ly cho khách. Bà Hai làm một cách nhanh nhẹn và điệu nghệ khiến tôi ngày ấy cứ mê mẩn nhìn.
Và rồi tôi chẳng nhớ mình không đi uống cà phê từ lúc nào. Có lẽ do bà nội bệnh một thời gian nên mẹ không dẫn tôi sang vì sợ làm bà mất ngủ hoặc cũng có thể do mẹ tôi nghỉ bán buổi sáng chuyển sang bán buổi chiều. Mẹ không dậy sớm thì tôi cũng không dậy sớm. Chẳng hiểu tại sao tôi lại quên mất lý do mình không tiếp tục đi uống cà phê sáng. Và tôi đã quên hoàn toàn kỷ niệm về những lần đi uống cà phê với bà nội cho tới khi tôi đi làm và quen dần với việc uống cà phê như một thức uống giải khát.
Một buổi sáng, tôi cố dậy thật sớm và theo trí nhớ tìm đến nhà bà Hai bán cà phê. Quán nhỏ vẫn còn nhưng khách không còn đông như xưa. Người chủ đứng bán là cô con gái của bà Hai. Hỏi ra mới biết bà đã giao tiệm cho con làm chủ gần năm năm vì tay bà bị liệt sau một cơn tai biến. Cô chủ nhỏ hiện đại không còn pha cà phê theo cách của mẹ mà dùng phin bự pha cho tiện. Tôi chợt thèm bánh giò cháo quẩy nhưng tìm mãi vẫn không thấy người bán.
Sau hôm đó, tôi không còn quay lại quán nhỏ trong xóm. Tôi sợ buồn khi nhìn thấy cảnh cũ mà người xưa không còn. Với tôi kỷ niệm đó luôn luôn đẹp và tôi cứ mãi đi tìm. Tôi tìm một chút gì đó của ngày xưa còn sót lại nhưng tất cả đã thay đổi. Ngay cả bà nội tôi bây giờ không còn thích uống cà phê sáng, mà chuyển sang nhâm nhi một ít trà đắng. Và dù rất muốn nhưng có lẽ tôi với bà sẽ không còn dịp cùng nhau chia sẻ một ly cà phê đen nóng.
Theo Lê Thị Anh Khoa – SGTT