Không bất ngờ, em từ chối làm nhân vật cho bộ phim tài liệu của bọn tôi về hôn nhân quốc tế.

Suốt mấy tuần tôi với anh đạo diễn thay phiên nhau lượn lờ ở sở Tư pháp. Mỗi thứ năm có một buổi phỏng vấn xuất cảnh cho những cô dâu không biên giới. Nhiều đôi rất hay, như anh đạo diễn nói, nhìn là ra phim. Có thể vì cách biệt tuổi tác hay ngoại hình, hay vẻ lo lắng bồn chồn, vẻ ngượng ngập xa xôi giữa hai người đã chính thức cưới hỏi, sống đời vợ chồng. Nhưng bọn tôi vừa ngỏ lời thì các cô lắc đầu nguây nguẩy, có cô còn cảnh giác lôi ông chồng ngoại quốc bỏ đi ngồi chỗ khác. Họ cảm nhận được từ đám công chức bọn tôi — những người được coi là hiểu biết – đang có sự kỳ thị, thiếu thiện chí, nói thẳng là khinh thường với những mối lương duyên kiểu này.

Chuẩn bị tinh thần người ta sẽ từ chối nên bọn tôi cũng chuẩn bị tinh thần quyết tâm đeo bám. Nhưng thuyết phục kiểu nào cũng không ăn thua. Chỉ em là phát ra một tia hy vọng khi xởi lởi hỏi lại, “Trời, anh chị kêu em lên truyền hình hả?”, nhưng ngay lập tức em dập lửa tắt ngóm luôn, “Thôi, hai vợ chồng em xấu lắm, vô tivi người ta cười”.

Em nói đúng một nửa, chồng em ngoại hình không đẹp, gương mặt lớn bành bạnh, gò má chân mày cái mũi đều thô. Anh ta lớn hơn em gần hai mươi tuổi, chân lại cà nhắc, được cái hay cười. Em mười chín, ngơ ngác như mới tan học ở trường cấp ba nào đó, mặt mũi khá đẹp, xinh xẻo. Một cặp vợ chồng ngồn ngộn chất liệu mà chúng tôi từng mơ ước có trong bộ phim của mình. Phỏng vấn lần đầu, em bị đánh rớt vì không trả lời được một câu bằng Hàn ngữ, “Sở thích của chồng chị là gì ?”, một tháng sau quay lại, đến lượt anh chồng ngẩn ngơ khi người ta hỏi tên quê vợ của anh, tên xóm, ấp, thuộc xã, huyện nào. Người cán bộ trực tiếp ngồi phỏng vấn, càu nhàu bằng tiếng Việt, “Trời ơi, anh lấy một cô làm vợ mà anh không biết cô ta thường trú ở đâu, gia cảnh ra sao thì kỳ quá…”. Và họ chỉ còn mỗi một cơ hội ở lần phỏng vấn thứ ba, nếu họ không vượt qua có thể cô dâu sẽ bị buộc ở lại Việt Nam vài năm nữa, hoặc vĩnh viễn không chừng.

Bọn tôi phải nói là thèm nhỏ dãi đôi nhân vật này, cuộc hôn nhân này, mối lương duyên nhiều bi hài kịch tính này, mối tình (thì như hai người nói là họ thành thật yêu nhau trước khi cưới) trắc trở này. Anh đạo diễn bàn, hay là đừng quay gương mặt họ. Phim sẽ ấn tượng, lạ, mà thông điệp vẫn rõ ràng, cô dâu quốc tế nào cũng từng ấy vui buồn, đây không chỉ là câu chuyện của riêng Hường riêng Mai, Trúc… Quan trọng nữa, với việc không xuất hiện trên màn ảnh bằng gương mặt, biết đâu em và chồng sẽ đồng ý bước chân vào phim.

Chữ “bước chân vào phim” này có thể hiểu theo nghĩa đen, nếu đúng như ý tưởng bọn tôi vừa phác thảo. Thay cho khuôn mặt là sự biểu cảm của những phần cơ thể khác. Là hai bàn tay em xoắn vặn lại tươm mồ hôi rối bời trước một câu hỏi bằng ngôn ngữ quê chồng. Là đôi chân đòng đưa vô tư như trẻ con khi ngồi băng đá ngoài hành lang, bên cạnh người chồng chỉ một chân trầm tư chấm đất. Là đôi vai nhỏ bé hơi rụt lại bên cạnh đôi vai lớn khuỳnh khuỳnh. Là đôi giày hở mũi rẻ tiền chi chít nhiều đường may bằng chỉ trắng, chật vật không giấu nổi bàn chân con gái nhiều vết chai. Là những bước đi cuống cuồng, hấp tấp trên con đường về nhà, khi qua một quán nước đầu xóm Xẻo Chà, vẳng ra vài tiếng thanh niên chọc ghẹo. Những khuôn mặt cười cợt, ánh mắt soi mói đó làm cho vợ chồng em càng trở nên dấp dúi, tấp tểnh hơn. Và biết đâu bọn tôi sẽ bắt gặp một gã trai nhìn theo bằng đôi mắt rất buồn. Chi tiết này sẽ gây cảm động cho mà coi, tất nhiên đây là bọn tôi mơ ước vậy.

Phần âm thanh bọn tôi thu trực tiếp, cả những ấp úng ngập ngừng trong cuộc đối mặt với người bên tư pháp; cả những ngây ngô, chân chất khi trao đổi cùng bọn tôi; cả những ngơ ngác, nhọc nhằn khi đôi vợ chồng nói chuyện với nhau. Múa may hết kiểu mà không hiểu, thỉnh thoảng người chồng cau mặt, lật lạch xạch cuốn đàm thoại Hàn – Việt cấp tốc nhàu nát ra, dầm cái ngón trỏ ngắn như trái chuối cau mẳn vào một câu nào đó, em ngồi bối rối bẻ những ngón tay lắc cắc. Hình ảnh nói thay cho lời bình. Hình ảnh đau cho thân phận. Hình ảnh xót cho sự thật. Nhưng tất cả, là mường tượng mơ mộng của bọn tôi.

Em lắc đầu nói thôi, bàn tay của em xấu lắm. Hồi trước, đi mần cỏ mướn bị dao cắt trúng ngón út chút nữa là đứt lìa, giờ nó quẹo đơ, ngó sơ bàn tay là trong xóm em nhận ra em, rồi đồn đãi rùm trời. Nhà em người ta cũng đâu có xa lạ gì, mới xây tường lại thay cho cái nhà cũ mối ăn gần sập. Mà chân chồng em bị tật như vầy…

Theo Nguyễn Ngọc Tư – SGTT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *