Gặp một giáo sư kinh tế, không xa lạ cũng chẳng quen thân, đại khái lâu lâu mới chạm mặt một lần, khoảng một phút trong thang máy, chào một tiếng, nhoẻn miệng cười một cái, rồi thấy làm thinh cũng buồn, nên hỏi chơi : Tại sao kinh tế thế giới hè nhau đổ đốn ra thế? Ông bảo : Tại người ta tham quá. Tôi làm bộ phản biện : Chẳng phải tham là một đức tính trong kinh doanh sao? Thang máy đã tới tầng của ông giáo sư, ông chỉ kịp nói : “Đúng vậy!” rồi gút-bai luôn.

Thắc mắc về kinh tế thế giới của tôi cũng hết. Tuy nhiên, trong đoạn thang máy còn lại và đoạn đường tiếp theo, tôi chẳng còn ai khác để thảo luận đề tài khác, nên đầu óc tiếp tục lởn vởn vài kiến thức kinh doanh sơ đẳng. Đại khái, mục đích kinh doanh là lợi nhuận, tức là động cơ kinh doanh là lòng tham, và mánh lới kinh doanh là lợi dụng lòng tham của con người. Chẳng hạn, một xị (250ml) nước ngọt là vừa mức tiêu thụ một lần cho một người (đã được nghiên cứu rất kỹ và rất ư khoa học), nhưng để kích cầu, hay để cạnh tranh, chai 330ml được tung ra kèm quảng cáo : To hơn, nhiều hơn, ngon hơn, đã hơn… mà chỉ bằng giá chai một xị. Tôi chọn chai nào? Đương nhiên, chai 330ml. Thì tôi cũng tham, như mọi người thôi.

Cho nên, mở xấp thư từ, tạp chí và giấy quảng cáo bưu điện đưa tới, thấy cái nào giống chi phiếu là mắt tôi sáng lên, bóc ra coi ngay. Rõ rành rành, chi phiếu ghi số tiền 125 đô của nhà băng Chase thưởng. Giật mình, rồi trấn tĩnh lại. Chuyện này, tiếng Anh có thành ngữ là “Too good to be true” – quá tốt đẹp đến nỗi không thể nào là thật. Hồi thuở ban sơ mới về , ông chồng đã cẩn thận dạy vợ đề phòng cảnh giác với những trò lừa đảo, dụ dỗ, chài mồi… ở nước Mỹ, cả bất hợp pháp lẫn hợp pháp. Chẳng hạn, những cú điện thoại chúc mừng bạn trúng thưởng một chuyến du ngoạn ở Las Vegas vào cuối tuần, hay những phiếu tặng hàng miễn phí gởi qua bưu điện. Những trò này, tiếng Anh là “scam” hay “ripoffs” hay “consumer fraud”, gồm từ những mánh khóe cổ điển đến tinh vi, có thể xảy ra ở mọi nơi chứ không riêng Mỹ; nhưng ở Mỹ, các di dân thường là mục tiêu của những scam này, vì nhiều người không đủ Anh ngữ để đọc hiểu hết những điều khoản ràng buộc tinh vi (thường ghi chữ nhỏ rí ở góc cuối hay mặt sau giấy tờ), dễ mắc bẫy, hoặc khi biết đã bị lừa thì đành cam chịu.

Thí dụ, một người nhận được thư báo tin trúng thưởng 10.000 đô, được trả làm hai lần, thư kèm theo một chi phiếu 5.000 đô. Để nhận nốt 5.000 đô còn lại, người trúng thưởng phải thanh toán một số dịch vụ phí, thuế má hay chiết khấu gì đó, khoảng 500 đô, bằng phiếu chuyển tiền (money order) trước thời hạn nào đó, quá hạn đó, số tiền thưởng còn lại sẽ bị hủy. Bỗng dưng có tiền, đối với người như ông chồng tôi là chuyện “Too good to be true” ở nước Mỹ. Kinh nghiệm cả đời ông là cái gì cũng có giá, và nếu mình không phải trả ngay thì có nghĩa là mình đã trả trước hoặc sẽ trả sau, không trốn đi đâu được, đừng có mơ màng chuyện tiền từ trên trời rớt xuống khơi khơi. Nhưng vẫn có người cầm tờ chi phiếu nghi hoặc, thử đem ra nhà băng coi sao, nhà băng nhận, không có vấn đề gì. Thế là về nhà thao thức đắn đo, còn 5.000 đô nữa, không nhận thì uổng quá, mà thời hạn sắp hết, gấp quá rồi, không thể nghĩ tới nghĩ lui, vả lại, đã được 5.000 đô thì dù có mất 500 đô chi phí gì đó, thì cũng còn lời chán; mà dẫu toàn bộ vụ này mình vẫn chưa rõ đầu cua tai nheo ra sao, thì trước mắt, mình chỉ được tiền chứ có ràng buộc gì đâu! Thế là cắn câu. Mua ngay cái phiếu chuyển tiền gởi phát chuyển nhanh cho kịp hạn, rồi hồi hộp chờ. Vài ngày sau, tiền mình gởi chắc người ta nhận được rồi, còn cái chi phiếu mình đã nạp cho ngân hàng thì té ra không có tiền trong tài khoản, hoặc tài khoản đã đóng mất tiêu rồi!

Cho nên, ông chồng dặn đi dặn lại là đừng có tham, mấy cái thư dụ dỗ đó cứ liệng vô thùng đựng giấy tái chế, còn mấy cú điện thoại scam đừng có mất thì giờ trả lời, nếu muốn tỏ ra lịch sự thì có thể nói là : “Cám ơn, nhưng tôi không quan tâm” rồi cúp máy. Khổ nỗi, tôi vừa tham vừa tò mò. Cho nên, bữa nghe điện thoại : “Chúc mừng, bà trúng thưởng một chuyến du ngoạn 3 ngày đến Las Vegas”, tôi bèn hí hửng hỏi chi tiết ra sao, có phải đóng thêm chi phí không, đi đứng cách gì, ăn ở ra sao, ngày giờ thế nào. Mọi câu hỏi đều được trả lời trơn tuột, nghe rất hấp dẫn, xem ra vợ chồng sắp được một chuyến du hí cuối tuần không tốn xu teng nào. Vậy OK nhé? OK. Bây giờ, xin bà cho phép tôi xác nhận lại các thông tin cần thiết : họ tên bà và người cùng đi (Ngẫm nghĩ một giây, hợp lý : Cần có tên họ chính xác để đăng ký vé máy bay và đặt phòng khách sạn chứ!) Địa chỉ à? Ừ, cần có địa chỉ để gởi vé và các thứ đến nhà chứ. Số thẻ tín dụng … Hả? Tôi ngập ngừng rồi nói dối : Không có thẻ tín dụng. Không hề gì, số thẻ an sinh xã hội của bà là… ? Lại nói dối : Tôi không có. Câu chuyện bỗng nhạt nhẽo vì xem ra mục tiêu vụ này là gạ lấy những thông tin cá nhân quan trọng đó : Nếu bà không cung cấp đủ thông tin thì chúng tôi không thể chuyển phần thưởng đến cho bà. Tôi tỏ ra tiếc nuối. Vậy là tôi hụt một chuyến đi chơi, còn ai đó thì sẩy một con mồi.

Khi cầm cái chi phiếu 125 đô tiền thưởng được gởi tới nhà bữa nay, tôi nghĩ ngay nó là một scam, vì từng nghe một câu chuyện na ná : Một người nhận được thư của một nhà băng tín dụng, ghi đúng tên và địa chỉ anh ta, trong đó có một chi phiếu 125 đô. Anh đem tới nhà băng, ký một cái tên, lãnh ngay tiền mặt về ăn nhậu một bữa, bỗng dưng có tiền mà. Ba tháng sau, anh nhận được giấy đòi nợ gần 300 đô. Anh nghĩ mình đâu có nợ nần gì, bèn quăng tờ giấy đi. Tháng sau, giấy đòi nợ khác được gởi tới, số tiền tăng lên hơn 400 đô, nhưng anh cứ phớt lờ. Một năm sau thì nợ ngập cổ. Anh ta đinh ninh có sự nhầm lẫn gì đó, không thèm trả nợ . Nhưng ở Mỹ có hãng chuyên đòi nợ, họ đòi cả vốn lẫn lãi phát sinh cộng thêm chi phí mình phải trả cho họ đi đòi nợ mình! Và pháp luật không đứng về phía anh chàng ba chớp ba nháng : Hãng tín dụng nắm trong tay tờ giấy anh ký mượn 100 đô (được thưởng ngay 25 đô) với mức lãi suất ba bốn chục phần trăm. Những điều khoản chi tiết đều có ghi trong tờ giấy, anh ký cái rẹt mà không đọc kỹ (hoặc không biết đọc).

Tôi khôn hơn chứ, mở tự điển sẵn sàng, vừa đọc vừa tra cứu xem cái chi phiếu này là sao. Đọc hết chữ to chữ nhỏ, tôi không thấy chỗ nào có vẻ có bẫy ngầm. Rõ ràng, nhà băng bảo đem cái coupon này ra chi nhánh của nó, rồi mình dùng thẻ của nhà băng nó mua sắm 5 lần, thì mình sẽ được thưởng số tiền đó (tự động nạp vào tài khoản của mình). Tôi nhẩm tính, đằng nào mình cũng dùng thẻ để mua sắm, không mua bằng thẻ này thì cũng mua bằng thẻ khác. Thường thì tôi mua sắm lặt vặt, năm mười đồng một lần, 5 lần có thể chưa hết 125 đô. Tính ra chẳng có lời sao? Ông chồng không thèm đọc gì hết, chỉ liếc qua đã gạt bỏ : “Too good to be true”. Nhưng tôi cứ nhìn con số 125 đô mà đắn đo cân nhắc : Hay là cứ đem coupon ra nhà băng coi sao, nếu không, bỗng dưng có tiền thì cũng có chuyện để viết một bài báo mà gỡ gạc chút đỉnh.

Lý Lan 
Báo Sài Gòn Giải Phóng Thứ bảy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *