Ngày xửa ngày xưa, bà ngoại tôi có nuôi một con heo mọi. Nó đen như con chó mực, và chỉ lớn hơn con chó một chút xíu. Suốt ngày, con chó với con heo đóng vai hai hoạt náo viên chính trong sân và vườn. Tôi là nhân vật thứ ba, trọng lượng xuýt soát con heo mọi. Tôi biết vậy vì thỉnh thoảng, cậu tôi quắp con heo mọi trong một cánh tay, tay kia quắp tôi lên đối chứng, rồi lắc đầu : Chưa con nào gả được. “Gả” đứa con gái là đưa nó về nhà chồng, còn “gả” con heo là giao nó cho lái heo. Phải tránh nói “bán” vì con heo nhạy cảm lắm, nói bán nó là nó buồn, bỏ ăn.
Hồi nhỏ, tôi thấy bà ngoại tôi kỳ lắm. Tôi thì lúc nào cũng bị ép ăn, con chó thì không bao giờ được cho ăn, còn con heo mà bỏ ăn thì ngoại lo lắng, nhưng nó đòi ăn thì ngoại rầy! Cơ bản thì ba đứa tôi đều biết tự kiếm ăn trong ngày. Sáng sớm là tụi tôi chạy ra vườn. Mùa xuân, bông sầu riêng rụng đầy vườn, chứa đầy mật ngọt lừ. Tôi lượm bông tươi nhứt, ngửa cổ, cầm cái bông rót mật vào miệng, ực một cái, khà một cái, như người lớn uống rượu đế. Con chó mực thì thè lưỡi liếm láp. Con heo mọi nhai ngốn ngấu cả cái bông. Nó ăn tham nhứt nên nó say trước nhứt, lử đử lừ đừ, bị con chó sủa cho mấy phát, lại bị rượt chạy vòng vòng một chập.
Tuy thường chơi với con chó và con heo, tôi vẫn có những hoạt động riêng mà heo, chó không tham gia được, như theo bà ngoại đi chợ, theo ông ngoại đi đám giỗ, theo cậu đi chăn trâu, ra quán chơi với bầy trẻ Xóm Lu, tỉnh thoảng còn được dì dắt đi làm bình phong cho một cuộc hẹn hò. Tất cả những hoạt động đó, tôi đều được thưởng hay hối lộ quà này bánh nọ. Nói chung, tôi luôn có ăn suốt ngày. Và tôi hoàn toàn không biết con chó và heo suốt cả ngày ăn cái gì?
Chiều tối, ngoại vãi lúa bên hè để dụ gà về chuồng ngủ, heo và chó cũng kéo về ỏm tỏi. Ngoại thường vét hết cơm cháy canh cặn trộn chút cám và nước vo gạo để phần cho con heo. Nó tợp tợp mấy cái là sạch bách cái máng, rồi ủi ủi mõm vô chân bà ngoài đòi ăn thêm. Thế nào nó cũng bị khỏ đầu đuổi đi. Kỳ lạ là ăn như vậy mà con heo vẫn mạnh sân sẩn, lớn đều đều. Còn con chó ăn gì, là một bí mật.
Nhờ ăn uống bí mật, con chó mực không lớn nữa, trong khi con heo mọi bỗng nhiên “phát tướng” mập ù ù. Rồi một hôm, cậu tôi dắt tôi đi chăn trâu, lên tuốt Gò Đình hái bông mua và trái cơm nguội, lại ra lò đường mua mấy cục kẹo ú ngọt cay vị mật mía ngào gừng. Chiều tối về đến nhà thì tôi biết ngay bà ngoại đã “gả” con heo mọi rồi.
Ngoại sợ tôi buồn, nhưng tôi lại là người an ủi ngoại và vỗ về con chó mực. Nó chẳng thèm chạy nhảy gì nữa, chỉ nằm dài ở góc sân nhìn ruồi bu miếng lá chuối, rồi nắng lên lá khô cong, rồi gió lên cuốn lá bay đi. Mọi khi, tôi ăn xong gói xôi, vừa liệng miếng lá ra là con chó lẫn con heo nhào ra giành ăn, con chó thì liếm lấy liếm để, con heo thì đớp được miếng lá nào là nuốt trọng luôn. Vắng con heo mọi, con chó bỗng khác tánh đổi nết.
Hồi trước, tôi ưa lượm lông gà, trét mủ mít, dán cái lông gà lên chót đuôi con chó. Nó phải ngoắc đuôi ra trước, xoay đầu ra sau, cố dùng mõm gỡ cái lông ra, mà không sao khiến cho đầu đuôi gặp được, cứ xoay vòng vòng tại chỗ. Con heo mọi lúc đó cũng chạy vòng vòng quanh con chó, khiến con chó khùng thêm. Bây giờ vắng con heo rồi, con chó nhìn cái lông gà phất phơ ở chót đuôi nó bằng ánh mắt ngao ngán, chán phèo một trò trẻ con.
Thì ra con heo mọi, chứ không phải tôi, mới thiệt là bồ tèo chí cốt của con chó mực. Bà ngoại, dù đối xử bất công rõ ràng, hoá ra thương con chó hơn con heo. Ngoại vỗ về nó là ngoại sẽ đón một con heo khác về cho nó làm bạn. Nó không ừ hử gì cả, như khinh miệt lời nói ngây ngô như lời con nít của một bà già : Có phải cứ có một con heo con nhí nhố bên cạnh là có bạn đâu.
Mà đúng vậy. Ít bữa sau, ngoại đón heo mới về, hai con luôn. Ngoại thả xuống cạnh con chó mực hai con heo con mà ngoại úm trong cái khăn rằn đặt trong giỏ tre. Con chó mực cũng chỉ nằm khoèo ở góc sân, nhìn hai con heo con chạy giỡn lăng quăng với ánh mắt trầm tư hờ hững. Mà mới ngày nào, tôi vẫn nhớ, con heo mọi vừa được thả ra là con chó mực vồ lấy ngay, khiến con heo chạy trối chết, lủi vô bụi chuối, bị kẹt trong đó, con chó mực sủa khản tiếng, rồi cào, bới, ngoạm gãy mấy mụt chuối con mới cứu được con heo mọi.
Ai cũng có một thời thơ trẻ thôi, con chó cũng vậy. Đành là nay nó đã già. Nhưng còn gì buồn cho bằng khi già nằm khoèo một xó nhớ bạn?
Lý Lan
Theo Tia Sáng