Lâu nay chúng ta hầu như chỉ mới hội nhập văn học một chiều. Khâu đưa văn học thế giới vào Việt Nam đã làm khá tốt, thậm chí có lúc quá thái. Nhưng khâu đưa văn học Việt Nam ra thế giới thì chưa thấm tháp gì.
Trong thời đại toàn cầu hoá, hội nhập văn học là xu thế tất yếu, là yêu cầu không thể thiếu đối với bất kỳ nền văn học nào, trong đó có Việt Nam. Hội nhập văn học tựu trung có hai cửa: Cửa xuất – tức cửa ra, đưa văn học Việt Nam ra thế giới; cửa nhập – tức cửa vào, đưa văn học thế giới vào Việt Nam.
Trong mấy chục năm qua, một số lượng lớn các tác phẩm văn học nước ngoài đã đến với người đọc Việt Nam. Đó là những tác phẩm văn học cổ điển và đương đại, bao gồm nhiều thể loại như tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, phê bình tiểu luận… Trong những năm sáu mươi, bảy mươi và tám mươi của thế kỷ trước, người đọc Việt Nam đã tiếp cận khá toàn diện với nền văn học Liên Xô, Trung Quốc và một số nước xã hội chủ nghĩa khác. Những năm gần đây hàng loạt tác phẩm văn học của các nước phương Tây đã được dịch sang tiếng Việt. Thị trường sách Việt Nam phong phú, đa dạng hơn xưa rất nhiều, người đọc có cơ hội đến với các nền văn học khác nhau trên thế giới và có nhiều sự lựa chọn hơn. Chưa bao giờ văn học dịch nước ta lại rầm rộ và có nhiều đầu sách như hiện nay, thậm chí có khá nhiều tác phẩm được dịch ngay sau khi nguyên bản được ấn hành hoặc được trao giải thưởng ở nước ngoài. Dẫu còn nhiều bất cập về chất lượng dịch thuật, nhưng chúng ta có thể vui mừng trước những thành tích và tiến bộ của văn học dịch nước nhà trong thời gian vừa qua.
Độc giả không thiếu sách dịch, chỉ băn khoăn về chất lượng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Lâu nay chúng ta trăn trở nhiều về việc đưa văn học Việt Nam ra thế giới. Có thể nói, chúng ta hầu như chỉ mới hội nhập văn học một chiều. Khâu đưa văn học thế giới vào Việt Nam đã làm khá tốt, thậm chí có lúc quá thái. Nhưng khâu đưa văn học Việt Nam ra thế giới thì chưa thấm tháp gì. Một số ít tác phẩm đếm được trên đầu ngón tay được dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp, rồi từ tiếng Anh, Pháp được dịch tiếp sang một số ngôn ngữ khác nữa, thì chưa thể gọi đó là sự hiện diện của nền văn học Việt Nam trên văn đàn thế giới. Chẳng phải vì chúng ta không có tác phẩm hay, cũng chẳng phải vì thiên hạ không quan tâm đến văn học Việt Nam. Là một dịch giả văn học, tôi cho rằng, tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ ca của các nhà văn nước ta hấp dẫn không thua kém các tác phẩm cùng thể loại trên văn đàn thế giới và nếu được dịch sang tiếng nước ngoài chắc chắn sẽ được bạn đọc năm châu mến mộ và tìm đọc. Tiếc rằng, cho đến nay các tác phẩm văn học Việt Nam chỉ mới ra khỏi biên giới theo kiểu nhỏ giọt? Tại sao vậy?
Có ba lực lượng dịch giả có thể đảm đương nhiệm vụ đưa văn học nước ngoài vào Việt Nam và giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài, đó là: Các dịch giả Việt Nam ở trong nước, các dịch giả Việt Nam hiện đang sinh sống ở nước ngoài và các dịch giả là người nước ngoài thông thạo tiếng Việt. Đương nhiên, cần nhấn mạnh một điều, muốn làm tốt việc dịch văn học, dịch giả phải giỏi ngoại ngữ, giỏi tiếng Việt, có khả năng văn học và kiến thức sâu rộng, có tầm văn hoá. Phải ý thức một điều rằng, tác giả viết những gì mình biết, còn dịch giả phải biết tất cả những gì tác giả viết, có như vậy thì dịch giả mới cảm thụ thấu đáo nguyên tác, mới dịch tốt được, bản dịch mới đáp ứng được tiêu chí đúng của dịch thuật, đúng với nội dung, đúng với hình thức và đúng với văn phong của nguyên bản.
Các dịch giả văn học ở trong nước là một lực lượng khá hùng hậu, tuy không có con số thống kê chính xác, nhưng có lẽ phải tới gần nửa nghìn người và con số này đang càng ngày càng tăng thêm. Họ là những người được đào tạo ở trong nước hoặc đã theo học tại các trường, chủ yếu là các trường đại học, ở nước ngoài. Trong số các dịch giả nói trên, có người học văn học, nhưng đa phần theo học các ngành nghề khác, song do đam mê văn chương, mến mộ nền văn học của nước sở tại hoặc của nước sử dụng ngôn ngữ mình biết, yêu dịch thuật và mong muốn mang đến cho người đọc Việt Nam tinh hoa của các nền văn học khác nhau trên thế giới mà họ đã chọn con đường dịch thuật. Chính vì thế mà đối với đa phần dịch giả nước ta, dịch thuật chỉ là nghề tay trái. Hàng nghìn đầu sách văn học từ khắp năm châu đã được họ dịch sang tiếng Việt và xuất bản là vì những lí do trên. Đó là dịch xuôi, tức dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt. Có thể nói, đối với chúng ta, khâu dịch xuôi về cơ bản chẳng có khó khăn gì. Tuy nhiên, đối với đa số các dịch giả ở trong nước việc chuyển ngữ các tác phẩm văn học Việt Nam sang tiếng nước ngoài là công việc không đơn giản, đòi hỏi nhiều công sức và thường cần sự hợp tác của người nước ngoài ở khâu hiệu đính. Bởi, dù có giỏi ngoại ngữ đi chăng nữa thì chúng ta vẫn là người Việt học tiếng nước ngoài, khó có thể hành văn và sử dụng ngôn từ chuẩn xác và nhuần nhuyễn như người bản địa. Cho nên, cho đến nay, lực lượng dịch giả văn học ở Việt Nam tuy đông như vậy, nhưng mấy người đã dịch tiểu thuyết Việt Nam ra tiếng nước ngoài, truyện ngắn và thơ tuy có dịch nhưng không nhiều. Ngược lại, cho đến nay cũng chẳng có mấy dịch giả nước ngoài dám dịch tiểu thuyết nước họ sang tiếng Việt.
Hiện nay chúng ta có hàng triệu người Việt đang sinh sống ở nước ngoài. Người Việt ở nước ngoài, nhất là những người sinh ra và lớn lên ở hải ngoại, thông thạo ngôn ngữ nước sở tại, am hiểu văn hoá, phong tục tập quán của nước sở tại. Đó là những yếu tố cực kì thuận lợi cho việc dịch ngược. Nếu trong số họ có những người yêu văn học và thích dịch thuật, thì đây có thể là một lực lượng đáng tin cậy trong việc đưa văn học Việt Nam ra nước ngoài, họ làm việc này dễ dàng hơn các dịch giả ở trong nước. Thế nhưng họ lại bị hạn chế về khâu tiếng Việt, nhất là thế hệ trẻ, đa phần không thông thạo tiếng Việt, cho nên gặp khó khăn trong việc cảm thụ trọn vẹn các tác phẩm văn học Việt Nam. Họ phải khắc phục nhược điểm này nếu họ chọn con đường dịch văn học Việt Nam. Tuy nhiên vì nhiều lẽ khác nhau, việc tận dụng người Việt ở hải ngoại cho việc dịch các tác phẩm văn học Việt Nam là chuyện không dễ dàng. Dẫu sao chúng ta phải tính và có những biện pháp có sức thuyết phục và đủ hấp dẫn để khuyến khích và lôi cuốn họ làm công việc này.
Theo tôi, người nước ngoài thông thạo tiếng Việt sẽ là lực lượng lý tưởng nhất cho việc giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài. Dịch từ tiếng Việt sang tiếng nước họ là dịch xuôi, cực kì thuận lợi, như chúng ta dịch các tác phẩm nước ngoài sang tiếng Việt vậy. Hơn ai hết, họ là những người biết chọn và chọn trúng những tác phẩm đáp ứng tâm lí, yêu cầu, thị hiếu của bạn đọc nước mình. Thực tế nước ta đã chứng tỏ điều này. Tiếc rằng hiện nay đội ngũ những người nước ngoài thông thạo tiếng Việt và dịch văn học Việt Nam hầu như không đáng kể. Một nước nhỏ như Ba Lan, nơi tôi tốt nghiệp đại học, chỉ có bốn mươi triệu dân, nhưng họ có một đội ngũ người nước ngoài dịch văn học Ba Lan rất hùng hậu, đông tới cả nghìn. Mỗi năm có tới hàng trăm đầu sách văn học Ba Lan được dịch ra hàng chục thứ tiếng khác nhau trên thế giới. Đội ngũ dịch giả này chính là những người nước ngoài đã tốt nghiệp các trường đại học ở Ba Lan, trong số đó có các dịch giả Việt Nam, như Nguyễn Hữu Dũng, Tạ Minh châu, Lê Bá Thự, Nguyễn Chí Thuật, Thanh Thư… Những gì Ba Lan có được hôm nay là kết quả của hàng chục năm đầu tư đào tạo sinh viên nước ngoài và bây giờ việc đầu tư này đang nở hoa kết trái. Cho nên, theo tôi, về lâu về dài, đội ngũ những người nước ngoài thông thạo tiếng Việt, yêu thích văn học Việt Nam sẽ là đội ngũ bền vững nhất, chất lượng nhất, hiệu qủa nhất trong việc dịch văn học Việt Nam.
Để có được một đội ngũ như vậy chúng ta phải có quốc sách thích hợp, phải có chiến lược lâu dài, phải nhìn xa thấy rộng và phải đầu tư. Nhà nước ta cần tăng cường việc đào tạo sinh viên nước ngoài tại các trường đại học. Không nhất thiết họ phải học văn mà có thể học bất kỳ ngành nghề nào. Càng có nhiều sinh viên nước ngoài từ nhiều nước khác nhau theo học các trường ở Việt Nam thì càng tốt. Lẽ dĩ nhiên Việt Nam phải có sức hấp dẫn, phải “hữu xạ tự nhiên hương”, các trường đại học nước ta phải có chất lượng đào tạo tốt khiến nhiều người nước ngoài tìm đến. Rồi một ngày nào đó, trong số hàng trăm, hàng nghìn sinh viên nước ngoài tốt nghiệp đại học tại Việt Nam chắc chắn sẽ có những người mến mộ văn học Việt Nam, yêu thích dịch thuật và tự họ sẽ tìm dịch các tác phẩm họ mến mộ để thoả mãn chính họ, đồng thời đưa văn học Việt Nam đến với người đọc nước họ, như chính chúng tôi đã và đang làm hiện nay tại nước ta. Họ sẽ là những dịch giả văn học Việt Nam đích thực, đáng tin cậy, trong tương lai. Đây là một quá trình lâu dài, hàng chục năm, nhưng chúng ta phải tính, phải có kế hoạch ngay từ bây giờ, nếu chúng ta muốn đưa văn học Việt Nam tiếp cận với nền văn học thế giới, nếu chúng ta muốn càng ngày càng có nhiều tác phẩm văn học Việt Nam đến được với bạn đọc khắp nơi trên địa cầu bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.
Như vậy, theo tôi, để đưa các tác phẩm văn học Việt Nam ra nước ngoài chúng ta phải biết tổ chức và sử dụng có hiệu quả ba lực lượng dịch giả nói trên, phải có những biện pháp cụ thể nhằm tăng số lượng và chất lượng của đội ngũ này. Chế độ nhuận bút và các chế độ đãi ngộ khác phải tương xứng với công sức mà họ phải bỏ ra thì mới khuyến khích họ. Hàng năm nhà nước nên dành một khoản tiền thích hợp cho mục đích giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài, như nhiều nước đã và đang làm. Theo tôi biết, có rất nhiều nước trên thế giới có quỹ dịch thuật, quỹ này làm nhiệm vụ tài trợ cho các dịch giả và các nhà xuất bản nước ngoài dịch và xuất bản các tác phẩm văn học của nước họ. Đây là một hình thức đầu tư chiều sâu có hiệu quả thiết thực và mang lại lợi ích lâu dài.
(Trích Hội thảo “Văn học với xu thế hội nhập”, tổ chức tại Sầm Sơn, Thanh Hoá, ngày 18/12)
Theo Lê Bá Thự – eVan