“Tri thức cần được lan toả”

Phía sau những đầu sách học thuật gắn với thương hiệu NXB Tri Thức trong thời gian qua luôn thấp thoáng bóng dáng giáo sư Chu Hảo. Bằng uy tín, sự tâm huyết của mình, ông đã lôi kéo, thuyết phục, tạo được một không gian gặp gỡ của giới trí thức, học giả, để qua những dịch phẩm, lan truyền tinh thần “khai dân trí” vào xã hội trong bối cảnh mới. Nhân khai mạc hội Sách TP.HCM lần thứ 6 (15 – 21.3), PV Sài Gòn Tiếp Thị có cuộc trao đổi với ông.

Ông nghĩ gì về vai trò của các dịch giả và xuất bản trong việc mở mang, phổ cập tri thức nhân loại đến với người Việt trong bối cảnh, tình hình học thuật hiện nay?

Dịch thuật Việt Nam hiện nay đang có nhiều triển vọng, với sự mở rộng, gia tăng của các đơn vị xuất bản, nghiên cứu, các tổ chức văn hoá – giáo dục. Trước đây, ngay cả những tác phẩm kinh điển của Marx-Lenin được xuất bản rất lâu rồi mà tên người dịch không thấy có. Như vậy có thể thấy lâu nay, vai trò của những dịch giả kinh điển rất lu mờ trong xã hội. Thực tế thì các dịch giả chính là cầu nối giúp truyền tải tri thức nhân loại, mở rộng biên giới của nhận thức cho người Việt Nam. Nếu không nhờ dịch giả Bùi Văn Nam Sơn, chúng ta đã không biết Kant và Hegel thực sự viết gì; nếu không nhờ dịch giả Phạm Toàn, chúng ta đã không hiểu A. de Tocqueville suy tư ra sao… Chính các dịch giả mở cho chúng ta cánh cửa nhìn ra thế giới và nhìn lại chính mình.

NXB Tri Thức đã tập hợp được một lực lượng dịch giả là chuyên gia trên nhiều lĩnh vực. Thưa ông, điều gì giúp ông có thể kết nối hấp dẫn họ?

Lực lượng dịch giả, chuyên gia thẩm định sách của NXB hiện nay khoảng 100 người, thuộc nhiều chuyên ngành và nhiều ngôn ngữ, cả trong và ngoài nước. Chúng tôi đã và đang cố gắng tạo ra một cơ chế làm việc rõ ràng, đảm bảo tốt nhất quyền lợi của các dịch giả, cũng như đánh giá đúng, trân trọng những sản phẩm trí tuệ của họ. Đó là một yếu tố khiến các dịch giả, chuyên gia đến và ở lại với chúng tôi. Nhưng quan trọng hơn, tri thức không đơn độc và không thể tạo ra sức lan toả trong xã hội nếu đơn độc. Chúng tôi cùng hội đồng cố vấn khoa học, các cộng tác viên, các dịch giả đã lập kế hoạch, một lộ trình dịch thuật các sách công cụ cần thiết nhất cho độc giả Việt Nam trong năm – mười năm tới. Việc các trí thức tập hợp lại cùng thực hiện một kế hoạch sẽ cho ra đời được một sản phẩm thống nhất, lại tận dụng được nguồn lực về trí tuệ và vật chất, và sức ảnh hưởng trong xã hội cũng sẽ lớn hơn. Tôi rất mừng là càng ngày càng có thêm những dịch giả giỏi, tâm huyết tin tưởng vào tôn chỉ mục đích của nhà xuất bản và tham gia cùng chúng tôi.

Hiện nay, việc tìm tác phẩm để dịch có hai hướng: các dịch giả đề xuất; nhà xuất bản tìm nguồn và đặt cho dịch giả. Theo ông, với việc phổ biến tri thức có tính hệ thống thì cách làm nào thuận tiện hơn trong tình hình làm xuất bản ở thị trường Việt Nam còn phức tạp về tác quyền, bất trắc trong kiểm duyệt và rủi ro trên thị trường?

Đúng là việc tìm nguồn dịch một tác phẩm có hai hướng như anh đề cập. NXB Tri Thức tự tìm nguồn sách dịch theo hệ thống các tủ sách Tinh hoa kinh điển, Tri thức mới, Tri thức phổ thông, Dẫn nhập, Việt Nam đương đại, thông qua sự cố vấn của hội đồng cố vấn khoa học và đặt hàng các dịch giả. Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận đề xuất của các dịch giả. Thực tế là chỉ riêng nhà xuất bản hay cả hội đồng cố vấn cũng không thể hiểu rõ về toàn bộ kho tàng tri thức của nhân loại, nên chúng tôi nhờ vào sự gợi ý từ phía các dịch giả và các cộng tác viên khác. Họ chính là những nhà tư vấn, những bộ lọc tốt giúp nhà xuất bản. Đương nhiên những sách được chúng tôi chọn qua hướng này là những tác phẩm phù hợp với tôn chỉ, mục đích của nhà xuất bản. Chúng tôi vẫn sẽ duy trì cách lựa chọn đầu vào cho sách dịch theo cả hai hướng trên.

Hầu hết dịch giả cộng tác viên của NXB Tri Thức là người lớn tuổi, chuyên gia đã về hưu. Dường như còn thiếu lớp dịch giả mới, trẻ và quan tâm đến những vấn đề học thuật đương đại?

Các dịch giả, cộng tác viên của nhà xuất bản là những chuyên gia uy tín trong nhiều ngành khoa học, có một vốn văn hoá dày dặn, tâm huyết với việc phổ biến tri thức khoa học, nên cũng là những người lớn tuổi. Độ tuổi phổ biến của họ là 60, 70 – như tôi! Tương lai của việc dịch thuật và phổ biến tri thức không thể chỉ trông chờ vào thế hệ này. NXB Tri Thức đã ra mắt tủ sách Tri thức phổ thông, mời các dịch giả trẻ tham gia dịch các tác phẩm hiện đại, ngắn gọn và không quá “kinh điển”. Ngoài ra, cùng với Quỹ văn hoá Phan Châu Trinh, chúng tôi cũng có kế hoạch đào tạo dịch giả trẻ. Các bạn trẻ có kiến thức khoa học, khả năng ngoại ngữ và vốn tiếng Việt tốt hiện không thiếu, những người tâm huyết với dịch thuật cũng khá nhiều. Chúng tôi hy vọng có thể có một quỹ tài chính để hỗ trợ các dịch giả trẻ theo học ở các dịch giả lớn, có trình độ và uy tín, đồng thời tạo điều kiện cho các dịch giả trẻ thử sức ở các tác phẩm dịch thực tế, và sản phẩm của họ có thể được in ấn, xuất bản. Đây là một việc làm cần sự kiên trì của nhiều phía và cần một nguồn tài chính ổn định. Chúng tôi cũng đã đặt vấn đề hợp tác với các trường đại học trong việc đào tạo dịch giả, tận dụng nguồn lực các giảng viên, nhà nghiên cứu tại các trường đại học. Và chúng tôi đã có được thành công bước đầu với sự ủng hộ của một số trường đại học khối khoa học nhân văn. Nhưng về lâu dài, muốn có đội ngũ dịch giả trẻ giỏi, chúng tôi hy vọng có thể phối hợp với bộ Giáo dục và đào tạo để đào tạo lớp dịch giả chuyên nghiệp, giỏi ngoại ngữ và có nền tảng văn hoá vững chắc.

Xin cám ơn giáo sư.

Theo Nguyễn Vĩnh Nguyên – SGTT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *