Một phụ nữ có cá tính, dấn thân trên con đường nghệ thuật bằng một lối đi riêng, vì hạnh phúc cá nhân mà ly hương, thân nơi đất khách để tình nghĩa ở quê nhà, là chị hay là tôi? Đi nhiều nơi, biết nhiều việc, gặp nhiều người, có nhiều suy nghĩ, chị viết ra một cách cân nhắc : Cái hay của người sao mình không làm được? “Ai nghe cũng thích, ai ngó cũng khen (…) Tiếc thay, sự thích thú chỉ dừng ở đó. Cái gì làm lưỡng lự khi chuyên môn thừa sức? Ai cũng nói đến tài chính, đến cơ chế, thủ tục… Tóm lại quá phức tạp.” (trang 145) Nỗi buồn của mình sao cũng không thể bộc bạch? “ …Buổi sáng này, với anh thôi đã đủ trì nặng trong tôi cảm giác tê tái. Đi một đoạn xa tôi vẫn thấy N. ngồi đó, như anh nói, chờ đứng bóng để đi, để lại ngồi đâu đó trong cái thành phố đô hội này. Người ta nói nẻo đời chông gai, nhưng với N., nó là con dốc trơn lẫy, chỉ cần một cú trượt là tuột luôn xuống đáy. Còn tôi, phóng sự giản đơn bỗng thành ám ảnh kiếp người… ” (trang 151) Câu chuyện Ngồi giữa trần gian, bạn bè tôi ở trong nước đọc thấy hay, gây tò mò và thắc mắc : tại sao vầy, chẳng lẽ vậy, cũng có người tội nghiệp kẻ bất hạnh, có người buồn cho kiếp tha hương, nhưng cảm giác tê tái và nỗi ám ảnh của chị có lẽ chỉ thấm thía với người nào sống đời di dân bấp bênh, mọi sự có thể “chấm hết, oan uổng, đắng chát” từ một cú sẩy chân, thậm chí từ một chút tự ái, một chút lẫy hờn. Mà không phải đó là kẻ bất hạnh kém bản lĩnh, không phải đó là “cái số” riêng của một anh N. Đó là nỗi tê tái và ám ảnh khi một người đã sống đủ lâu ở xã hội phương Tây để hiểu tính chất khắc nghiệt lạnh lùng của nó. Những bài viết khác về người Việt trên đất Pháp hay Canada hay đâu đó được chị đặt trong những khung ánh sáng khác nhau, có tươi tắn, có dịu êm, có u khuất, nhưng tất cả (với tôi) đều ẩn giấu một nỗi buồn câm nín, một nỗi sợ nén nhịn, một nỗi cô đơn…
Chị có những ưu thế trong tầm nhìn, chiêm nghiệm, lẫn thể hiện của người làm nghệ thuật thoát ra được những hạn chế và ràng buộc của một đất nước Á châu đang phát triển. Những câu chuyện đủ loại, từ những bà già nông dân trên sâu khấu Pháp, những thanh niên sinh trưởng ở Pháp đi tìm nguồn cội Việt, người mẹ di dân của kẻ sát nhân, cô dâu Việt Nam chết tức tưởi ở Hàn Quốc. Bản thân những câu chuyện này là thông tin tôi đã đọc trên báo chí. Đọc lại qua bài viết của chị để nghĩ về suy nghĩ của chị, để nhìn cái chị thấy, để cảm nhận điều đã thôi thúc chị viết ra. “Khán phòng lặng phắt. Những chân dung dồn bứt tát tai. Những cái nhìn quay quắt câu hỏi. Tôi thấy người lau nước mắt. Tôi thấy người cúi mặt. Chiến tranh rồi cũng đi qua. Đau thương lại nuốt vào máu thịt. Mười bốn khoé miệng răn reo bỗng chành rộng nụ cười : rạng rỡ, chói chang, tách bạch xa xôi với gương mặt khô cằn. Những nụ cười cứ thế miên man, buốt nhói. Đất nước ơi, một nghị lực vô bờ.” (trang 21)
Những bài tạp bút được sắp xếp theo thứ tự thời gian tặng cho người đọc cái thú vị khám phá dần biến chuyển trong nhận thức, tâm tình của người phụ nữ tha hương. Phần Chuyện đời bắt đầu từ bài Hạnh ngộ viết năm 1994 cho đứa con gái Tí Teo mới chào đời. Bài viết đó gần như tuyên ngôn của một phụ nữ, hay tuyên thệ của một người mẹ : “TÍ TEO ơi, con không chỉ làm cuộc đời mẹ có thêm nhiều ý nghĩa, mà nhiều ý nghĩa của cuộc đời, từ lúc có con, đã được mẹ nhìn bằng một con mắt khác – con mắt dấn thân.” (trang 14) Trong cuộc dấn thân của người mẹ – đàn bà – nghệ sĩ – công dân có sự dẫn dắt của bước chân đứa con trên đường trưởng thành. Khi đứa con gái bốn tuổi, bắt đầu đi học mẫu giáo, tiếp thu một sự giáo dục khác và một văn hoá khác với thế giới vốn chỉ có mẹ và con. Cuộc xung đột văn hoá đã làm đau đớn người mẹ, tổn thương cả đứa con, nhưng cả mẹ và con phải vượt qua để thích nghi với thực tế xã hội, ở đó, giá trị này phủ nhận giá trị kia. “Từ dạo đó, con bé không bao giờ nói với tôi những chuyện tương tự.” Còn người mẹ thì quay lại đối thoại với mẹ của mình : “Mẹ ơi, cái khó nhọc của người mẹ đâu chỉ là những đêm thức trắng chăm sóc con đau ốm, mà thức trắng cho những dằn vặt : Ta là ai trước con ta khôn lớn? Ta là sao khi dạy con ta một nhân cách trung thực?” (trang 64)
Khi đưá con gái lên chín tuổi, người mẹ bận làm phim phải xa con suốt tám tháng, khiến nó nhớ mẹ mà rụng tóc. Mặc dù khi nghe tiếng con khóc nấc nghẹn trong điện thoại vì “Con nho me qua, nho Vietnam qua… ” người mẹ đã buột miệng thốt vui với bạn bè : “Con khóc, mẹ mừng”. Nỗi mừng trong tình huống éo le ấy hẳn là hệ quả của nỗi lo canh cánh lâu nay của người mẹ sanh con và nuôi dưỡng nó ở xa Tổ quốc, sợ nó quên cội nguồn, sợ nó đứt lìa sự kết nối tinh thần với mình và dòng họ. Nhưng rồi đưá con phát bệnh rụng tóc vì mẹ mãi đi làm phim. Mặc dù không hoàn toàn tin lời chuyên gia tâm lý, người mẹ cũng đã hốt hoảng, không dám rời xa con suốt một năm trời. Đây không phải là xung đột văn hoá hay thế hệ nữa, mà là thách thức đối với một phụ nữ phải chọn lựa, nếu không thể dung hoà, giữa gia đình và nghề nghiệp.
Chắc chắn chị là một đạo diễn điện ảnh tha thiết với nghề nghiệp, điều đó bộc lộ trong nửa quyển sách, chương 2, có tiêu đề Chuyện nghề. Chuyện nghề của chị không đến nỗi chuyên môn lắm. Cũng đủ thứ như Chuyện đời, từ những chi tiết cảm động về đồng nghiệp hay “bức xúc” về điện ảnh nước nhà, đến những nhận định các bộ phim nước ngoài có vấn đề đáng ngẫm nghĩ và những nghĩ suy trăn trở của chị về chuyên môn.
Hồi chị làm bộ phim đầu tiên, tôi không biết gì về công việc của một đạo diễn điện ảnh. Cả hai chúng tôi lúc đó đều là những cô gái trẻ, độc thân, có lẽ hơi lãng mạn, và quá khao khát chứng tỏ mình. Ngoảnh đi ngoảnh lại, cả hai “đã đặt những bước đầu tiên sang bên kia bờ dốc cuộc đời… " Thực ra, những dòng chữ này tôi đã đọc từ mười năm trước, nhưng bây giờ đọc lại, tôi thêm đồng cảm với chị : “Bỗng ngạc nhiên thấy lòng thanh tĩnh khi nghĩ đến những biến cố, những gương mặt mà trước đó không lâu đã khiến ta dằn vặt, ai oán… Rồi cứ thế, nhiều đêm. Trong ta như xuất hiện một con người khác, một não trạng khác. Đôi khi trong tiềm thức của con người khác đó, ta nghe thấy tiếng gọi rất thầm nhưng mãnh liệt : “Ta ơi, người ơi! Đừng hờn dỗi, đừng ghen ghét nữa. Cuộc sống chẳng còn bao… ” (trang 45)
Lý Lan