Hiệp hội Lương thực cho biết, tính đến 10/6, cả nước đã xuất khẩu được gần 2,9 triệu tấn gạo. Giá trị xuất khẩu 1 tỷ 295 triệu USD. Theo dự kiến, trong tháng 6 này, Hiệp hội sẽ xuất khẩu 700.000 tấn gạo, nâng tổng sản lượng xuất khẩu của 6 tháng đầu năm đạt 3,35 triệu tấn, thấp hơn cùng kỳ năm trước khoảng 300.000 tấn.

Hiện các tỉnh ĐBSCL đã thu hoạch vụ Hè Thu. Giá lúa đang ở mức 4.250 – 4.350 đồng/ kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 từ 5.650 – 5.750 đồng/ kg tùy từng địa phương. Hiện số lượng hợp đồng đã ký kết và lượng gạo tồn kho còn nhiều. Mặt khác, đang vào mùa mưa nên cũng ảnh hưởng đến việc giao hàng. Theo nhận định của Hiệp hội, dù giá gạo tăng nhẹ nhưng thị trường xuất khẩu quý 2 đang sụt giảm và có xu hướng kéo dài cho đến quí 3 do lượng gạo tồn kho các nước còn cao.

Một số tin vắn khác

* Kho số viễn thông được Bộ Thông tin và Truyền thông phân bổ cho tổ chức, cá nhân thông qua đấu giá sẽ được phép chuyển nhượng.

Theo đó, kể từ ngày 1/7 tới đây, các tổ chức, cá nhân sẽ được phép chuyển nhượng nhau. Các bên tham gia chuyển nhượng kho số viễn thông phải nộp thuế chuyển nhượng quyền sử dụng kho số. Đây là một trong những quy định được đưa ra trong Luật Viễn thông được ban hành vào tháng 12 năm ngoái và chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2010. Với doanh nghiệp được cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng không sử dụng băng tần số vô tuyến điện, kho số viễn thông nộp lần đầu và nộp hằng năm theo mức cố định. Hiện, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp giấy phép thiết lập hạ tầng mạng viễn thông di động cho 7 doanh nghiệp; cấp phép nhà khai thác mạng ảo cho 2 doanh nghiệp và hàng chục giấy phép hoạt động cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Internet.

* Thông tin từ Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL vừa diễn ra tại thành phố Rạch Giá, Kiên Giang cho biết : trong 5 tháng đầu năm nay, khu vực ĐBSCL chỉ thu hút được 66 triệu USD vốn FDI.

Đáng lưu ý là, trong số 13 tỉnh, thành phố thì có đến 7 tỉnh thành không có dự án FDI mới nào. Tổng vốn thu hút FDI trong vòng hơn 20 năm qua của khu vực này chỉ đạt 7 tỷ USD, bằng 3,8 % so với cả nước. Khu vực ĐBSCL được đánh giá là có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, chế biến nông sản, sản xuất nông nghiệp… nhưng thu hút đầu tư vào lĩnh vực này chưa tương xứng.

* Tổng cục Thống kê vừa chính thức công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 chỉ tăng 0,22% so với tháng trước.

Đây là mức tăng khá thấp do xu hướng giảm giá nhiều loại vật liệu xây dựng, như sắt thép, xi-măng… trong thời gian gần đây. Trong tháng, xăng dầu giảm giá nên chỉ số giá của nhóm hàng giao thông đã giảm 0,71% so với tháng trước. Các nhóm hàng tính chỉ số giá còn lại tăng giá thấp, như : nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống chỉ tăng 0,37% so với tháng trước, giá thực phẩm tăng 0,71%. Đồ uống và thuốc lá là nhóm hàng có chỉ số giá tăng cao nhất trong tháng 6 này, với mức tăng 0,62% so với tháng 5. Trong khi đó, chỉ số giá của nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,48%; nhóm bưu chính – viễn thông tăng 0,49%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,36%… Như vậy, khả năng kiềm chế lạm phát dưới 8% là có thể. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, CPI của tháng 6 vẫn tăng 8,69%. Còn nếu tính CPI bình quân của 6 tháng đầu năm nay so với 6 tháng đầu năm ngoái, mức tăng này là 8,75%.

Quốc Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *