Trong đó, ông cam kết xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược thực sự với Nga, thực thi những cam kết trước đây đối với Áp-ga-ni-xtan, giảm lực lượng do NATO dẫn đầu ở Cô-xô-vô và thúc đẩy xây dựng khái niệm chiến lược mới của tổ chức này.

Tổng Thư ký Rasmussen cho rằng Nga và NATO có thể hợp tác trong nhiều lĩnh vực mà hai bên có chung những lợi ích về an ninh như khủng bố, Áp-ga-ni-xtan, cướp biển và vấn đề không phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt. Ông cho rằng không thể để những bất đồng hiện nay ảnh hưởng tới mối quan hệ chung giữa hai bên.

Ông nhấn mạnh: "NATO không phải là kẻ thù của Nga và không trực tiếp chống lại Nga". Ông nói: "Thông điệp của tôi muốn chuyển tới các nhà lãnh đạo và nhân dân Nga là: hãy để chúng tôi xây dựng lòng tin bằng sự hợp tác và trên cơ sở hợp tác về những lợi ích chung".

Tổng Thư ký Rasmussen cho rằng Nga và NATO có thể hợp tác trong nhiều lĩnh vực mà hai bên có chung những lợi ích về an ninh như khủng bố.

Về vấn đề Áp-ga-ni-xtan, tân Tổng Thư ký NATO kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực hơn nữa để ngăn quốc gia Trung Á này trở lại thành "điểm đầu mối của khủng bố quốc tế". Theo ông, đây là một nhiệm vụ không dễ dàng và tình hình trong những tháng vừa qua cho thấy ngày càng khó khăn hơn, song vẫn phải làm và sẽ làm được.

Ông cho biết mục tiêu trước mắt của NATO, ngoài việc đảm bảo an ninh, còn làm cho người dân Áp-ga-ni-xtan thấy tin tưởng và nhận thức được tầm quan trọng của cuộc bầu cử tổng thống và hội đồng địa phương ở nước này vào ngày 20/8 tới. Còn mục tiêu lâu dài của NATO là giúp người Áp-ga-ni-xtan tiến tới có thể tự chịu trách nhiệm về an ninh. Ông Rasmussen cam kết trong nhiệm kỳ của mình, người Áp-ga-ni-xtan sẽ có thể tự chịu trách nhiệm về an ninh trên phần lớn đất nước của họ và các lực lượng do NATO dẫn đầu sẽ chỉ làm nhiệm vụ hỗ trợ.

Về tình hình Cô-xô-vô, ông Rasmussen cho biết lực lượng KFOR do NATO dẫn đầu ở đây sẽ giảm đáng kể, hay thậm chí có thể sẽ rút hoàn toàn trong 4 năm nữa. Đây là lần đầu tiên liên minh này đề ra thời hạn cho việc rút KFOR khỏi Cô-xô-vô, nơi lực lượng này được triển khai từ năm 1999 sau cuộc không kích 78 ngày đêm của NATO vào Nam Tư. Trước đó, người phát ngôn của NATO James Appathurai cho biết kế hoạch giảm lực lượng KFOR từ 14.000 quân hiện nay xuống còn 10.000 quân vào tháng 01/2010 là có thể thực hiện được.

Trong mối quan hệ đầy nhạy cảm với thế giới Hồi giáo, tân Tổng Thư ký NATO đã nhấn mạnh sự cần thiết phải củng cố hợp tác với các đối tác ở Trung Đông, hay còn gọi là những nước đối thoại Địa Trung Hải. Ông Rasmussen cho biết sẽ sớm tổ chức các cuộc gặp riêng với đại sứ 7 nước gồm An-giê-ri, Ai Cập, I-xra-en, Gioóc-đa-ni, Mô-ri-ta-ni, Ma-rốc và Tuy-ni-zi.

Ông cũng cho biết sẽ thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Tổng Thư ký NATO là tới Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia Hồi giáo duy nhất trong NATO và từng phản đối ông Rasmussen do vụ báo chí Đan Mạch đăng loạt tranh biếm hoạ báng bổ Nhà tiên tri Mô-ha-mét của người Hồi giáo bốn năm trước.

Một nhiệm vụ không kém phần quan trọng mà ông Rasmussen phải ưu tiên thực hiện là thành lập nhóm gồm 12 chuyên gia để soạn thảo khái niệm chiến lược an ninh mới của NATO để có thể được lãnh đạo các nước thành viên thông qua tại hội nghị thượng đỉnh của khối vào cuối năm 2010 ở Bồ Đào Nha. Khái niệm chiến lược hiện nay của khối này, ban hành từ năm 1999, được cho là đã lỗi thời trước những mối đe doạ mới như khủng bố, tin tặc, cướp biển, an ninh lương thực hay biến đổi khí hậu.

Hồng Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *