Hôm 03/03, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) lại một lần nữa tuyên bố cần tăng cường trừng phạt Iran nếu nỗ lực ngoại giao không thể thuyết phục chính quyền Tehran ngừng chương trình hạt nhân. Phương Tây nghi ngờ, Iran đang theo đuổi tham vọng chế tạo bom nguyên tử nhưng nước này vẫn luôn bác bỏ cáo buộc trên và khẳng định, chương trình hạt nhân của họ là nhằm mục đích dân sự.
Bên trong một nhà máy hạt nhân của Iran |
Trong cuộc họp kín của Ban Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), tại Vienna (Áo), đại diện Mỹ và EU cáo buộc, Iran đã phá vỡ những nguyên tắc hạt nhân khi tiếp tục gia tăng hoạt động làm giàu uranium mà không có sự giám sát của các thanh sát viên IAEA. Vì vậy, Mỹ và EU cho rằng, không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc tăng cường các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn đối với nước này.
EU khẳng định sẽ ủng hộ vòng đàm phán thứ tư về chính sách trừng phạt mới đối với Iran trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Liên minh này cam kết sẵn sàng đưa ra các biện pháp cần thiết cùng với hành động trừng phạt nếu chính quyền Tehran vẫn nhất định không hợp tác với cộng đồng quốc tế để giải quyết tranh chấp về chương trình hạt nhân gây tranh cãi.
Theo các nhà ngoại giao Mỹ và EU, cộng đồng quốc tế hành động như vậy là nhằm buộc Iran phải “hành xử có trách nhiệm hơn” trong vấn đề này.
Trong khi đó, cũng trong cuộc họp tại Vienna, đại diện Trung Quốc vẫn khẳng định lập trường theo đuổi biện pháp ngoại giao để giải quyết bế tắc xung quanh chương trình hạt nhân của Iran. Chính quyền Bắc Kinh kêu gọi tăng cường nỗ lực đàm phán thay vì áp đặt các biện pháp trừng phạt lên đối tác thương mại lớn này.
Cùng với Trung Quốc, Brazil cũng không ủng hộ chính sách tăng cường trừng phạt Iran. Phát biểu trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đến Brazil, Tổng thống Lula da Silva cảnh báo: "Thế giới không nên dồn Iran vào chân tường” và nhấn mạnh các bên cần duy trì các cuộc đàm phán với chính quyền Tehran.
Trung Quốc và 4 nước thành viên thường trực còn lại trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc gồm Mỹ, Nga, Anh và Pháp, cùng với Đức (tức Nhóm P5+1) đã từng tích cực đàm phán với Iran nhằm giải quyết những tranh chấp về chương trình hạt nhân. Từ lâu, Trung Quốc và Nga vẫn luôn bác bỏ chủ trương tăng cường trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Iran. Tuy nhiên, trong chuyến thăm Pháp mới đây, Tổng thống Dmitry Medvedev nói rằng, Nga sẵn sàng cùng với các đối tác khác xem xét việc đưa ra thêm những biện pháp trừng phạt mới nếu như không có đột phá trong quá trình thương lượng với Iran. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh rằng, lệnh trừng phạt mới không nên nhắm vào người dân Iran.
Hồng Anh