Với 20 phiếu thuận, 1 phiếu chống và 1 phiếu trắng, Thượng viện Philippines vào chiều tối 21/02 đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Ảnh minh họa
Trên mạng xã hội Twitter, Thư ký Cơ quan Kinh tế và Phát triển Quốc gia Philippines, ông Arsenio Balisacan nhận định Hiệp định RCEP sẽ mang lại một động cơ nữa để thúc đẩy tăng trưởng. Ông hoan nghênh động thái của các nhà làm luật ở Thượng viện là “quyết liệt và đổi mới”.
Theo giới chức Philippines, sau khi RCEP chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2022, các quốc gia thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã gặt hái được những lợi ích từ hiệp định này. Thực tế, RCEP giúp thúc đẩy giao dịch, tạo ra nhiều việc làm hơn và hàng hóa có giá rẻ hơn. Philippines hiện là nước ký kết RCEP duy nhất vẫn chưa hoàn tất việc phê chuẩn văn kiện do lo ngại về tác động đối với lĩnh vực nông nghiệp trong nước.
RCEP là một hiệp định tự do thương mại được ký kết lần đầu tiên hồi năm 2012, quy tụ 10 nước thành viên ASEAN và các đối tác Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Đến nay, hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới này đã có hiệu lực ở 14 nước tham gia./.
Phúc Châu