Mới đây, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã chính thức công nhận văn hóa trang phục Kebaya là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Quyết định này dựa trên đề cử chung của 5 nước gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan. Điều đó cho thấy Kebaya là một phần quan trọng trong bản sắc văn hóa của nhiều cộng đồng khác nhau ở 5 quốc gia Đông Nam Á vừa nêu.
Kebaya là bộ trang phục gồm một chiếc áo tay dài ôm sát cơ thể và chân váy dài thường được mặc trong các sự kiện lớn. Theo giới chuyên gia, trang phục Kebaya bắt nguồn từ Indonesia và sau đó có những biến tấu để phù hợp hơn với các cộng đồng dân cư ở Brunei, Malaysia, Singapore và Thái Lan. Dần dần, Kebaya trở thành một trong những biểu tượng của bản sắc văn hóa, thẩm mỹ của người dân ở những quốc gia này.
Đối với người dân địa phương, sự công nhận toàn cầu nói trên chỉ là bước khởi đầu. Bởi, họ hy vọng đây là động lực để các thế hệ tương lai quan tâm, tìm hiểu rõ hơn về lịch sử và phong cách của trang phục Kebaya. Hiện, nhiều người còn chia sẻ các cách để bộ trang phục truyền thống Kebaya được hiện đại hóa nhằm tiếp cận với người trẻ tuổi. Với họ, đó cũng là một cách để giữ gìn và bảo tồn văn hóa trang phục Kebaya. 
Anh Sufiyanto Amat Sopingi – Người dân Singapore chia sẻ:
“Tôi tin rằng sự công nhận của UNESCO đối với văn hóa trang phục Kebaya sẽ giúp nhiều người hiểu biết hơn về loại trang phục truyền thống này. Tôi hy vọng trang phục Kebaya sẽ tồn tại qua thời gian nhờ vào sự nhận thức chung của các cộng đồng.”

Minh Thanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *