Tại thành phố Cairns, bang Queensland, Australia có một trung tâm nghiên cứu nọc độc của các loài sinh vật biển. Kết quả các cuộc nghiên cứu tại đây không chỉ giúp tạo ra thuốc kháng nọc độc, mà còn mở ra các giải pháp điều trị bệnh tiềm năng.
Giáo sư Jamie Seymour thuộc trường Đại học James Cook (Australia) – người đứng đầu trung tâm nghiên cứu nọc độc – cho biết đây là cơ sở duy nhất trên thế giới trích lấy nọc độc từ các sinh vật biển để điều chế thuốc kháng nọc độc. Cụ thể, các nhà nghiên cứu sẽ tiêm một lượng nhỏ nọc độc từ các loài có độc như sứa, cá đá _ vào các cá thể động vật, như ngựa chẳng hạn, để tạo ra kháng thể tự nhiên, sau đó dùng các kháng thể này để điều chế thuốc kháng nọc độc. Nhóm nghiên cứu cho biết nọc độc từ một số loài sinh vật biển còn có tiềm năng ứng dụng điều trị nhiều căn bệnh ở người, trong đó có bệnh viêm khớp.
“Chúng tôi đã xác định được một hợp chất ở sứa có thể chữa khỏi tình trạng viêm khớp thể nhẹ trên chuột trong chưa đầy 2 đến 3 tuần lễ. Phát hiện này quả thực có ý nghĩa lớn.”
Thuốc kháng nọc độc phát triển tại trung tâm nghiên cứu này hiện được phân phối đến các bệnh viện tại Australia và một số đảo trên Thái Bình Dương vốn là những nơi có nguy cơ cao xảy ra các trường hợp bị sinh vật biển có độc tấn công.
Thảo Nguyên