Các nhà nghiên cứu Trung Quốc vừa cho biết đã cấy ghép thành công thiết bị hỗ trợ tâm thất đầu tiên do nước này sản xuất vào cơ thể một con cừu đực. Bước tiến mới này giúp họ cảm thấy tự tin hơn khi tiến hành các thử nghiệm lâm sàng trên người trong thời gian tới với hy vọng mang đến giải pháp điều trị không quá tốn kém cho những người mắc các bệnh tim mạch.
Ảnh minh họa
Thiết bị hỗ trợ tâm thất được phát triển nhờ kỹ thuật của ngành công nghiệp hàng không vũ trụ này được làm từ hợp kim ti-tan, nặng 170 gam. Đối tượng tiếp nhận là con cừu đực mang tên Tianjiu (có nghĩa là sống mãi theo tiếng Trung Quốc). Ông Liu Xiaocheng, Giám đốc Bệnh viện Tim Mạch Quốc tế Thái Đạt Thiên Tân, dẫn đầu nhóm nghiên cứu, cho biết: "Con cừu này đã sống được 63 ngày sau khi được cấy ghép. Hy vọng nó sẽ tiếp tục sống lâu hơn nữa."
Thiết bị hỗ trợ tâm thất được sử dụng nhiều nhất cho những bệnh nhân đang chờ phẫu thuật cấy ghép tim hoặc những bệnh nhân mà tim đang dần hồi phục sau phẫu thuật. Chúng được thiết kế để giúp bơm máu từ tâm thất trái và tâm thất phải đi khắp cơ thể.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, các bệnh tim mạch là nguyên nhân số 1 gây tử vong trên toàn cầu. Có khoảng 17,3 triệu người trên thế giới chết vì các bệnh tim mạch vào năm 2008. Hiện số bệnh nhân tử vong trong khi chờ đợi phẫu thuật cấy ghép tim chiếm tỷ lệ khá cao do thiếu tim hiến tặng.
Theo các số liệu thống kê mới nhất, trong số khoảng 80 triệu người trên thế giới hiện mắc chứng suy tim thì Trung Quốc có đến 16 triệu bệnh nhân loại này. Các nhà chuyên môn cho rằng bệnh nhân có thể hy vọng vào thiết bị hỗ trợ tâm thất nói trên. Tuy nhiên, cũng có ý kiến tỏ ra hoài nghi về tính an toàn và hiệu quả của thiết bị do nó chưa được thử nghiệm trên người. Một bệnh nhân nói: "Nếu được đưa vào tim người, không biết thiết bị làm cách nào để vượt qua phản ứng đào thải của cơ thể và có thể hoạt động trong bao lâu."
Nhóm nghiên cứu cho biết họ cần thêm thời gian tiến hành các thử nghiệm trên cừu để đảm bảo tính ổn định và độ tin cậy của thiết bị. Các thử nghiệm trên người có thể sẽ được tiến hành trong vài năm tới.
Thanh Sang