Viện nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI), có trụ sở tại Philippines, vừa cho biết các nhà khoa học của viện này đã phát triển thành công giống lúa siêu chịu mặn, có thể giúp nông dân trồng lúa tại các khu vực duyên hải đang bị bỏ hoang do sự xâm lấn của nước biển.
Ảnh minh họa. (Nguồn: ncnguyana.com)
Theo IRRI, các nhà khoa học đang trong quá trình phát triển hoàn thiện giống lúa siêu chịu mặn trên trước khi đem trồng thử nghiệm một cách rộng rãi. Giống lúa mới này có khả năng chịu mặn cao gấp 2 lần so với các giống lúa khác và dự kiến sẽ đến tay nông dân trong vòng từ 4-5 năm nữa.
Giống lúa chịu mặn này được lai giữa các giống lúa dại được tìm thấy tại các vùng nước lợ với giống lúa IR56 được phát triển trong viện IRRI. Kết quả là giống lúa mới có thể đào thải chất mặn từ dưới đất thông qua việc tiết muối ra từ trên lá. Các nhà khoa học hy vọng giống lúa này sẽ giúp nông dân tận dụng được các khu vực đất nhiễm mặn bị bỏ hoang để trồng trọt.
Cùng với lúa mì và bắp, lúa gạo được coi là một trong ba loại lương thực thiết yếu, cung cấp thức ăn cho con người trên khắp thế giới. Hiện các nhà khoa học vẫn tiếp tục nghiên cứu nhằm tạo ra các giống lúa cho năng suất cao.
Anh Dũng