Tại bán đảo Yucatan của Mexico, mặc dù đã có một tầng ngậm nước rộng lớn nằm sâu bên dưới, nhưng lượng nước ngọt vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của cư dân địa phương cũng như du khách tới tham quan, nghỉ dưỡng đang ngày càng gia tăng. Trước tình hình đó, một nhà khoa học nước này tin rằng ông có giải pháp giúp biến nước biển thành nước uống được. Đó là sử dụng một hệ thống khử muối có chi phí thấp.

Sau 6 năm tiến hành hoạt động nghiên cứu ở châu Âu và khu vực Trung Đông, Tiến sĩ, kỹ sư hóa chất Jorge Antonio Lechuga làm việc tại Trường Đại học Tự trị Yucatan, Mexico cho biết ông đã phát triển thành công một hệ thống khử muối mới, tiết kiệm năng lượng.

Ảnh minh họa

Hiện, các hệ thống khử muối phổ thông sử dụng phương pháp xử lý gọi là thẩm thấu nghịch, còn được gọi là siêu lọc. Phương pháp này dùng nguồn năng lượng lớn để tạo áp suất ép nước chảy qua các tấm màng dày, giúp lọc nước muối và chuyển nó thành nước uống được. Hệ thống khử muối mới của ông Lechuga cũng sử dụng phương pháp thẩm thấu nghịch nhưng chỉ cần một ít năng lượng để tạo áp suất. Hệ thống này kết hợp giữa việc sử dụng công nghệ quay ly tâm để tạo áp suất với một màng lọc có dạng cánh quạt giúp nước chảy qua dễ dàng hơn trong khi vẫn lọc sạch tạp chất.

Tiến sĩ Lechuga cho biết hệ thống khử muối của ông tiết kiệm 25% chi phí sản xuất và bảo dưỡng so với các hệ thống thông thường. Ông nói: “Hệ thống ly tâm thẩm thấu ngược tiêu thụ ít năng lượng. Không gian của nhà máy khử muối cũng nhỏ hơn và chi phí xây dựng tiết kiệm hơn so với các hệ thống khác.”

Một trong những ưu điểm của công nghệ ly tâm là tách các tạp chất khỏi nước biển. Điều này giúp tiết kiệm chi phí cho nhà máy khử muối do không cần sử dụng hóa chất lọc nước vốn làm giảm độ bền của các tấm màng lọc. Tiến sĩ Lechuga hy vọng hệ thống khử muối này sẽ sớm được đưa vào sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu nước ngọt đang gia tăng của cư dân ở Yucatan cũng như ở các khu vực ven biển khác.

Anh Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *