Vào mùa Đông, miền Bắc Nhật Bản rất lạnh. Để chống chọi với thời tiết khắc nghiệt, từ xưa, người dân ở đây đã phát triển những kỹ thuật dệt may có thể giúp họ giữ ấm.
Trong chương trình hôm nay, mời quý khán giả đến 2 tỉnh miền Bắc của Nhật Bản là Akita và Yamagata để tìm hiểu về những kỹ thuật dệt may truyền thống này.
“Tôi đang có mặt tại tỉnh Akita. Đây là nơi có mùa Đông rất khắc nghiệt. Bộ kimono tôi đang mặc được dệt từ loại vải tên zenmai-ori. Zenmai là một loại dương xỉ. Do vải này có thành phần từ dương xỉ nên được gọi là zenmai-ori.”
Ít ai nghĩ rằng dương xỉ có thể dùng để dệt nên những tấm vải may áo kimono truyền thống. Khi chưa ra lá, chồi non của dương xỉ được bọc bởi một lớp lông tơ màu vàng óng. Người ta tách lớp lông này ra, sau đó xử lý chúng để làm sợi dệt vải.
– Chúng tôi còn dùng một thứ khác để se sợi
– Bông mịn quá! Nó là gì vậy?
– Chúng tôi sử dụng lông tơ của loài chim.
– Đây là sợi được se với zenmai. Còn đây là sợi được se với lông tơ của loài chim nước. Chúng được sử dụng làm sợi dệt ngang.
Hầu hết vải may kimono mùa Đông sử dụng sợi dệt ngang có zenmai. Ở vài chỗ, thợ dệt sẽ chèn vào sợi se với lông tơ của chim để phù hợp với các hoa văn trên vải.
Cũng để giữ ấm, cư dân ở thành phố Sakata, tỉnh Yamagata đã phát triển những kỹ thuật may độc đáo nhằm tận dụng hết vải thừa để làm quần áo dày hơn và bền hơn. Một trong số đó là kỹ thuật khâu sashiko.
“Kỹ thuật khâu sashiko được dùng để may vải bông, giúp quần áo dày và bền hơn. Ngày nay, kiểu khâu này vẫn được sử dụng để trang trí.”
Chiếc áo này được may cách đây 100 năm, sử dụng đường khâu sashiko để áo ấm hơn.
“Đây là họa tiết lúa gạo, đại diện cho ước muốn của người nông dân về mùa màng bội thu. Trong khi đó, họa tiết vảy cá đại diện cho nguyện vọng của ngư dân được đánh bắt đầy lưới.”
Kỹ thuật khâu sashiko ra đời cách đây khoảng 500 năm. Mỗi địa phương có những mẫu hoa văn riêng, tùy thuộc vào nghề truyền thống của họ.
Thị trấn Yuza nằm dưới chân núi Chokai, có kỹ thuật khâu sashiko rất độc đáo.
“Có đến 126 hoa văn được sử dụng trong các trang phục may bằng kỹ thuật khâu sashiko ở Yuza.”
Bà Domon Reiko cho biết, ngày xưa, vào mùa Đông, người dân phụ thuộc vào củi để sinh tồn. Nam giới mặc áo khâu sashiko đi lên núi Chokai lấy củi. Những hoa văn trên áo là lời cầu nguyện thần núi bảo vệ họ bình an.
Chiếc áo được khâu bằng kỹ thuật sashiko là hiện thân của lịch sử, văn hóa và cuộc sống của người dân Sakata trong hàng trăm năm. Giờ đây, dù có nhiều kỹ thuật tiên tiến giúp con người giữ ấm, nhưng các phương pháp dệt may truyền thống vẫn tiếp tục được sử dụng tại Nhật Bản nhằm bảo tồn di sản văn hóa của quốc gia.
Hồng Anh