Theo thống kê của tờ Gazzetta dello Sport, Serie A đã thiệt hại gần 2 tỷ bảng trong vòng hơn 10 năm qua, do hợp đồng bản quyền truyền hình riêng biệt của từng CLB.

Có thể nói, bản quyền truyền hình là nguồn thu sống còn ở mỗi giải VĐQG, đồng thời cũng là tiêu chí để đánh giá mức hấp dẫn của các giải đấu này. Theo đó, Premier League hiện là giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh với gói thầu truyền hình lên đến 2,7 tỷ bảng với thời hạn 3 năm 2010-2013 (ước tính trước khi Setanta Sports phá sản).

Sự manh mún của các CLB Serie A khiến các nhà đầu tư có cơ hội "dìm giá".

Không giống như cách thức ăn chia công bằng như ở Premier League, tất cả các CLB ở Serie A đều hoạt động theo phương thức “ăn chia xé lẻ”, nghĩa là mỗi đội bóng sẽ phải tự đàm phán lấy bản quyền truyền hình với các đối tác. Và dĩ nhiên, các đại gia ở Serie A như AC Milan, Juventus, Inter và Roma sẽ chiếm được miếng bánh to nhất về bản quyền truyền hình.

Cách thức hoạt động này thể hiện sự manh mún, tự phát và dễ dàng tạo điều kiện cho các nhà đầu tư “dìm giá” đối với các đội bóng “thấp cổ bé họng”, khiến cho sự “phân hóa giàu nghèo” ở Serie ngày càng sâu sắc.

Trước thực trạng đáng buồn trên, BTC Serie A đã quyết tâm học hỏi kinh nghiệm của Premier League. Theo đó, kể từ mùa giải 2010/11, tất cả sẽ gộp lại trong một gói thầu truyền hình chung và đấu giá bán cho các nhà đầu tư. Do đó, mỗi đội bóng sẽ được hưởng số tiền bản quyền truyền hình giống nhau một cách công bằng, và Serie A trở thành “thế giới phẳng” dưới góc độ tài chính bản quyền truyền hình.

Dự kiến, Serie A sẽ bán được gói bản quyền truyền hình với giá không dưới 1 tỷ bảng/năm nếu áp dụng kế hoạch này. Điều đó chứng tỏ họ đã thua lỗ khoảng 200 triệu bảng mỗi năm trong hơn một thập kỷ vừa qua (từ 1998, cộng số tiền hợp đồng truyền hình đơn lẻ của toàn bộ Serie A chỉ là 800 triệu bảng/năm).

Bước chuyển biến này sẽ đánh dấu một giai đoạn mới tươi sáng hơn ở Serie A, bởi các “đại gia” vốn hưởng lợi nhiều hơn từ các hợp đồng tuyền hình cá nhân sẽ phải thay đổi cấu trúc tài chính kể từ năm 2010.

Hiện tại nhiệm vụ cấp bách của mỗi CLB ở Italia là không ngừng tăng cường hoạt động kinh doanh như bán áo đấu, lợi nhuận thu được từ các quảng cáo của các cầu thủ và lôi kéo khán giả đến sân nhằm thu tiền bán vé các trận đấu. Từ đó, mới có thể xóa bỏ tình trạng các CLB đều phải “ăn nhờ ở đậu” vào các SVĐ thuộc sở hữu của các thành phố.

Theo VTC

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *