Bên bờ hạnh phúc

Nắm tro tượng trưng của chú Sáu Dân (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) cuối cùng đã được rải trên đoạn sông Sài Gòn chảy qua huyện Củ Chi “đất thép thành đồng” như ước vọng của ông. Nơi ấy, cách đây 43 năm, người vợ yêu quý và hai người con nhỏ của ông đã bị giặc Mỹ giết hại…

Nỗi đau khôn nguôi

43 năm trước, vào ngày 17 tháng Chạp, bà Trần Thị Kim Anh – người vợ đầu tiên của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt – cùng hai người con thơ trên đường ra chiến khu thăm ông đã gặp trận càn của giặc Mỹ và bị giết hại. Bà Kim Anh ra đi ở tuổi 33; người con nhỏ nhất tên Khiết Tâm khi ấy mới được 4 tháng tuổi…

Và từ ngày ấy, tâm hồn ông không nguôi ngoai niềm thương nhớ nơi khúc sông Sài Gòn chảy qua địa phận huyện Củ Chi, nơi vợ và hai con của ông đã gởi trọn thân xác.

Nỗi nhớ nhung và hoài niệm về người vợ quá cố cứ vương vấn mãi trong lòng chú Sáu Dân (tên người dân yêu quý gọi cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) đến ngày ông qua đời.

GS Tương Lai, bà Bảy Nghệ… những người thân quen với gia đình cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại nghi lễ rải tro.

Trong di bút của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt gởi Đảng bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Long quê nhà vào năm 1999 vừa công bố gần đây, ông bày tỏ nỗi đau khôn nguôi về những mất mát trong gia đình. Ông viết: “…Sanh đâu, nằm xuống ở đó nhưng tôi có một hoàn cảnh riêng khá đặc biệt. Người vợ quá cố của tôi và hai con tôi nằm xuống tại một đoạn sông Sài Gòn, không tìm được xác do giặc Mỹ sát hại (1966). Những nỗi đau không nguôi gần 30 năm. Và từ đó tôi có một nguyện vọng: khi tôi qua đời được hỏa táng và rải tro xuống đoạn sông Sài Gòn để trọn nghĩa thủy chung, đúng đạo lý của con người bình thường. Nếu có một thế giới nào đó ở bên kia thì tôi sẽ gặp lại vợ con tôi, còn không chắc là không thì tâm hồn cũng được thanh thản…”.

Ước nguyện của ông không thành. Tuy vậy, nói như GS Tương Lai, người kề cận với gia đình chú Sáu Dân: “Ông Võ Văn Kiệt không phải của gia đình mà là người của cả nước. Ước nguyện rải tro xuống sông để trọn nghĩa thủy chung với vợ con của ông không nhất thiết phải là tro bụi của thân xác. Những vật dụng quen thuộc thuở sinh thời của ông cũng có ý nghĩa tương tự, miễn là ở cái tâm”.

Gia đình cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đốt những di vật gắn bó với ông lúc ông còn sống: cặp kiếng lão, chiếc mũ tai bèo và đặc biệt, di ảnh của ông được rước từ núi thiêng Yên Tử. Tất cả đã được rải xuống đoạn sông Sài Gòn, như ước nguyện của ông.

“Nguyện vọng của ba tôi là được hỏa thiêu. Rồi vào đúng ngày giỗ của mẹ mang tro cốt tới đoạn sông mà trước đây mẹ mất rải xuống…” – những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt chị Hiếu Dân, con gái cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Trọn nghĩa thủy chung

Nói về nỗi mất mát của gia đình, chị Hiếu Dân cho biết: “Gia đình đã cố tìm mọi cách để tìm lại hài cốt mẹ và các em nhưng không thành công. Sau này, ba tôi nói hãy để mọi chuyện bình yên như vậy và hãy nhớ về mẹ bằng tấm lòng”.

Chị Hiếu Dân kể: khi mẹ mất, chị còn ở tuổi đôi mươi. Nhưng mãi đến năm 1972, chị mới hay tin dữ ấy. Có một thời gian, chị Hiếu Dân và anh Võ Dũng được bà Bảy Huệ (vợ cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh) dẫn ra miền Bắc. Nhưng anh Võ Dũng kiên quyết đòi về Nam chiến đấu và hy sinh tại chiến trường miền Nam. Lúc bấy giờ, ông Sáu Dân làm chính ủy quân khu 9.

“Mẹ về bên ngoại sanh em bé được 4 tháng. Mẹ mừng lắm và muốn đưa lên chiến khu cho ba biết mặt nhưng chưa kịp tới nơi…”- chị Hiếu Dân bồi hồi nhớ lại. “Mẹ tôi là người phụ nữ rất hiền lành, chăm con rất kỹ và chỉ biết dành tất cả tình cảm cho gia đình”.

Chị Hiếu Dân nói nhớ mãi hình ảnh của mẹ khi bà chuẩn bị đồ đạc cho chị ra Bắc. Bà chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ bàn chải đánh răng đến bộ đồ và cuốn nhật ký mà chị rất quý nhưng không may đã thất lạc do bom đạn trong lần sơ tán ra Hòa Bình.

Trong cuốn nhật ký, bà Kim Anh ghi lại những kỷ niệm rất đơn sơ, từ chuyện bà mang thai đến khi thai nhi thành hình và quẫy đạp trong bụng. “Bà còn ghi rất rõ tính cách của từng đứa; mỗi đứa hay mắc bệnh gì".

Bình tro được đốt từ những di vật của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt được thả xuống sông Sài Gòn, đoạn chảy qua huyện Củ Chi để thỏa ước nguyện lúc sinh thời của ông là được gặp lại vợ con đã bị giết hại tại khúc sông này.

Cuốn nhật ký có một đoạn mà chị Hiếu Dân đọc đi đọc lại rất nhiều không chán. Đó là lần ông Sáu Dân và bà Kim Anh tranh luận về cái tên của chị.

“Mẹ tôi muốn đặt tên Ngọc Hạnh trong khi ba lại muốn đặt tên là Hiếu Dân. Mẹ nói tên Hiếu Dân nghe giống tên con trai. Hai người có hơi căng thẳng về chuyện đặt tên. Sau này trong giấy khai sinh, tôi có tên Hạnh nhưng tên Hiếu Dân được dùng thường xuyên hơn. Do có cái tên đặc biệt nên khi đi sơ tán, tôi luôn được xếp ở với con trai vì hiếm khi có cái tên trùng Hiếu Dân”.

Bà Bảy Nghệ, một người bạn chiến đấu với chú Sáu Dân nhớ lại: “Sau khi vợ mất, anh Sáu Dân có ra Bắc ghé nhà tôi kể chuyện. Ông nói một câu mà tôi nhớ mãi: “Từ ngày vợ tôi mất đến giờ, tôi vẫn thủ tiết thờ vợ tôi”.

Rồi chú Sáu Dân tâm sự với bà Bảy Nghệ: “Tôi rút kinh nghiệm rồi, cái gì vội quá cũng không hay. Như nhà tôi đẻ được đứa con mừng quá, đem đi khoe với chồng. Tới Sài Gòn, cơ sở nói giặc đang càn bố khuyên ở lại Sài Gòn đừng đi nhưng nóng lòng quá cứ đi…”.

Ông Trần Quang Hiến, anh vợ của chú Sáu Dân kể lại kỷ niệm: “Em tôi mất rồi, Sáu Dân rất đau khổ, lúc nào cũng nói tới vợ con. Ông thường nhắc lại kỷ niệm: phía sau nhà tôi có cái ao sen, mỗi lần về phép thăm gia đình, hai vợ chồng cùng nhau giặt quần áo. Một thời gian dài, dượng Bảy (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt- PV) đi Việt Bắc 3 năm sau mới trở về. Ông về bất ngờ, đang lúc gia đình đang đổ bánh xèo. Tôi thấy ai dáng như dượng Bảy đang đi trên bậu. Rồi hai anh em nhận ra nhau, chạy lại ôm chầm lấy nhau. Còn Út Nhỏ (tên thường gọi trong gia đình của bà Kim Anh- PV) đang quét sân, mới trông thấy dượng Bảy liền liệng chổi chạy vào buồng khóc”.

"Tôi có một nguyện vọng: khi tôi qua đời được hỏa táng và rải tro xuống đoạn sông Sài Gòn để trọng nghĩa thủy chung, đúng lời hẹn ước ban đầu…:- Trích di bút cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Ông Hiến nói rằng có biết chú Sáu Dân để lại di bút nêu ước nguyện đốt xác ông thành tro rải xuống sông để ông sum họp với vợ con. “Đối với tôi, câu nói đó hoàn toàn là thật”.

Và sáng 11/1, nhân ngày giỗ của bà Kim Anh, những người con của chú Sáu Dân đã thực hiện nghi thức rải tro, hoàn thành ước nguyện của người cha quá cố.

Nắm bụi tro tượng trưng được đốt từ di ảnh và những di vật quen thuộc của chú Sáu Dân được rải xuống đoạn sông Sài Gòn chảy qua huyện Củ Chi, nơi vợ con ông bị giết hại.

Hạt bụi tro vướng trên những đóa hoa cúc nổi bồng bềnh trên mặt nước, xoay tròn vào nhau như mừng rỡ ngày sum họp…

Theo Trần Duy- Thái Thiện (VietNamNet)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *