Sỏi thận là một trong những nguyên nhân dẫn đến suy thận, chạy thận gây tổn hại lớn về sức khỏe và kinh tế cho người bệnh.

Do đó, phát hiện sớm và điều trị khỏi hoàn toàn sỏi thận là điều đáng được quan tâm.

 

1. Sỏi thận là gì?

Sỏi thận là hiện tượng các chất khoáng trong nước tiểu lắng đọng lại ở thận, lâu ngày kết lại tạo thành sỏi. Những viên sỏi nhỏ có thể theo nước tiểu ra ngoài, còn những viên sỏi lớn sẽ tích tụ lại trong thận, ngày càng lớn hơn và gây tắc nghẽn đường tiết niệu, làm cho chức năng thận suy giảm, nhất là khi có sự kết hợp của viêm nhiễm sẽ dễ gây ra suy thận.

Sỏi thận là bệnh thường gặp ở nam giới nhiều hơn nữ, tuổi thường gặp là 30 – 50 tuổi, ít gặp ở trẻ em. 

2. Triệu chứng nghi ngờ bị sỏi thận

Sỏi thận có thể có hoặc không thể gây ra các dấu hiệu và triệu chứng cho đến khi nó di chuyển vào niệu quản – ống nối liền thận và bàng quang. Vào thời điểm đó, những dấu hiệu và triệu chứng có thể xảy ra:

– Đau dữ dội ở một bên và lưng, dưới các xương sườn. Cơn đau có thể lan đến vùng bụng dưới và háng, cơn đau kéo dài hàng giờ, thường xuất hiện sau khi vận động mạnh.

– Đau khi tiểu tiện, nước tiểu đục, có màu hồng, màu đỏ hoặc nâu.

– Một số triệu chứng khác: buồn nôn và nôn, tăng số lần đi tiểu, sốt và ớn lạnh nếu nhiễm trùng hiện tại. 

3. Nguyên nhân gây sỏi thận

Sỏi được hình thành trong thận có thể do nhiều nguyên nhân, nhưng có thể do một số nguyên nhân chính sau:

– Sỏi thận do lắng đọng các chất khoáng: do bạn uống không đủ nước (đặc biệt là đối với những người lao động nặng), hay nhịn tiểu; do dị dạng đường niệu hoặc do các bệnh lí làm tắc đường dẫn niệu lâu ngày dẫn đến hình thành sỏi. Những bệnh nhân bị u xơ tiền liệt tuyến, u xơ đội lên trong lòng bàng quang khiến nước tiểu đọng lại ở khe kẽ. 

– Chế độ ăn uống không hợp lý (chỉ ăn thiên lệch một loại thực phẩm, ăn quá nhiều thịt hoặc rau, ăn mặn, chế độ ăn quá giàu canxi…) hoặc những bệnh nhân bị chấn thương nặng, phải nằm một chỗ, uống nhiều sữa, ít nước. 

–  Nhiễm trùng đường sinh dục: Nguyên nhân này thường gặp nhiều ở nữ giới, do đường tiết niệu ngắn hơn nam giới và khi cơ quan sinh dục không được vệ sinh sạch sẽ, nên vi trùng dễ có cơ hội xâm nhập gây viêm đường tiết niệu, tạo mủ và lắng đọng các chất bài tiết của cơ thể, gây nên sỏi. 

– Có dị vật trong bàng quang (hiếm gặp): Những dị vật (lá cây, cỏ, rơm, hoặc do thông tiểu bị tụt ống thông vào trong bàng quang) vì những lí do khác nhau mà tồn tại ở bang quang, làm lắng đọng các chất khoáng tạo thành sỏi. 

4. Phòng bệnh sỏi thận

– Uống nhiều nước: Đây là lời khuyên đầu tiên các bác sĩ dành cho bạn. Uống đủ nước sẽ không chỉ làm máu lưu thông tốt hơn, hòa tan các chất mà còn làm nhiệt độ cơ thể được điều hòa tốt, giúp thải trừ các chất cặn bã để ngăn ngừa bệnh tật. 

– Hạn chế ăn mặn và giảm lượng canxi: đây là hai yếu tố cần hạn chế trong thực đơn của bạn vì chúng liên quan chặt chẽ đến hình thành sỏi thận.

– Chế độ dinh dưỡng khoa học: giúp cung cấp các yếu tố dinh dưỡng hài hòa, không thiên lệch về bất cứ yếu tố nào.

– Tăng cường uống nước chanh: axit citric có trong quả chanh giúp ngăn chặn các khoáng chất và những thành tố khác của nước tiểu dính vào nhau và hình thành sỏi thận.

Nguồn: T. Hiền ( Trí thức trẻ )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *