2/09, 2:21 pm
Về Cà Mau, nhớ ăn bún nước lèo!
Là mảnh đất cuối cùng ở cực Nam của Tổ quốc, Cà Mau hấp dẫn với nhiều huyền thoại về lịch sử khẩn hoang một thời mở cõi của cha ông, đặc biệt nổi tiếng với nhiều địa danh mang đậm phong cách tự nhiên thuần tuý như rừng U Minh, hòn Đá Bạc … Và, có lẽ chính nét độc đáo của văn háo ẩm thực ở đây đã góp phần níu chân du khách – những ai mới lần đầu đến với xứ sở diệu kỳ của miền sông nước này …
Phóng khoáng, chịu chơi, và hiếu khách là những đặc trưng của người Cà Mau nói riêng và cũng là cái “cốt cách” của người Nam Bộ nói chung. Có lẽ được sinh ra từ vùng đất nhiều sông rạch, giàu tôm, lắm cá nên người ở vùng đất cuối cùng của phương Nam này sớm khai thác triệt để lợi thế ấy qua việc chế biến những món ăn hấp dẫn, bắt mắt, “không đụng hàng” và dễ làm xao xuyến lòng thực khách. Những ai đã từng một lần đặt chân đến mảnh đất Cà Mau, được nếm qua món tép bạc nướng than đước hay món cá lóc đồng xỏ lụi nướng trui, đêm thả thuyền trên sông vừa nhâm nhi ly rượu xứ “nước mặn, đồng chua” với món canh chua cá ngát … mới thấy hết phong vị đậm đà, độc đáo của nét ẩm thực và mới “cảm” hết cái chân tình, hiếu khách của người Cà Mau! Nhưng nếu ai đó được một lần thưởng thức món bún nước lèo Cà Mau thì chắc chắn … cả đời sẽ khó quên được, bởi hương vị tuyệt vời và hấp dẫn của món ăn tuy dân dã nhưng rất đặc biệt này.
Mỗi vùng đất có một nét đặc trưng riêng về ẩm thực! Nếu món bún nước lèo Sóc Trăng được chế biến bằng cách cho nước mắm, nước luộc tép, cá, nước dừa xiêm, nước trong vào nấu sôi cùng với ngải bún, sả cây … thì món bún nước lèo Cà Mau được chế biến có phần khác hẳn. Trước tiên cho xương heo (loại ngon) vào ngâm nước lạnh, rửa sạch rồi bỏ vào nồi lớn, đổ ngập nước đem đun. Sau khi thấy nước bắt đầu sủi bọt thì vớt xương ra rửa sạch, đổ bỏ nước rồi đem đun sôi, vớt sạch bọt, sau đó hầm lửa nhỏ độ chừng 2-3 giờ liền. Tiếp tục cho thịt ba rọi vào nồi xương luộc, khi thấy thịt chín có thể vớt ra rửa qua nước lạnh. Chọn tép bạc cỡ ngón tay người lớn, loại vỏ mềm cho vào luộc chung, khoảng 15 phút vớt tép ra. Cho sả cắt khúc vào nồi nấu rồi nhúng mắm lóc (hoặc mắm sặc) vào nồi súp, sau đó vớt bỏ phần xác mắm. Ở một số nơi còn biến tấu bằng cách cho thêm cá lóc vào tô bún. Điều này càng làm tăng thêm phần hấp dẫn của món ăn, nhưng xem ra lại “trật” so với nguyên bản của món bún nước lèo xứ Cà Mau. Lúc này, người nấu chỉ cần nêm nếm gia vị cho vừa ăn là coi như đã hoàn tất phần chế biến món bún nước lèo Cà Mau.
Thịt ba rọi sau khi vớt ra ngoài sẽ được thái mỏng trong lúc còn nghi ngút khói. Hẹ cắt khúc vừa ăn cho vào tô, xếp giá, bắp chuối xắt mịn, hành ngò thái mỏng, tép bạc để nguyên con rồi cho bún đã được trụng chín lên trên, cuối cùng là cho nước súp đang sôi sùng sục vào tô. Lúc này, thực khách chỉ việc cho thêm vào tô bún chút tiêu, ớt, vắt thêm lát chanh tươi và bỏ thêm chút rau thơm (tuỳ vị) là có thể từ từ thưởng thức món ăn tuyệt hảo và “không – bao – giờ – đụng – hàng” của văn hoá ẩm thực Cà Mau này!
Theo Báo An Giang