Ngày Tết không thể thiếu bánh mứt cho cả năm mới được “ngọt ngào”. Bên cạnh những loại mứt truyền thống, hãy làm thêm vài thứ bánh kẹo dễ chế biến để đổi vị.
Bánh đậu xanh
Đậu xanh cà ngâm qua đêm, đãi sạch vỏ, hấp chín, xay hoặc giã cho thật mịn. Cho đậu xanh vào chảo, làm tơi ra, trộn thêm đường, để khoảng 30 phút cho đường chảy nước làm ướt đậu. Bắc chảo lên bếp, để lửa vừa, đảo đều tay cho đến khi đậu ráo, không dính chảo là được, rắc thêm vani vào rồi tắt bếp.
Chuẩn bị khuôn bánh chữ nhật nhỏ, rắc ít bột năng vào cho khuôn trơn, cho đậu vào khuôn, ấn mạnh để bánh rơi ra, xếp bánh vào khay đem nướng ở nhiệt độ thấp khoảng một-hai giờ, bánh khô và không bị cháy. Chờ bánh thật nguội, dùng giấy trắng bọc bên trong rồi dùng giấy bóng kiếng màu bọc ngoài cho đẹp.
Bánh phục linh
Bột năng cho vào chảo, trộn với lá dứa cắt khúc, rang lửa nhỏ, đảo đều tay đến khi bột có mùi thơm, bóp nhẹ lá dứa giòn bể là được. Bột nguội, dùng rây lược bỏ lá dứa. Vắt nước cốt dừa cho vào nồi, thêm đường vào thắng sệt lại. Lá dứa trụng sơ rồi xay nhuyễn vắt nước, trộn vào nước cốt dừa làm màu xanh, có thể thêm màu hồng thực phẩm khuấy với ít nước rồi cho vào nước cốt dừa để làm màu hồng.
Chia bột thành nhiều phần, một phần để màu tự nhiên, các phần còn lại để cho màu tùy ý. Nấu sôi lại nước cốt dừa đã pha màu (phần trắng tự nhiên thì không pha màu), để nguội ấm, từ từ đổ vào bột, đến khi bột vừa đủ ẩm. Cho bột vào khuôn, ấn bánh ra. Nếu muốn để lâu thì đem nướng rồi bọc giấy.
Bánh in
Đậu xanh không vỏ ngâm nở, nấu chín, xay nhuyễn, cho đường vào sên đến khi đậu ráo, trộn ít mứt bí cắt hạt lựu vào. Cho đường cát và nước lọc vào nồi nấu, đường kéo chỉ thì nhấc xuống để nguội, cho nước cốt chanh vào, dùng đũa khuấy cho đường đặc lại, thêm nước hoa bưởi vào trộn đều. Đổ nước đường này vào trộn với bột bánh in, cán đều cho đường bột quyện với nhau.
Cho bột vào khoảng 1/3 khuôn, cho nhân đậu xanh vào giữa, rải thêm một lớp bột bên trên, ấn chặt, lấy bánh ra khuôn, để khoảng 30 phút sau, bánh hơi ráo mới cắt miếng vừa ăn.
Kẹo đậu phộng
Đậu phộng rang chín, bóc bỏ vỏ. Mè trắng cũng rang vàng. Chuẩn bị khay hoặc mâm lớn, phết lớp dầu lên rồi dùng giấy lau khô, rải ít mè lên.
Cho đường vào chảo, đổ thêm ít nước lạnh, bắc lên bếp nấu lửa nhỏ khuấy tan đường, sau đó chờ đường “tới”, có thể thử bằng cách nhỏ giọt đường vào nước thấy đông cứng lại là được. Cho thêm mạch nha vào, đảo nhanh tay để đường và mạch nha hòa quyện. Tắt bếp, đổ đậu phộng và mè vào, đảo đều. Nhanh tay đổ kẹo ra mâm đã có mè sẵn, kẹo vừa nguội thì cắt thành miếng, không để lâu, kẹo cứng sẽ khó cắt.
Kẹo chuối
Dừa nạo lấy nước cốt. Đậu phộng rang vàng, bóc vỏ. Mè trắng rây sạch rồi cũng rang vàng. Chuối sứ chọn trái chín muồi, lột vỏ quết nhuyễn, cho vào nồi lớn, đổ nước dừa vào cho xăm xắp mặt chuối, cho tiếp đường vào, thêm chút muối và nước cốt gừng, bắc lên bếp khuấy đều với lửa nhỏ cho đến khi chuối đặc lại. Cho một muỗng bột năng vào, đảo đều, bột chín thì nhấc nồi chuối xuống.
Chuẩn bị mâm sạch và ống cán, rải ít bột năng lên, đổ chuối còn nóng vào khay, dùng ống cán đều, sau đó rắc mè và đậu phộng lên. Chờ nguội cắt miếng vuông. Dùng giấy bọc lại. Cho vào keo để ăn dần.
Kẹo táo dẻo
Chọn mua loại táo đỏ Mỹ, gọt vỏ, cắt lát mỏng cho vào nồi nước xăm xắp mặt. Bắc lên bếp nấu sôi, vặn lửa nhỏ nấu thêm vài phút cho táo mềm. Nhấc xuống, cho táo vào máy xay nhuyễn thành hỗn hợp hơi sánh, đổ lại vào nồi.
Cho thêm đường và nước cốt chanh, bắc táo lên bếp nấu tiếp, khuấy đều tay cho đến khi hỗn hợp đặc sệt lại. Hòa ít bột gelatin cho vào táo để kẹo đông dẻo. Nấu sôi và khuấy đều là được. Lấy kẹo ra, trải lên mâm, chờ nguội và kẹo hơi se mặt thì rắc thêm lớp đường lên. Cắt miếng vừa ăn, dùng giấy bóng bọc lại.
Nguồn: Nhã Văn ( PNO )