Con vật có hình dạng trông rất giống con cua, nhưng nhỏ hơn với ba vạch trên chiếc mai màu sẫm, được gọi là ba khía. Đây là loại đặc sản nổi tiếng nhất vùng Đất Mũi.
Khi nhắc đến Cà Mau, nhiều người liên tưởng ngay đến ba khía. Ở ĐBSCL, không nơi nào nhiều ba khía như ở Cà Mau. Ngay ở Đất Mũi, ba khía cũng chia vùng để sinh sống. Tuy nhiên, chỉ có ở vùng Rạch Gốc – Tân Ân là có ba khía nhiều nhất, thịt cũng thơm và ngon nhất. Ba khía ăn toàn trái mắm đen, nên gạch son nhiều, chắc nịch và rất thơm.
Một hiện tượng rất kỳ lạ là vào những ngày giữa tháng 10 âm lịch, không biết từ đâu, ba khía kéo về tập trung với số lượng rất lớn, không biết cơ man nào mà kể. Hàng ngàn, hàng triệu con chen chúc, đua nhau bám vào những trang đước, thân mắm, quần hội cả một vùng. Người dân nơi đây gọi hiện tượng này là "ngày hội ba khía”. Mỗi năm, chúng chỉ xuất hiện khoảng 3 ngày. Sau ngày hội hoành tráng, chúng tản đi hết, hẹn đến năm sau mới tái ngộ.
Vào những ngày diễn ra hội ba khía, người dân quê tôi đi bắt rất đông. Bằng các phương tiện cơ động nhất như xuồng máy đuôi tôm, rồi thì xuồng chèo, họ cùng nhau vào rừng từ rất sớm, sao cho khi trời vừa sập tối, ba khía từ dưới hang bò lên quần hội là có thể bắt tay vào bắt cho thật nhiều.
Ai cũng có thể bắt được ba khía, từ đàn ông, đàn bà đến em bé. Thường khi ba khía nhiều thì chia ra, người cầm giỏ, người cầm đèn và người bắt. Người lãnh trách nhiệm bắt ba khía phải đeo bao tay để khỏi bị kẹp. Khi ba khía tập trung quá nhiều thì dùng hai tay mà hốt chứ bắt từng con làm sao cho xuể. Nhiều người mê bắt ba khía đến nỗi bị chúng kẹp sưng cả tay. Người lớn còn vậy, nói chi bọn trẻ con. Mấy đứa nhỏ quê tôi mê bắt quá, thức suốt đêm, hôm sau hai mắt đỏ ngầu, sưng bụp… thấy mà thương!
Sau hôm bắt, ba khía được đem ra chế biến. Người ta rửa sạch bùn bám trên thân chúng. Thông thường, ba khía hội thì sạch, hoặc rất ít bùn, sau đó chuẩn bị nước muối. Nước muối phải đạt độ mặn nhất định, không lạt quá, mà cũng không được mặn quá. Nếu lạt quá thì thịt ba khía sẽ mau bị bủn và mất mùi thơm. Nếu mặn quá thì thịt sẽ bị xẵng, cũng không ngon. Kinh nghiệm pha nước muối là bỏ hạt cơm nguội vào, nếu hạt cơm nổi lờ đờ là được. Nước muối chuẩn bị xong thì cho ba khía vào. Dụng cụ đựng ba khía là khạp hay các loại xô nhựa to, đậy kín miệng, sau khoảng bảy ngày là có thể ăn được.
Để ba khía trở thành món ăn ngon, đòi hỏi phải qua nhiều công đoạn chế biến. Trước tiên là tách thân ra khỏi mai, xé ba khía thành từng mảnh nhỏ, sau đó thêm vào chanh, ớt, tỏi, đường. Ớt phải là ớt trái, cắt khoanh, không ăn cùng ớt khô. Trên mâm cơm nhất định phải có các loại rau sống như dưa leo, rau thơm, rau răm, đặc biệt là sẽ rất ngon nếu có thêm chuối chát, bần, ổi…
Mai ba khía không được bỏ, mà phải cho cơm nóng vào, trộn đều để lấy phần gạch son, sau đó trộn với cơm trắng, có thể gọi là món “mai ba khía trộn cơm” cũng được. Ba khía thường được chế biến thành nhiều món như ba khía sốt me, ba khía xào lá cách, ba khía luộc sả ăn với muối tiêu chanh. Tuy nhiên, khi nhắc đến ba khía, người ta thường nhớ ngay đến món ba khía muối. Có lẽ từ thuở khai hoang mở cõi, ba khía muối là món ăn được chế biến đầu tiên, rồi trở thành món đặc trưng của vùng đất hoang sơ và quyến rũ này.
Nghĩ đến thực trạng mai một của một loại đặc sản quê nhà mà cảm thấy xót xa. Nhiều người sẽ hụt hẫng khi một ngày nào đó về Cà Mau mà không được thưởng thức món ngon đặc trưng đã từng vang danh trong làng ẩm thực gần xa. Chợt nghĩ, tôi thấy thương con ba khía quê mình quá đỗi.
Chiêm Thành