Rau cần tây là loại rau ăn được di thực về nước ta từ lâu, là thực phẩm rất quen thuộc với người dân. Thành phần hóa học: Toàn cây có chứa tinh dầu; ngoài ra còn có đường saccarose, glucose, fructose, nước; protein; chất béo; các vitamin A, B1, B2, PP, đặc biệt vitamin C với hàm lượng cao. Trong 100g lá rau có tới 200mg vitamin C, nên chỉ cần ăn 30g lá mỗi ngày là đủ lượng vitamin C cần thiết cho cơ thể con người.
Một số cách dùng rau cần tây làm thuốc:
Nước ép lá cần tây 50ml, nước ép cà rốt 50ml, nước ép cà chua 50ml. Trộn đều, uống 1 lần trong ngày. Thuốc bổ dưỡng, kích thích thần kinh, làm cơ thể nhẹ nhõm và thân hình sẽ thon thả hơn.
Cần tây 250g sắc với 1 lít nước. Lấy nước ngâm chân. Chữa chân nứt nẻ. Nếu sắc với 2 – 3 lít nước và dùng nước để gội đầu làm bền chân tóc và bóng mượt tóc.
Nước ép ngó sen, rau cần tây: Nước ép cần tây 50ml, nước ép ngó sen tươi 50ml, nước ép củ cải trắng 30ml, sirô ô mai 5 giọt. Các loại nước ép và sirô ô mai cùng trộn đều, uống với nước lọc hoặc nước sôi. Mỗi ngày 1 lần. Dùng vào đợt kinh kỳ hằng tháng trong 5 ngày liền. Dùng cho trường hợp kinh nguyệt quá nhiều và dài ngày.
Cháo cần tây: Cần tây 200g, mơ hoặc mận ngọt 20g, gạo tẻ 60g. Cả ba thứ cùng đem nấu cháo, khi cháo được thêm đường phèn khuấy đều, chia ăn ngày 2 lần. Liên tục 7 – 14 ngày. Dùng cho trường hợp ù tai, điếc tai, giảm thính lực ở người cao tuổi hoặc do nhiễm độc các thuốc hóa chất.
Hoặc: rau cần tây tươi 60g, gạo tẻ 50 – 100g. Nấu cháo với 600 – 800ml nước, thêm chút muối và gia vị, chia ăn sáng và chiều. Ăn hằng ngày, dùng cho bệnh nhân tăng huyết áp, tiểu đường. Có thể xào cần tây với thịt cho chín tới, ăn đến khi có hiệu quả, không kéo dài.
Chè cần tây, bì sứa: Rau cần tươi 100g, bì sứa (hải triết bì) 50g. Rửa sạch thái lát, cho nước, nấu trong 20 phút cho chín, thêm 30g đường phèn khuấy đều. Ngày làm một lần chia 2 lần ăn. Dùng cho trường hợp viêm tuyến nước bọt.
Kiêng kỵ: Không dùng cho người tỳ vị hư hàn.
Theo TS. Nguyễn Đức Quang ( SK & ĐS )