Còn ở Việt Nam, cũng là nhân thịt lợn băm, cũng được bọc trong lá bột mỳ cán mỏng, nhưng trong nhân sủi cảo không có lá hẹ mà thay vào đó là hạt tiêu, nước mắm và tôm tươi băm nhuyễn. Viên sủi cảo được viên lại đơn giản chừng bằng quả táo nhỏ rồi được luộc chín.
Khi chín, những viên sủi cảo trắng hồng nổi bồng bềnh trên nồi nước, chúng được vớt ra và nhúng ngay vào bát nước sôi để nguội để các viên không bị dính lại với nhau.
Bát Sủi cảo Việt Nam |
Món sủi cảo của Việt Nam là một loại canh súp tổng hợp với rất nhiều thành phần bổ dưỡng. Ngoài những viên sủi cảo ra, trong mỗi bát còn có mấy lát gan luộc thái mỏng, một miếng trứng luộc và mấy lát xá xíu thịt thăn có đường viền hoa hiên màu hồng.
Để cho đỡ ngấy trước các thành phần giàu Protein, các loại rau theo mùa như cải cúc hoặc cải ngọt được trần và lót dưới đáy bát. Nước dùng cho món canh không đơn giản chỉ là nước xương hầm. Những con tôm khô và sá sùng được nướng thơm lên rồi thả vào nồi canh. Hai thứ động vật nhuyễn thể của biển này đã đem lại cho nồi canh thứ mùi thơm đặc trưng quyến rũ cũng như vị ngọt tự nhiên chỉ có ở cửa hàng sủi cảo – mỳ vằn thắn. Nước canh trong, ngọt vị xương, thơm mùi tôm nướng và không thể thiếu vị lá hẹ tươi làm nên bát sủi cảo đầy hấp dẫn.
Chỉ cần thêm một chút mỳ trứng, món sủi cảo đã được biến tấu thành món mỳ vằn thắn, đây là hai món thường được bán cùng nhau trong cùng một quán ăn.
Ngày nay, để thích ứng với sự thay đổi về khẩu vị của người dân, các nhà hàng còn chế biến thêm cho sủi cảo một cách thưởng thức nữa – đó là sủi cảo rán. Sủi cảo rán không viên tròn mà chỉ đơn giản là miếng vỏ bánh vuông gấp chéo có nhân bên trong.
Từ ý thích của một số khách hàng, trong bát sủi cảo, bên cạnh những viên sủi cảo truyền thống đã xuất hiện thêm miếng sủi cảo rán tự lúc nào, chắc cũng không ai cần nhớ nữa. Người ta chỉ nhớ rằng sủi cảo – mỳ vằn thắn là món ăn bổ dưỡng có thể ăn sáng, ăn trưa, ăn tối hay bất kỳ lúc nào nhớ đến nó.
Theo toquoc