Quê tôi ngày ấy có bến nước cầu ao, có chợ Sơn Đốc tấp nập ghe thuyền. Nơi ấy có bác thợ nhuộm, có hình ảnh những cô thôn nữ gội đầu bằng nước tro, có những món quà quê như bánh còng, bánh cam, quai vạt, vai chèo… Dĩ vãng đã lùi xa, Sơn Đốc bây giờ khác xưa nhiều lắm nhưng trong kí ức của tôi nó vẫn mãi đẹp như một giấc mơ cổ tích…
Chợ Sơn Đốc ngày ấy hôm nào cũng họp, bán nhiều nhất là vải, khăn, quần áo may sẵn và đặc biệt là các thứ bánh ăn kèm nước cốt dừa. Áo quần lúc ấy không nhiều kiểu như bây giờ, vải vóc thì quanh đi quẩn lại cũng chỉ có vải the, vải bố. Nhưng các kiểu đồ ấy khiến nhiều người cùng thời như tôi phải nhớ mãi: quần đáy lá nan cho người già với bản lưng quần rất to hay quần lưng vận không có dây cột, khi mặc phải xoắn vào trong bụng cho khỏi tuột. Khăn lúc ấy cũng chỉ có khăn vằn, thứ khăn gắn liền với kẻ “nhà quê” dùng được biết bao nhiêu việc: choàng hầu, đội đầu, tắm rửa… Ngày ấy, khi quần áo mặc lâu đã ngả màu bạc thếch, người ta lại đem nó đi nhuộm thành màu đen. Thế là có ngay bộ đồ mới, mặc thêm được nhiều lần. Tôi còn nhớ mãi hình ảnh bác thợ nhuộm với bếp củi, thùng nước nhuộm màu đen, cầm cái dầm khuấy đi khuấy lại mấy bộ quần áo rồi vớt ra giao cho khách. Công việc ấy cũng khấm khá lắm vì các làng xã xa xôi không có thợ nhuộm, chỉ duy nhất Sơn Đốc có mà thôi.
Ngày xưa cá tép còn nhiều, người đi chài lưới chỉ cần chịu khó một chút là đã có tép mang ra chợ bán. Khi ấy người ta không có thói quen cân như bây giờ, tép thì được đong bằng chén, cá đếm con rồi ước lượng, gạo đong bằng lít còn dừa cứ để nguyên buồng mà đếm trái. Đó cũng là lối sống phóng khoáng riêng của người miền Tây.
(Ảnh minh họa. Nguồn: cinet.gov.vn)
Và nhớ nhất là các thứ bánh: bánh bò hấp, bánh nướng, bánh bèo, bánh tằm, bánh chuối, bánh lọt… được ăn kèm với nước cốt dừa béo ngậy, thơm lừng, ngon đến tận chân răng, ăn mãi vẫn thèm. Rồi nào là bánh còng, bánh cam, quai vạt, bánh chèo, chỉ đơn giản làm bằng thứ gạo nếp làng quê nhưng sao ngon lạ. Sơn Đốc khi ấy nổi danh như một làng bánh của vùng đất Bến Tre xứ dừa.
Không biết có phải vì lúc ấy còn là trẻ con không mà sao tôi thấy cái gì của quê cũng đẹp, cũng ngon, cũng đáng nhớ. Tôi nhớ nhất là hình ảnh bếp lửa, nồi cơm và món tép nội rang. Bếp củi nhóm bằng lá dừa, mùi khói bếp pha lẫn với vị quê sao mà vấn vương khó tả. Lúc nhỏ, tôi sống cùng với nội. Trước nhà nội có cây me rất to, trái sai trĩu cành. Mỗi mùa me chín, bọn con nít trong xóm cứ nhìn mà thèm thuồng.
Riêng tôi, tôi thích nhất là được ăn cơm với món canh chua cùng tép đất rang nội nấu. Tép đất phải chọn con to, sậm màu, trơn bóng để khi rang hoặc nấu canh tép sẽ ngả màu gạch au au đỏ. Cách nội rang tép cũng rất đặc biệt. Trước khi rang, nội nhóm lửa bằng lá dừa, sau đó cho xơ và gáo dừa vào, đợi lửa cháy hết còn âm ỉ than mới cho tép vào nồi đất, cho chút muối, đổ mỡ vào và đậy nắp lại. Khi ấy, tép vẫn còn sống, nhảy lách tách trong nồi. Than gáo dừa khi cháy có mùi thơm rất lạ, quyện cả vào món tép rang, chỉ nghe không cũng đủ thích. Khoảng 10 phút sau, nội bắc nồi xuống bếp, trộn đều, rồi bắc trở lại khoảng 5 phút là xong. Màu đỏ của tép, màu trắng của muối trông thật hấp dẫn. Con tép lúc ấy cong bóng, nhìn rất thích mắt.
Món canh chua của nội cũng rất đặc biệt, chỉ nấu chung với giá và thơm. Giá này là giá sạch, được người ta trồng tự nhiên, cọng dài và mảnh, khi nấu phải cắt khúc. Tô canh chua nhìn không có gì cầu kì nhưng khi múc ra, cho thêm tí rau nêm đã khiến tôi ăn “hết nồi”. Cơm cũng được nấu bằng nồi đất, hạt cơm màu hồng nhạt chứ không trắng tinh như bây giờ, ăn vào rất ngọt – cái ngọt ban sơ của đồng quê.Từ ngày nội mất, tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh nội lui cui trong bếp chuẩn bị bữa cơm cho chúng tôi, bữa cơm ấy không thể thiếu món tép rang muối mặn mà tình thương của nội.
Chợ Sơn Đốc vào những ngày Tết nhộn nhịp hẳn. Có 1 mặt hàng đặc biệt vào những ngày này đó là chiếu Cà Mau, chẳng thế mà có bài ca cổ “Tình anh bán chiếu” nhiều người ngâm nga, thuộc làu và mê mẩn. Chiếu ấy đẹp, bền nhưng khá đắt, chỉ có người khá giả mới mua nổi. Rồi có những ghe chở mía da xanh (còn gọi là mía tây) ngọt mát và rất mềm mà trẻ con hầu như đứa nào cũng thích. Từ khoảng 23 âm lịch, ghe xuồng bắt đầu lui bến, người ta lại đem mùng mến chiếu gối ra bến sông giặt, chuẩn bị ăn Tết. Cả khúc sông khi ấy rộn ràng như ngày hội.
Tuổi thơ tôi luôn gắn liền với những hình ảnh bình dị thân thương như thế. Thế rồi khi bom đạn chiến tranh trút xuống mọi nhà, nội tôi phải kêu người tới dỡ nhà, cột ngói, tất cả đồ quý giá đều đem chôn, của cải, ruộng vườn mất sạch, chợ Sơn Đốc ngày nào cũng tan hoang.
Hôm nay, khi trở về, chợ Sơn Đốc vẫn còn đó, người ta lại buôn bán, nhóm họp đông đúc, nhà cửa hai bên khang trang hơn nhưng không còn hình ảnh ghe thuyền tấp nập họp chợ trên sông, không còn bác thợ nhuộm ngày ấy và ngay cả các thứ bánh cũng không ngon bằng ngày xưa, vị nước cốt dừa dường như nhạt hẳn. Có lẽ vì tôi đang mang tâm trạng hoài cổ chăng? Những đứa con của tôi lớn lên không thể hình dung hết những gì mà tôi kể cho chúng hôm nay nhưng ký ức đã theo tôi suốt gần 2/3 cuộc đời về ngôi chợ thân thương này cũng sẽ theo tôi mãi mãi…
Theo monngonvietnam